Quản lý An toàn thực phẩm: Cần giải pháp đột phá
Bếp gia đình: Không còn là nơi an toàn nhất |
Quá nhiều chất cấm
Tại cuộc họp về Công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tổ chức mới đây, một thông tin cho biết, gần đây đã có tới 68 tấn sanbutamol, một chất cấm trong chăn nuôi nhưng ngành y tế lại cho phép sử dụng để sản xuất thuốc hen suyễn đã được nhập về theo con đường y tế.
Người ta đặt ra câu hỏi, liệu ở Việt Nam số bệnh nhân bị hen suyễn có nhiều tới mức phải sử dụng ngần ấy chất sanbutamol để sản xuất dược liệu hay không hay chỉ là một cách “che mắt” cơ quan quản lý vệ sinh ATTP để sử dụng trong chăn nuôi với mục đích tạo nạc và tăng trọng?
Ngay đại diện của Cục Cảnh sát Môi trường, Bộ Công an cũng phải đặt vấn đề về số lượng quá khủng khiếp của chất cấm trong chăn nuôi này. Cục Cảnh sát môi trường đề nghị phải làm rõ chất sanbutamol này đã đi đâu, về đâu và dùng để làm gì?
Một trang trại nuôi gà ở Đồng Nai |
Và có lẽ câu hỏi trên cũng không sai khi nghi ngờ như vậy bởi trong đợt kiểm tra an toàn thực phẩm tháng 8 và 9 vừa qua, kiểm tra 52 mẫu thịt lợn trên địa bàn 2 thành phố lớn nhất là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có tới 6 mẫu có chất cấm sanbutamol, ngoài ra còn có 3 mẫu chứa chất cấm khác là sulfadimidine - cũng là chất cấm dùng để kích thích sinh trưởng. Điều đáng nói là phần lớn số mẫu kiểm tra có chất cấm này đều ở thị trường Hà Nội. Trong khi ở phía Nam, sau khi kiểm tra gắt gao suốt thời gian qua về sử dụng chất cấm thì lại có dấu hiệu giảm xuống.
Cũng lại ở Hà Nội, cơ quan chức năng của Bộ NN&PTNT tuần tháng 10 đã phát hiện một số cơ sở chăn nuôi đã sử dụng chất vàng O, một loại hóa chất công nghiệp chuyên dùng nhuộm vải sợi hoặc sản xuất ve quét tường trong ngành xây dựng, để trộn vào thức ăn cho gà ăn nhằm tạo màu vàng “bắt mắt” cho da gà trong thời gian vỗ béo.
Theo ông Nguyễn Xuân Dương, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ NN&PTNT, đây là chất không được phép sử dụng trong thực phẩm vì tác hại của nó đối với sức khỏe con người có thể là gây ung thư.
Không chỉ ở thực phẩm như thịt gà, lợn mà ngay cả rau xanh, kết quả kiểm nghiệm của tháng 8 và 9 đã phát hiện 60 mẫu trong tổng số 136 mẫu được xét nghiệm tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật với khoảng 30 hoạt chất thuốc. Nhưng trong đó 14 mẫu vượt quá giới hạn cho phép (10,3%) và số mẫu này phần lớn ở thị trường Hà Nội.
Quá nhiều cơ quan quản lý
Đánh giá về tình hình trên đây, Bộ NN&PTNT cho rằng, một thời gian dài, vệ sinh ATTP ở Hà Nội đã khá yên ổn, nhất là thuốc tồn dư bảo vệ thực vật trên rau xanh nhưng trước tình hình thực phẩm không an toàn trở lại, phải chăng là do công tác quản lý trên địa bàn khó khăn?
Ông Ngô Đại Ngọc, Phó giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội nhận định, với khoảng 15 nghìn ha rau xanh hiện có ở Hà Nội, đều có hệ thống cán bộ của cơ quan quản lý giám sát đến từng xã. Tuy nhiên, cái khó của họ là không thể xử lý mạnh tay bởi thiếu một cơ chế như vậy, đặc biệt là đối với những nông dân cố tình vi phạm. Bởi xử lý xong lần vi phạm này, một thời gian sau, họ lại tái phạm bất luận đã từng bị xử lý. Mà nhận định nông dân không biết hành vi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật thế nào là sai là không đúng. Họ rất biết nhưng vẫn cố tình vi phạm để trục lợi, để kiếm chác trên cả những hộ nông dân trồng rau chân chính.
Còn ông Nguyễn Xuân Dương, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi lại cho rằng, đối với lĩnh vực chăn nuôi, khung pháp lý đã rất “mạnh tay”, đã có thể răn đe một cách hiệu quả nhưng vấn đề ở chỗ cơ quan quản lý cấp Trung ương thì quyết liệt xử lý tình trạng thực phẩm không an toàn nhưng cơ quan quản lý thuộc địa phương thì dửng dưng, thiếu nhiệt tình, trách nhiệm. Ông Dương lấy ví dụ: “Chất cấm trong chăn nuôi nếu bị phát hiện sử dụng, xử lý “kịch khung” cơ sở chỉ có phá sản. Thế nhưng như Hà Nội là một ví dụ, đã xử lý hộ chăn nuôi vi phạm nào như thế chưa? Đã tiêu hủy được lô lợn hay đóng cửa cơ sở, doanh nghiệp nào dùng chất cấm như thế chưa?”.
Bà Lê Việt Nga, Phó vụ trưởng, Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương thì nhận định: “Việc nước ta chưa có cảnh sát chuyên ngành về an toàn thực phẩm là một khó khăn. Bởi nước cận kề Thái Lan riêng về lĩnh vực này đã có hàng nghìn cảnh sát an toàn thực phẩm đã giúp cho nước này kiểm soát hiệu quả về ATTP”.
Nói chung, vấn đề vẫn lại là quản lý. Trong khi công tác quản lý quyết định phần lớn hiệu quả của vấn đề ATTP. Vậy câu chuyện này sẽ kéo dài bao lâu nữa và giữa các cơ quan chức năng, sẽ tiếp tục “mạnh ai người ấy làm bao lâu nữa? Trong khi đó, hậu quả của công tác quản lý ấy là sức khỏe, thậm chí mạng sống của nhân dân phải chịu. Một số cơ sở chăn nuôi cho biết, có ngày họ phải tiếp đến 3 đoàn thanh, kiểm tra của các cơ quản lý khác nhau làm mất thời gian không những của cả cơ sở mà của các cơ quan quản lý chỉ vì đã không phối hợp nhịp nhàng với nhau.
Đúng như GS.TS Vũ Duy Giảng, người đã gắn bó với ngành chăn nuôi gần 50 năm nay nhận định: “Công tác quản lý còn nhiều bất cập, chồng chéo. Đã vậy, giữa các cơ quan quản lý thuộc các bộ, ngành vẫn “mạnh ai người ấy làm”, không có sự phối hợp chặt chẽ. Các quy định, điều luật còn chưa rõ ràng, như sanbutamol, cysteamin chẳng hạn ngành y tế cho phép sử dụng nhưng ngành chăn nuôi cấm sử dụng. Vậy thống nhất hay quản lý thế nào để không xảy ra hiện tượng “mượn gió bẻ măng” đối với các chất cấm trên chưa một cơ quan quản lý nào đề cập đến?”.
Để giải quyết tình trạng trên, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đặt ra 5 nội dung và mục tiêu quan trọng để thực hiện ngay trung tuần tháng 10 và kéo dài đến tháng 2 sang năm là dịp tết Nguyên đán trong công tác quản lý ATTP là: Kiên quyết chấm dứt việc lưu thông, buôn bán, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, đặc biệt là với 2 chất sanbutamol và vàng O; tạo chuyển biến mạnh mẽ về vấn đề dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên rau, kháng sinh và vi sinh trên thực phẩm; hình thành các mối liên kết tiêu thụ sản phẩm, nông sản an toàn, bảo đảm chất lượng có chứng nhận của cơ quan chức năng; siết chặt việc quản lý nông sản, thực phẩm, nhập khẩu và tăng cường thanh tra, kiểm tra.
Tất cả các nội dung đó phải đạt được mục tiêu không chỉ chấn chỉnh ATTP dịp tết mà còn phải đà cho năm tới và những năm sau. Kết quả của đợt cao điểm này phải tạo được chuyển biến cụ thể tới từng địa phương, cơ sở không để tiếp tục tình trạng “Trung ương quyết liệt nhưng địa phương lại thờ ơ”. Đặc biệt đối với các chất cấm trong chăn nuôi, phải quyết liệt chấn chỉnh, dứt điểm trong 4 tháng tới.
Theo ông Nguyễn Xuân Dương, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi, để ngăn chặn và chấn chỉnh tình trạng sử dụng chất cấm, hóa chất độc hại quan trọng nhất chúng ta phải vận động, tuyên truyền đẩy mạnh xã hội hóa giám sát, xã hội hóa tố giác. Bởi chỉ có người chăn nuôi và người tiêu dùng nhận biết những cơ sở chăn nuôi làm ăn bất chính sử dụng chất cấm từ đó tố giác và tẩy chay những sản phẩm này. Không thể để những đối tượng kinh doanh bất chính trục lợi trên lưng những người làm ăn chân chính.
Không biết các giải pháp mà ngành NN&PTNT đặt ra có hiệu quả không? Đó vẫn là câu hỏi mở đối với người dân và dường như họ không dám hy vọng nhiều bởi các giải pháp như vậy không phải là lần đầu đặt ra. Họ mong chờ một giải pháp đột phá…
Tú Anh
Năng lượng Mới 466
-
Nghệ thuật quân sự Việt Nam trong chiến dịch Bình Giã
-
Cần tạo sự thông thoáng cho doanh nghiệp nhà nước phát triển
-
Doanh nghiệp nhà nước phải hoạt động theo quy luật thị trường
-
Quốc hội thảo luận về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp
-
Nhiều đại biểu Quốc hội đề xuất giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho cơ quan báo chí