Tăng trưởng kinh tế châu Á được dự báo sẽ vượt xa Mỹ và châu Âu
Lạm phát châu Á ở mức ổn định
Theo chia sẻ của ông Chetan Ahya, chuyên gia kinh tế tại khu vực châu Á của ngân hàng Morgan Stanley, quý IV năm nay, tốc độ tăng trưởng của châu Á sẽ có thể vượt xa Mỹ và châu Âu khoảng 0,45 điểm %.
Châu Á được dự kiến sẽ ghi nhận tốc độ tăng trưởng tốt hơn trong khi phương Tây tụt lại phía sau. Ngoài ra, khu vực này có thể chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ hơn của Trung Quốc vào nửa cuối năm nay, trong khi các nền kinh tế lớn khác của châu Á cũng đang cho thấy nhu cầu nội địa mạnh mẽ.
Tăng trưởng kinh tế Mỹ và châu Âu đang bị kìm hãm vì những vấn đề lạm phát nghiêm trọng. Ngoài ra, ngân hàng trung ương tại đây cũng phải liên tục tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát.
"Châu Á không gặp phải cú sốc lãi suất như Mỹ và châu Âu", ông Ahya chia sẻ với CNBC đồng thời cho biết lạm phát của châu Á hiện chỉ bằng một nửa so với Mỹ và châu Âu.
Lạm phát châu Á đã đạt đỉnh (Ảnh: Nikkei). |
Chỉ số giá tiêu dùng ở Mỹ tăng chậm lại 4% trong tháng 5, mức thấp nhất trong 2 năm, sau khi đạt đỉnh 9,1% hồi tháng 6 năm ngoái. Tuy nhiên, lạm phát vẫn còn cao hơn gấp đôi so với mức mục tiêu của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Tại cuộc họp tuần này, Fed đã tạm dừng tăng lãi suất nhưng báo hiệu có thể tăng thêm 50 điểm cơ bản nữa trong những tháng tới nếu lạm phát không hạ nhiệt.
Trước đó, Fed đã thực hiện đợt tăng lãi suất thứ 10 liên tiếp trong vòng hơn 1 năm, đánh dấu đợt thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh nhất từ những năm 1980.
Còn tại châu Âu, lạm phát ở khu vực đồng euro (Eurozone) đã giảm xuống 6,1% trong tháng 5, đánh dấu mức thấp nhất kể từ tháng 2/2022. Ngân hàng châu Âu (ECB) đã tăng lãi suất từ -0,5% vào năm 2022 lên mức 3,25% trong tháng 5, mức cao nhất kể từ tháng 11/2008.
"Vấn đề lạm phát của châu Á không còn quá nghiêm trọng và chúng tôi nghĩ rằng lạm phát của khu vực này đã lên đến đỉnh điểm. Cuối năm nay, lạm phát của 80% các quốc gia châu Á sẽ quay trở lại vùng an toàn của các ngân hàng trung ương", chuyên gia Chetan Ahya nêu quan điểm với CNBC.
Tiềm năng tại các nền kinh tế lớn trong khu vực
Một số ngân hàng trung ương ở châu Á đã bắt đầu giảm lãi suất bao gồm Hàn Quốc, Úc, Ấn Độ, Indonesia, Singapore và Việt Nam.
Các chuyên gia cũng kỳ vọng vào sự phục hồi rõ hơn của Trung Quốc trong nửa cuối năm nay. Ngân hàng Morgan Stanley dự báo tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này sẽ đạt 5,7% trong năm 2023, cải thiện nhiều so với mức 3% của năm ngoái.
"Chúng tôi cho rằng sự phục hồi tiêu dùng ở Trung Quốc đang đi đúng hướng, điều đó chắc chắn cũng sẽ lan tỏa tích cực đến các nền kinh tế khác trong khu vực", ông Ahya chia sẻ.
Dữ liệu lạm phát tiêu dùng của Trung Quốc trong tháng 5 tăng 0,2% so với một năm trước, trong khi chỉ số giá sản xuất giảm 4,6%, ghi nhận mức giảm mạnh nhất trong 7 năm.
Morgan Stanley cũng kỳ vọng Chính phủ Trung Quốc sẽ công bố nhiều biện pháp kích thích dưới hình thức nới lỏng việc mua bán bất động sản và cung cấp chương trình tài trợ cơ sở hạ tầng trị giá khoảng 1.000 tỷ USD. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) mới đây cũng đã thông báo cắt giảm lãi suất cho vay ngắn hạn từ 2% xuống 1,9%.
Tuy nhiên những dữ liệu kinh tế được Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc công bố hôm nay cho thấy tăng trưởng sản lượng công nghiệp và doanh số bán lẻ trong tháng 5 đều kém hơn kỳ vọng.
Sản lượng công nghiệp chỉ tăng 3,5% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn mức tăng 5,6% trong tháng 4 và cũng kém hơn so với mức dự báo 3,6% của các nhà kinh tế. Doanh số bán lẻ cũng chỉ tăng 12,7%, thấp hơn mức dự báo là 13,6% và chậm lại so với mức 18,4% của tháng 4.
Ông Julian Evans-Pritchard, chuyên gia của Capital Economics, cho rằng Bắc Kinh đang đứng trước áp lực tung ra các chính sách hỗ trợ để ngăn nền kinh tế suy yếu hơn nữa.
Các chuyên gia cũng kỳ vọng vào sự phục hồi rõ hơn của Trung Quốc trong nửa cuối năm nay (Ảnh: IT). |
Bên cạnh đó, Ấn Độ, Indonesia và Nhật Bản là những nơi đang có chu kỳ phục hồi nhu cầu nội địa ấn tượng, góp phần hỗ trợ tốc độ tăng trưởng chung của toàn khu vực.
"Ấn Độ đã thực hiện cải cách cấu trúc kinh tế trong 5 năm qua và đẩy mạnh thúc đẩy đầu tư tư nhân", chuyên gia kinh tế Chetan Ahya nhận định. Ông dự đoán tăng trưởng của Ấn Độ sẽ đạt 6,5% vào năm 2023, cao hơn mức dự báo 5,9% của quỹ tiền tệ quốc tế.
Indonesia cũng đã thực hiện các chính sách vĩ mô giúp giảm lạm phát và chính phủ nước này cũng cam kết giữ thâm hụt ngân sách dưới 3%. Điều đó cũng giúp tỷ lệ nợ công trên GDP của Indonesia thấp nhất trong các thị trường mới nổi với mức dưới 40%.
Morgan Stanley cũng cho rằng Nhật Bản cũng được đang ở thời điểm thuận lợi để nỗ lực chấm dứt tình trạng giảm phát mà không gặp phải vấn đề lạm phát nghiêm trọng như Mỹ và Châu Âu.
"Tất cả những điều này đang tạo ra một môi trường giúp cỗ máy kinh tế châu Á hoạt động hiệu quả", ông Ahya nhận định.
Châu Á vẫn là điểm sáng của tăng trưởng toàn cầu
Theo Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), trong khi nền kinh tế toàn cầu có thể giảm tốc hơn nữa, châu Á được kỳ vọng sẽ vẫn là một điểm sáng, với lạm phát dự kiến sẽ duy trì ở mức vừa phải. OECD dự đoán tăng trưởng toàn cầu đạt 2,7% trong năm nay, mức thấp thứ 2 kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008.
Bà Clare Lombardelli, chuyên gia kinh tế của OECD đánh giá: "Trung Quốc dự kiến sẽ chứng kiến sự thay đổi tăng trưởng tích cực trong năm nay nhờ việc dỡ bỏ chính sách Zero Covid. Việc mở cửa trở lại của Trung Quốc cũng thúc đẩy nhu cầu ở các nền kinh tế châu Á khác. Trong năm qua, tăng trưởng GDP của châu Á vẫn tương đối mạnh".
Báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu của OECD cũng cho thấy, lạm phát trung bình của các nước châu Á sẽ giảm xuống 6,6% trong năm nay, sau khi đạt đỉnh 9,4% vào năm 2022.
Mặc dù lưu ý rằng các ngân hàng nói chung có thể linh hoạt hơn so với trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, nhưng OECD cho biết, niềm tin của thị trường vẫn còn mong manh sau sự sụp đổ của ngân hàng ở Mỹ. Báo cáo cũng chỉ ra mức nợ tăng cao ở các nền kinh tế tiên tiến sau đại dịch Covid-19 và xung đột Nga - Ukraine.
Châu Á vẫn là điểm sáng của tăng trưởng toàn cầu (Ảnh: Business Insider). |
Ông Mathias Cormann, tổng thư ký OECD nhận định: "Chúng ta vẫn phải đối mặt với rất nhiều thách thức chính sách phía trước. Nền kinh tế thế giới đang có sự không chắc chắn do tác động của cuộc xung đột Nga - Ukraine và cả những căng thẳng địa chính trị khác.
Tình trạng thiếu khí đốt đã tránh được ở châu Âu trong mùa đông năm nay và sự gián đoạn trên thị trường dầu mỏ đã không xảy ra. Tuy nhiên, chúng ta vẫn cần lưu ý vì một số điều kiện thuận lợi giúp giảm nhu cầu năng lượng trong năm qua có thể không lặp lại vào năm tới".
Để chống lạm phát và giải quyết những mối lo ngại trước mắt đối với nền kinh tế toàn cầu, OECD khuyến nghị các chính phủ duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt, loại bỏ dần các hỗ trợ tài chính hoặc thúc đẩy các hỗ trợ có mục tiêu, ưu tiên các chính sách thúc đẩy tăng trưởng và cải thiện nguồn cung.
OECD cũng lưu ý thêm rằng hầu như tất cả các quốc gia đều có thâm hụt ngân sách và mức nợ công cao hơn so với trước đại dịch. Do đó, cần có những lựa chọn cẩn thận để duy trì nguồn ngân sách cho các ưu tiên chính sách trong tương lai.
Theo Dân trí
Chuyên gia IMF: Tăng trưởng của Việt Nam vẫn ở mức cao |
Standard Chartered dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam xuống mức 6,5% |
-
Tin tức kinh tế ngày 18/10: Standard Chartered nâng mức dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam lên 6,8%
-
Dự báo 2 kịch bản tăng trưởng GDP về đích năm 2024
-
Tin tức kinh tế ngày 11/10: Thương mại hai chiều Việt Nam - Trung Quốc tiến sát mốc 150 tỷ USD
-
Tin tức kinh tế ngày 5/10: Ngân hàng ồ ạt tung gói vay trả nợ nhà băng khác
-
Tin tức kinh tế ngày 1/10: Nhập khẩu gạo của Việt Nam tăng mạnh
-
IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu, cảnh báo rủi ro gia tăng
-
Xuất khẩu của Nhật Bản giảm mạnh nhất kể từ năm 2021
-
Nhà sản xuất máy bay lớn nhất thế giới dự kiến sa thải 17.000 nhân viên
-
Ấn Độ trên hành trình trở thành gã khổng lồ về “vàng trắng”
-
Nga dự kiến chi hơn 500 triệu USD xây dựng kho dự trữ kim loại quý