Quan không làm chiếu lệ
Sau vụ bê bối của cựu Chủ tịch Hà Giang khiến ông này bị huyền chức vẫn làm lòng dân tỉnh này bất bình về tư cách ông quan đầu tỉnh này. Có chuyện một nhà báo miền xuôi lên đây làm cuộc điều tra mini về một danh nhân mang tên Nguyễn Trường Tộ. Quá nhiều người dân tỉnh biên cương này vẫn không quên vụ việc sai trái của ông cựu quan chức Nguyễn Trường Tộ đến nỗi nhầm lẫn giữa hai ông. Sau khi được giải thích bà con mới vỡ lẽ. Họ lẳng lặng dõi theo người đứng đầu chính quyền mới của tỉnh mình ứng xử với dân thế nào?
Vừa rồi, đương kim Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang đã làm một việc chẳng những được các đương sự liên quan biết ơn mà còn được dư luận bà con các dân tộc trong tỉnh rất đồng tình, trân trọng. Đó là việc ông trực tiếp đối thoại với 3 người dân ở TP Hà Giang nhiều năm khiếu kiện về việc họ bị cưỡng chế thu hồi đất sai luật, đền bù thiếu diện tích, áp giá không thỏa đáng, không được tái định cư, sau khi cưỡng chế, các cơ quan chức năng đã cắt lại một phần đất để bán đấu giá sai mục đích xử dụng khiến người dân bức xúc, nghi ngờ sự khuất tất của chính quyền…
Buổi đối thoại của ông diễn ra công khai, có cả Chánh thanh tra tỉnh và Chủ tịch UBND TP Hà Giang tham dự. Lần lượt các nội dung khiếu kiện của 3 công dân được ông hỏi rành rẽ, cụ thể. Cả 3 người cũng trả lời trung thực, rõ ràng. Sau từng nội dung, vị chủ tịch đều quay sang hỏi 2 cán bộ cấp dưới có trách nhiệm giải quyết khiếu kiện là Chánh thanh tra tỉnh và Chủ tịch UBND thành phố. Xét thấy có những việc bất ổn, trái luật, trái quyền lợi chính đáng của các đương sự, ông quyết đáp và yêu cầu hai vị cán bộ phải thực thi ngay. Ví dụ, vị chánh thanh tra nói do một đương sự không có sổ đỏ nên việc đền bù 1.400m2 đất thổ cư trên tổng số 2.788m2 đất bị thu hồi là sai và như vậy cần thu hồi lại 450 triệu đồng đã chi trả cho ông ta.
Nhưng đương sự này đã trưng ra được bằng chứng về việc cách đây 10 năm đã làm đầy đủ thủ tục giấy tờ theo đúng quy định để xin cấp sổ đỏ nhưng sau rất nhiều lần đi lại nhắc nhở vẫn không được giải quyết. Việc không có sổ đỏ là do cách làm việc quan liêu, trì trệ của cơ quan chức năng chứ không phải do phía đương sự. Thấy lẽ phải thuộc về người dân, vị Chủ tịch tỉnh Hà Giang chân thành xin lỗi đương sự, nhận sự yếu kém, thiếu trách nhiệm thuộc về các cơ quan công quyền và ông quyết định ngay: không thu hồi khoản tiền 450 triệu nói trên. Khi vị chủ tịch tỉnh hỏi chánh thanh tra việc cưỡng chế là đúng hay sai, được thưa là sai, ông cũng lệnh cho chủ tịch thành phố: Cần tổ chức ngay buổi xin lỗi công khai và đền bù thỏa đáng toàn bộ thiệt hại cho đương sự do vụ cưỡng chế gây ra.
Ngoài ra, quan đầu tỉnh Hà Giang còn luôn thể giải quyết mọi mắc mớ khác mà các đương sự đã khiếu kiện nhiều năm nhưng không được các cơ quan ngó ngàng, có nguy cơ chìm xuồng. Ông dành chọn gần 2 ngày để đối thoại với 3 công dân. Sau buổi đối thoại, cả 3 người đều tự động làm đơn xin rút các đơn từ khiếu nại trước đó.
Riêng việc một quan chức đứng đầu tỉnh sẵn sàng dành thời gian để tiếp xúc, đối thoại và giải quyết nguyện vọng của những người dân thường đã rất đáng nêu tấm gương về đạo đức cách mạng, tác phong, lề lối làm việc sâu sát với dân, không quan liêu, không chỉ nghe “báo cáo”. Nhưng vị Chủ tịch Hà Giang đã không làm chiếu lệ, hình thức, mà thực sự vì quyền lợi chính đáng của dân, vì uy tín của Đảng, của chính quyền đối với dân. Đó mới đích thực là quan điểm lấy dân làm gốc, vì dân của một công bộc đúng nghĩa. Việc làm của ông đã lấy lại niềm tin trong dân, nêu một tấm gương quý cho cán bộ, đảng viên trong tỉnh. Giá mà ở mọi nơi đâu đâu cũng thấy phổ biến cách làm việc như của vị Chủ tịch tỉnh Hà Giang?
Ninh Bình
{lang: 'vi'}
petrotimes