Phế liệu tồn đọng tại các cảng biển đã giảm gần 9.500 container
Hơn 500 container phế liệu bị “trục xuất” khỏi Việt Nam |
Nhiều doanh nghiệp gian lận hồ sơ để nhập khẩu phế liệu |
13.737 container phế liệu "nằm chờ" tại các cảng biển |
Theo báo cáo của cơ quan hải quan, tính đến ngày 26/7/2019, số container khai báo trên e-manifest là phế liệu hiện lưu giữ tại cảng biển là 11.488 container, giảm gần 9.500 container so với cuối năm 2018. Trong đó, riêng trong tháng 7, đã giảm tới hơn 2.200 container so với hồi tháng 6.
Trong tổng số 11.488 container phế liệu lưu giữ tại cảng biển hiện nay có 4.204 container lưu giữ tại cảng dưới 30 ngày, 37 container lưu giữ từ 30 ngày đến 90 ngày và số lượng tồn đọng lưu giữ trên 90 ngày là 7.247 container (giảm 1.337 cont so với tháng trước).
Container phế liệu nhập khẩu về Việt Nam |
Tính đến hết tháng 6/2019, đã có hơn 500 container khai báo trên manifest là phế liệu không đủ điều kiện nhập khẩu được hãng tàu vận chuyển ra khỏi lãnh thổ Việt Nam. Trong đó, có 289 container phế liệu nhựa; 106 container phế liệu giấy; 98 container phế liệu sắt; 10 container phế liệu khác.
Theo Tổng cục Hải quan, căn cứ theo quy định tại Khoản 6 Điều 58 Luật Hải quan quy định về xử lý hàng hóa tồn đọng và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ lại Chỉ thị 27/CT-TTg ngày 17/9/2018, Tổng cục Hải quan đang tiếp tục chỉ đạo cục hải quan các tỉnh, thành phố kiên quyết buộc các hãng tàu vận chuyển ra khỏi lãnh thổ Việt Nam đối với hàng hóa tồn đọng gây ô nhiễm môi trường.
Trước đó, từ 1/1/2019, một số nước trong khu vực ban hành chính sách cấm, hạn chế nhập khẩu phế liệu, đặc biệt là phế liệu nhựa đã tạo ra áp lực lớn về công tác quản lý phế liệu nhập khẩu đối với ngành Hải quan.
Để kiểm soát phế liệu nhập khẩu một cách hiệu quả, Tổng cục Hải quan đã liên tục yêu cầu các đơn vị tăng cường các giải pháp quản lý, ngăn chặn tình trạng nhập khẩu chất thải và phế liệu không đủ điều kiện nhập khẩu; hướng dẫn về việc khai sửa, bổ sung manifest (hệ thống tiếp nhận bản khai hàng hoá, chứng từ có liên quan và thông quan đối với tàu nhập/xuất cảnh) về tên người nhận hàng đối với hàng hóa nhập khẩu là phế liệu.
Riêng về triển khai xử lý hàng hóa tồn đọng là phế liệu, thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 3159/VPCP-KTTH ngày 18/4/2019 của Văn phòng Chính phủ về việc yêu cầu Bộ Tài chính lấy ý kiến các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Tư pháp, Công an về việc xử lý hàng hóa tồn đọng là phế liệu tại các cảng biển.
Bộ Tài chính cũng đã có công văn đề nghị các Bộ căn cứ chức năng nhiệm vụ, tham gia ý kiến đối với dự thảo về biện pháp xử lý hàng hóa tồn đọng là phế liệu tại cảng biển, các công tác cần triển khai của các Bộ, UBND các tỉnh, thành phố để xử lý hàng hóa tồn đọng theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ.
Sau khi các Bộ có đầy đủ ý kiến tham gia, Bộ Tài chính sẽ tổng hợp, giải trình, tiếp thu ý kiến và báo cáo Thủ tướng Chính phủ để xem xét, quyết định về phương án xử lý hàng hóa tồn đọng là phế liệu tại cảng biển.
Nguyễn Hưng
-
Vì sao sắt thép phế liệu không được giảm thuế VAT?
-
Nguy cơ tiềm ẩn trong các mặt hàng nhập khẩu có giá trị tăng đột biến
-
Container phế liệu tồn đọng tại các cảng biển giảm mạnh
-
10.000 container phế liệu đang tồn đọng tại cảng biển Việt Nam
-
Tiếp tục trục xuất 1.600 container phế liệu ra khỏi Việt Nam
-
Tin tức kinh tế ngày 20/10: Lượng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng cao kỷ lục
-
Giá dầu hôm nay (19/10): Dầu thô quay đầu giảm
-
Tin tức kinh tế ngày 19/10: Hơn 140 vụ điều tra chống bán phá giá với hàng xuất khẩu Việt Nam
-
Lỗ hổng trong quy trình quản lý tài sản gửi của khách hàng
-
Giá vàng hôm nay (19/10): Thị trường thế giới tiếp đà tăng mạnh