Số vụ phá sản chỉ là phần nổi của tảng băng
Brooks Brothers, Hertz, California Pizza Kitchen và Chuck E. Cheese là nạn nhân của cuộc khủng hoảng hiện tại. Và đó mới chỉ là vài ví dụ. Bất chấp hỗ trợ chưa từng có tiền lệ của Quốc hội và Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), số vụ vỡ nợ của các công ty lớn vẫn tăng 244% trong tháng 7 và 8 so với cùng kỳ năm ngoái, theo nghiên cứu của ngân hàng đầu tư Jefferies.
Một số công ty, như hãng bán lẻ 118 tuổi JCPenney, đã tìm được người mua để cứu doanh nghiệp này và thoát khỏi phá sản. Nhưng số khác, như chuỗi trung tâm thương mại Lord & Taylor và Century 21, phải đóng cửa hoàn toàn.
Đây chính là lời cảnh báo, rằng bất chấp thị trường chứng khoán Mỹ hồi phục và thị trường nhà đất tăng nhiệt, đại dịch đã giáng đòn chí mạng vào vô số công ty, người lao động và cổ đông. "Có rất nhiều công ty đang chịu thiệt hại. Chúng tôi đang phải làm việc 24/7", Joseph Acosta – luật sư chuyên về phá sản tại hãng luật Dorsey & Whitney cho biết.
Những công ty nộp đơn xin phá sản trong vài tháng gần đây thuộc nhiều lĩnh vực, trong đó có hãng khai thác dầu đá phiến Chesapeake Energy, hãng đồ bếp cao cấp Sur La Table và công ty biểu diễn xiếc Cirque du Soleil. Không ngạc nhiên khi các lĩnh vực chịu tác động mạnh nhất từ đại dịch cũng là ngành có số vụ phá sản tăng vọt. Jefferies cho biết số vụ phá sản ngành hàng không tăng 110% so với năm ngoái, trong khi dầu khí tăng 45% và giải trí tăng 22%.
Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng đây mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. "Vẫn chưa đạt đỉnh đâu. Đỉnh sẽ đến khi chính phủ ngừng các gói hỗ trợ", Acosta cho biết.
Một cửa hàng của Lord & Taylor tại Wisconsin Place. Ảnh: Reuters |
Đến cuối tháng 8, số đơn xin phá sản của các công ty lớn (có ít nhất nửa tỷ USD nợ) đã tăng 120% so với năm ngoái, Jefferies cho biết. Con số này đã bao gồm kỷ lục 34 đơn giai đoạn tháng 5 và 6.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng tổng số vụ vỡ nợ (gồm cả doanh nghiệp lớn, vừa và nhỏ) vẫn chưa tăng vọt, ít nhất là đến hiện tại. Tổng số vụ vỡ nợ năm nay thậm chí đang thấp hơn 14% so với năm ngoái, Jefferies cho biết.
Nguyên nhân có thể là vì các công ty nhỏ ít nộp đơn xin phá sản hơn. Họ có rất ít nguồn lực trong khủng hoảng. "Chúng tôi cho rằng sự chênh lệch là do họ không có đủ tiền mặt và tài sản thanh khoản cao để trả cho luật sư phụ trách phá sản", Ken Usdin – nhà phân tích tại Jefferies lý giải. Nói cách khác, những công ty này đơn giản là không đủ tiền để phá sản.
Một yếu tố khác giúp giữ số lượng doanh nghiệp nhỏ phá sản ở mức thấp là các chương trình hỗ trợ của ngân hàng lớn và chính phủ, như Chương trình Bảo vệ Tiền lương (PPP). Tuy nhiên, chúng rồi cũng sẽ hết hiệu lực.
Jefferies dự báo số đơn xin phá sản sẽ tăng tốc. Trong một khảo sát tháng 7 của Fed, quan chức cấp cao tại nhiều ngân hàng cho biết sẽ siết tiêu chí cho vay. Việc này có lẽ do ngân hàng đang phải chịu tổn thất lớn từ cho vay.
Lợi nhuận các ngân hàng lớn như JPMorgan Chase, Citigroup và Bank of America đã lao dốc trong quý II do phải dự phòng hàng chục tỷ USD cho tổn thất khoản vay.
Số khoản vay thương mại có rủi ro cao chiếm 14% tổng cho vay tại M&T Bank và Fifth Third Bancorp. Đây là tỷ lệ cao nhất trong nhóm ngân hàng vốn hóa lớn được Jefferies thống kê. Những khoản vay dạng này chiếm 10% hoặc hơn tại các nhà băng Wells Fargo, Truist Financial, US Bancorp và Key.
Rất dễ hình dung số đơn xin phá sản sẽ cao hơn nhiều nếu không có sự hỗ trợ chưa từng có tiền lệ của giới chức Mỹ. Gói kích thích của liên bang đã hỗ trợ trực tiếp cho người tiêu dùng, cung cấp khoản vay không hoàn lại cho các doanh nghiệp nhỏ và trợ cấp hàng chục tỷ USD cho các hãng hàng không.
Fed đã hạ lãi suất về 0% và bơm hàng nghìn tỷ USD vào hệ thống tín dụng để phá băng thị trường cho vay. Cơ quan này thậm chí lần đầu tiên mua lại trái phiếu doanh nghiệp, kể cả trái phiếu ‘rác’.
Doanh nghiệp Mỹ đã phát hành hơn 40 tỷ USD trái phiếu ‘rác’ chỉ trong tháng 8, gấp hơn 4 lần cùng kỳ năm ngoái, theo Fitch Ratings. Tổ chức này cho biết quy mô trái phiếu ‘rác’ đã tiến sát kỷ lục 281 tỷ USD năm 2012.
Số tiền này đã giúp các công ty cận kề phá sản có thể trả được nợ. Danh sách trái phiếu đáng lo ngại của Fitch đã giảm 49% trong tháng 8 so với đỉnh tháng 5. Dù vậy, Fitch vẫn dự báo tỷ lệ vỡ nợ trái phiếu ‘rác’ của Mỹ lên 8% năm tới, tăng mạnh so với 2,4% năm 2018.
Trong môi trường thiếu chắc chắn về mọi thứ, từ nền kinh tế đến đại dịch và bầu cử Tổng thống Mỹ, các công ty sẽ càng huy động vốn khó khăn. "Tình hình sẽ ngày càng tệ hơn", Acosta cảnh báo.
Theo VNE
-
Fed để ngỏ khả năng tiếp tục cắt giảm lãi suất lớn
-
Tin tức kinh tế ngày 31/7: Nhu cầu vàng miếng tại Việt Nam tăng cao nhất trong 10 năm
-
Tin tức kinh tế ngày 26/7: Đề xuất bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng
-
Kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh trong quý II/2024
-
Tin tức kinh tế ngày 28/6: Tổng vốn FDI đăng ký mới tăng 13%
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Tỉnh Quảng Trị có tiềm năng phát triển thành trung tâm năng lượng tái tạo
Luật Điện lực (sửa đổi) phải là “trụ đỡ” pháp lý vững chắc để năng lượng mới, năng lượng tái tạo phát triển đúng kỳ vọng
[Chùm ảnh] Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm thăm và làm việc tại huyện đảo tiền tiêu Cồn Cỏ, tỉnh Quảng Trị
-
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Tỉnh Quảng Trị có tiềm năng phát triển thành trung tâm năng lượng tái tạo
-
Luật Điện lực (sửa đổi) phải là “trụ đỡ” pháp lý vững chắc để năng lượng mới, năng lượng tái tạo phát triển đúng kỳ vọng
-
[Chùm ảnh] Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm thăm và làm việc tại huyện đảo tiền tiêu Cồn Cỏ, tỉnh Quảng Trị
-
Luật Điện lực (sửa đổi): Các khoảng trống pháp lý cần được lấp đầy và bổ sung theo tinh thần NQ55 và KL76
-
Nhà nước là chủ sở hữu vốn nhưng không can thiệp trực tiếp vào hoạt động của doanh nghiệp