Quyết tâm thanh lọc thị trường chứng khoán
Nhà đầu tư theo dõi thị trường tại sàn giao dịch chứng khoán |
Trong nửa đầu năm 2022, hàng loạt chủ doanh nghiệp lớn như FLC, Tân Hoàng Minh, Công ty CP Louis Holdings... bị khởi tố để điều tra các hành vi vi phạm pháp luật về chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp, cho thấy sự quyết tâm làm trong sạch TTCK của Chính phủ.
Biện pháp thanh lọc TTCK nhằm thúc đẩy nâng hạng thị trường trong giai đoạn 2024-2025 (yêu cầu công bố số liệu giao dịch tự doanh của các công ty chứng khoán; cảnh báo cổ phiếu “tăng sốc, giảm sâu”; thay đổi cách tính giá thanh toán cuối cùng đáo hạn hợp đồng tương lai VN30...) được kỳ vọng sẽ hỗ trợ TTCK tăng thanh khoản và minh bạch thông tin, đồng thời giải quyết nhiều “nút thắt”, góp phần nâng cao tính bền vững của TTCK.
Vài năm trở lại đây, TTCK đón nhận sự quan tâm của đông đảo người dân, những nhà đầu tư nhỏ lẻ, nhưng là bộ phận rất quan trọng đối với sự phát triển của TTCK. Dù vậy, bộ phận nhà đầu tư nhỏ lẻ dễ chịu thua thiệt khi TTCK bị thao túng, làm giá.
Theo số liệu từ Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD), trong 5 tháng đầu năm 2022, nhà đầu tư cá nhân đã mở mới gần 1,38 triệu tài khoản, gần bằng lượng tài khoản mở mới cả năm 2021 (1,53 triệu tài khoản). Tính đến cuối tháng 5, số tài khoản chiếm khoảng 5,7% dân số. Như vậy, mục tiêu 5% dân số đầu tư vào chứng khoán đến năm 2025 của Chính phủ đã hoàn thành sớm 3 năm. Mốc tiếp theo của chiến lược phát triển TTCK đến năm 2030 là 8%.
Thị trường chứng khoán Việt Nam hiện có nhiều thách thức nhưng vẫn có những yếu tố để kỳ vọng |
Hiện nay, Bộ Tài chính đang nghiên cứu để sớm trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31-12-2020 về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế. Các cơ quan chức năng sẽ tập trung vào quản lý chặt chẽ việc xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, việc đầu tư của nhà đầu tư cá nhân; giám sát phương thức phân phối trái phiếu; yêu cầu xếp hạng tín nhiệm; tăng cường trách nhiệm và có biện pháp quản lý, giám sát các tổ chức trung gian.
Đồng thời, Bộ Tài chính có kế hoạch rà soát Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp để sớm trình Quốc hội sửa đổi các quy định về điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp, điều kiện về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, các biện pháp và chế tài xử phạt.
Dù số tài khoản mở mới tăng mạnh, nhưng TTCK Việt Nam vẫn đang gặp những khó khăn nhất định. TTCK Việt Nam đã trải qua một đợt giảm “sốc” trong tháng 5-2022, VN-Index tạm thời xác lập mức thấp nhất năm nay tại 1.156,54 điểm, tương ứng giảm hơn 32% so với đỉnh 1.528,6 điểm chốt phiên 6-1-2022. Trong tháng 6-2022, TTCK vẫn diễn biến khá tiêu cực với thanh khoản suy giảm và điểm số đang “loay hoay” dưới mốc 1.200 điểm. Chốt phiên 23-6-2022, VN-Index dừng tại mốc 1.189 điểm.
Theo Công ty TNHH Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam), việc điều tra các vụ việc thao túng TTCK trong nước, thắt chặt điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp đang đè nặng lên tâm lý các nhà đầu tư trong nước.
Theo nhận định của Công ty CP Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) trong bản công bố Top 50 công ty đại chúng uy tín và hiệu quả năm 2022 (VIX50), TTCK Việt Nam tiềm ẩn hai rủi ro đáng lưu ý: Lạm phát tăng cao, xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ và căng thẳng Nga - Ukraine.
Đã xuất hiện những quan điểm thận trọng về triển vọng tăng trưởng TTCK Việt Nam. Chỉ có khoảng 31% số chuyên gia và doanh nghiệp đại chúng tham gia cuộc khảo sát do Vietnam Report thực hiện trong tháng 5-2022 cho rằng, TTCK sẽ tiếp tục sôi động và diễn biến tích cực. Phần lớn ý kiến cho rằng, TTCK sẽ có những cú sốc mới hoặc diễn biến trầm lắng, thanh khoản cầm chừng. Tăng trưởng VN-Index cuối năm 2022 sẽ dưới 10%.
Vietnam Report cho biết, tác động gây nhiều lo lắng nhất là lạm phát. Dù Việt Nam chủ động thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp bình ổn giá, hạn chế những tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội, nhưng bình quân 5 tháng đầu năm 2022, lạm phát cơ bản vẫn tăng 1,1% so với cùng kỳ năm 2021 và thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 2,25%). Như vậy, so với mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 4%, hiện tại dư địa không còn nhiều.
Trong báo cáo triển vọng thị trường hàng hóa của Ngân hàng Thế giới (WB) vào tháng 4-2022, giá năng lượng được dự báo tăng 50% trong năm 2022, sau đó duy trì mặt bằng giá mới trong năm 2023 và 2024. Các hàng hóa như nông sản hay kim loại được dự báo tăng 20% trong năm 2022, sau đó tăng nhẹ trong năm 2023 và 2024. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) có thể sẽ tiếp tục tăng lãi suất cho đến khi đạt được những kết quả đáng kể trong việc kiểm soát lạm phát. Thực tế đó sẽ tạo áp lực lớn đối với nền kinh tế toàn cầu đang trong quá trình phục hồi sau đại dịch, Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ.
Trong giai đoạn này, ưu tiên hàng đầu về chính sách của Việt Nam là kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, việc giá cả nguyên, nhiên, vật liệu hàng hóa trên thế giới tăng “nóng” khiến dự báo các mục tiêu điều hành nền kinh tế gặp nhiều thách thức.
Tuy vậy, Vietnam Report cho rằng, vẫn có những yếu tố khả quan để kỳ vọng. Nửa cuối 2022, mức tăng trưởng của những ngành bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh dự kiến sẽ tích cực so với cùng kỳ năm 2021. Giải ngân đầu tư công sẽ được thúc đẩy nhanh hơn. Gói hỗ trợ lãi suất 2% cũng là một động lực cho tăng trưởng của nền kinh tế nếu sớm được triển khai đúng định hướng..
Trong 5 tháng đầu năm 2022, trên TTCK, nhà đầu tư cá nhân đã mở mới gần 1,38 triệu tài khoản, gần bằng lượng tài khoản mở mới cả năm 2021 (1,53 triệu tài khoản). Tính đến cuối tháng 5, số tài khoản chiếm khoảng 5,7% dân số. Mục tiêu 5% dân số đầu tư vào chứng khoán đến năm 2025 đã hoàn thành sớm 3 năm. |
Ngọc Quỳnh
-
Bản tin Năng lượng Quốc tế 21/10: Giá dầu sáng nay tăng nhẹ
-
Tin tức kinh tế ngày 20/10: Lượng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng cao kỷ lục
-
Giá dầu hôm nay (19/10): Dầu thô quay đầu giảm
-
Tin tức kinh tế ngày 19/10: Hơn 140 vụ điều tra chống bán phá giá với hàng xuất khẩu Việt Nam
-
Lỗ hổng trong quy trình quản lý tài sản gửi của khách hàng