Tại sao Nghi Sơn?
Tình cờ lần ấy đi miền Trung tôi được lạc vào một cái làng lạ!
Làng có tên là Nghi Sơn. Nghi Sơn của xã Quế Hiệp, huyện Quế Sơn tỉnh Quảng Nam.
Cái lạ đầu tiên, dân làng ấy không nói âm Quảng “Nôm” mà như thế nào nhỉ, chả phải là phảng phất nữa, đặc sệt giọng xứ Thanh!
Đêm đó không phải chai rượu lạt mà chất giọng nằng nặng quê kiểng của ông già làng tên Năm kéo dài câu chuyện mãi đến khuya lắc khuya lơ. Ông Năm, dân xứ Quảng của thế kỷ XXI hay là cụ vừa bước ra từ những thăm thẳm thế kỷ XV thời Lê Thánh Tông của Đại Việt?
Chuyện là thế này, tất cả người ở làng Nghi Sơn đây đều là con dân làng Nghi Sơn, huyện Ngọc sơn, Phủ Tĩnh Gia, Thanh Hóa vâng mệnh vua Lê Thánh Tông vào xứ Thuận Quảng này. Nếu tôi không nhầm, hình như đây là đợt di dân đầu tiên, đợt mang gươm đi mở cõi đầu tiên của dân Bắc vào phía Nam? Còn đợt di dân thứ hai bề thế xôm tụ có thể là đợt dân xứ Thanh lũ lượt theo Chúa Nguyễn Hoàng vào đây?
Dân Nghi Sơn theo chân vua Lê mà Nam tiến mở cõi, khi đến vùng đất này họ đã hạ trại lập làng. Để tưởng nhớ làng quê cũ, những người khai khẩn đã lấy tên làng cũ là Nghi Sơn đặt cho vùng đất mới. Kỳ lạ thay, người ta bảo chất nước chất đất tóm lại là thung thổ thì mới quy định giọng nói nhưng dằng dặc hàng thế kỷ những giao lưu cùng là bao tao loạn như thế chất giọng Thanh, chất giọng Nghi Sơn còn nguyên nghe kỹ mới chại đi chút đỉnh đủ biết việc truyền và giữ cho thứ “hương âm vô cải” ấy độc đáo đến như thế nào?
Làng Nghi Sơn có ngôi Miếu Cấm. Ngôi miếu ấy không tọa lạc trong những quần cư san sát mà trong một khu rừng già. Ngôi miếu như một thứ đình làng để dân làng hương khói bốn mùa không dứt, giữ hồn cốt cho người làng Nghi Sơn. Ngôi miếu rêu phong đã lở lói ấy, qua nhiều lẫn trùng tu nhưng nghe nói có từ thuở lập làng Nghi Sơn này! Nghi Sơn phong thủy địa thế đẹp mà vững. Nhiều làng thế đẹp cảnh hay nhưng chênh vênh lẫn mong manh. Hơn trăm nóc nhà làng Nghi Sơn rải đều quanh triền núi. Lưng tựa vào núi, phía trước là những thửa ruộâng bậc thang. Bới đất lật cỏ, tùng tiệm đủ ăn. Không quá giàu nhưng cũng chả phải nghèo. Tôi đồ rằng, Nghi Sơn thế đẹp vững như vậy bởi kề ngay sát khu rừng cấm. Rừng Cấm được viết hoa bởi khu rừng Cấm ấy dân Nghi Sơn coi như một mảnh hồn làng. Thời đổi mới nhưng hương ước làng được dân tuân thủ nghiêm ngặt: “Cấm cư dân trong làng vào rừng chặt củi làm than. Nếu vi phạm sẽ bị làng xử phạt. Nhẹ thì cảnh cáo, nặng thì đòn roi, nghiêm trọng hơn thì đuổi ra khỏi làng”. Nguyên tắc bất di bất dịch ấy lưu truyền từ đời này sang đời khác. Xưa bày nay làm, vậy nên suốt cả mấy chục năm sau chiến tranh, ở làng này không ai dám vào rừng đốt củi làm than. Nhờ vậy khu rừng nơi Miếu Cấm mới tồn tại xanh tươi được như bây giờ.
Điều đặc biệt của khu rừng Miếu Cấm hàng chục hécta thảm rừng bản địa với đủ loại cây gỗ quý… Những năm chiến tranh, dân trong làng chạy vào rừng Miếu Cấm này trú ngụ, dù bom đạn làm nhiều cây lớn gãy đổ. Chiến tranh kết thúc, cánh rừng này bắt đầu hồi sinh. Bây giờ những cây gỗ lớn nhất một người ôm không xuể.
Điều lạ nữa là trong làng ràng rịt hương ước giữ rừng đã đành nhưng người xã khác, vùng khác không dám vào rừng của làng chặt cây săn bắn. Chắc từ thuở lập làng, cùng với lời nguyền nơi Miếu Cấm tổ tiên Nghi Sơn đã biết dùng thể ỷ dốc dựa vào rừng để Nghi Sơn mướt mát bình yên đến tận ngày nay?
Một việc tức tưởi mà tôi nói ở đây là chuyện danh nhân Đào Duy Từ.
Có người đồ rằng, mạch núi Biện Sơn khởi nguồn đâu như chỗ Tam Điệp chạy thoai thoải về nam đến Nghi Sơn của Tĩnh Gia thì chồm ra biển cũng là xứ địa linh vậy nên đã sinh ra một nhân kiệt là Đào Duy Từ?
Xứ mình hình như ít người dùng cả nghiệp viết lách của mình để giành cho việc khắc họa chân dung những danh nhân? Tôi mạo muội nghĩ, nếu ai có viết về Đào Duy Từ thì cũng phải biên đủ những năm tháng còn trẻ, rằng Đào Duy Từ đã sớm phát lộ tài học chứ không phải đợi cho đến lúc lớn lộc ngộc cắp sách đi thi Hương, hệ thống hành chính của nhà Lê Trịnh vì phát hiện ra Đào Duy Từ là con một nhà đàn hát (xướng ca vô loài) nên cấm cửa không cho thi như trước nay vẫn nói, vẫn nghĩ! Điều đó là chuẩn nhưng mãi sau này, giọt nước cấm cửa không cho con trai của người đào hát Đào Tá Hán đi thi Hương mới tràn cái ly quyết chí vô Nam theo chúa Nguyễn!
Cứ như sách vở giấy tờ còn lại thì có lẽ gây biết bao nỗi băn khoăn lẫn hoang mang cho hậu thế bởi những khoảng trống khuyết trong tiểu sử của Đào Duy Từ? Thông minh học rộng biết nhiều. Trước khi lỡ cỡ cuộc thi Hương ở Thanh Hóa, Đào Duy Từ đã làm những gì? Nghe nói, tất nhiên trong dã sử có loáng thoáng những chi tiết rằng, ông có lấy họ mẹ đi thi và từng nổi danh qua những cuộc giao lưu gặp gỡ với nhiều người tài? Lại nữa, không biết chính sử có chép nhầm không, mùa đông năm Ất Dậu, tức năm 1627, Đào Duy Từ trốn vô Đàng Trong theo Chúa Nguyễn. Thời điểm ấy, Đào Duy Từ đã 55 tuổi! Cái tuổi “ngũ thập tri thiên mệnh”. Liệu có muộn quá không? Biết phận mình, biết mệnh trời đã an bài hay nhân sự biết ấy mà quyết đổi thay một số phận? Khởi nghiệp ở độ tuổi ấy mà thành “quốc danh” như Đào tiên sinh quả dưới gầm trời Nam là cực hiếm?
Nhưng tôi vẫn mong điều này là chính xác bởi cuộc đời của Đào tiên sinh, tạm chia làm 2 giai đoạn không bằng nhau, đều nhau. Đoạn đầu là dằng dặc bi kịch là tức tưởi nỗi đau của một trí thức. Cứ cho là năm khoảng 20 tuổi, Đào dự kỳ thi Hương đi. Bị gạt, bị đuổi về bởi lý do kỳ quái khắt khe thời ấy – con một nhà đào hát chuyên nghiệp. Dằng dặc 35 năm kế tiếp ôm nỗi nhục bị gạt ra ngoài lề, bị văng khỏi cuộc sống như thế luẩn quẩn ở xó Nghi Sơn, Tĩnh Gia quê nhà nghèo túng hay đi kiếm sống trên rừng dưới bể? Đoạn cuối cuộc đời Đào Duy Từ có lẽ là đích thực một thứ tráng ca nếu không nói là khải hoàn ca. Chỉ có 8 năm ở với chúa Nguyễn Phúc Nguyên, sự hằng sống dằng dặc của quá khứ của Đào Duy Từ đã bùng lên thành chất lượng sống hiện tại, Đào Duy Từ đã trở thành những thứ đích thực của một nhà thơ, nhà văn hóa, nhà quân sự và trở thành danh thần thời Nguyễn. Chỉ có 8 năm mà Đào Duy Từ đã xây dựng cho nhà Nguyễn một cơ sở xã hội vững chắc, một quân đội hùng mạnh ( công trình Lũy Thầy) Năm 1634, con người tài danh ấy trút hơi thở cuối cùng ở đất phương Nam thọ 62 tuổi và được hậu thế tôn vinh là đệ nhất khai quốc công thần nhà Nguyễn!
Tôi nhớ, mình có kể cho một người quen là Lê Đình Thọ hai chuyện ấy nhân bữa chúng tôi đi thăm khu tái định cư khu tổ hợp Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn, bữa ấy nhằm ngày mồng Hai Tết Canh Dần, năm 2010. Khi đó Thọ đang là Giám đốc phụ trách Khu kinh tế Nghi Sơn một vùng trọng điểm kinh tế của Thanh Hóa. Thọ xuất thân từ một vùng quê không có những huyền thoại tức tưởi như thổ Nghi Sơn của đất Biện Sơn mà hơi bị hào sảng! Vùng quê ấy nghèo nhưng là dưới chân Ngàn Nưa nơi dấy binh đánh giặc thiên triều của Bà Triệu oai phong lẫm liệt. Phần việc gian nan không riêng chi của Thọ trấn giữ mặt nam xứ Thanh mà cũng là trọng trách của Ban lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa là làm sao, nói đẩy nhanh tiến độ thì chả dám mà khiêm tốn giữ đúng tiến độ giải phóng mặt bằng cho Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn.
Trên đường về, Thọ có đưa tôi đến Đền Đào Duy Từ gần khu tái định cư Nhà máy Lọc hóa dầu. Dâng hương tại đền thờ tiền nhân xong, nghe kể lại chuyện làng Nghi Sơn ở Quảng Nam và chuyện Đào Duy Từ, Thọ cảm khái bộc bạch rằng bản chất dân Nghi Sơn nói riêng và xứ Thanh nói chung vẫn như thuở nào dũng cảm siêng năng cần cù chịu khó và chi nữa, đầy sự nhẫn nại hy sinh. Mà cụ thể là những mất mát hẫng hụt của người dân Nghi sơn góp cho sự nghiệp công nghiệp hóa, trước là tỉnh nhà sau là đất nước với trọng điểm là trung tâm lọc hóa dầu…
Bây giờ Thọ đã chững chạc ở cương vị Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa, tôi chợt nhớ đến bộc bạch ấy của anh ngày nào…
Dân ấy thì dứt khoát phải có quan ấy, lãnh đạo ấy chứ chả thể khác?
Lại nữa, với cương vị ấy, câu chuyện về Đào Duy Từ, một người con từng tức tưởi của xứ Thanh chả bao giờ cũ của “thông điệp” sử dụng người tài?
(Xem tiếp kỳ sau trên báo Năng lượng Mới số 13)
Phóng sự của Xuân Ba