Phát triển công nghệ số là chìa khóa cho sự tăng trưởng
Toàn cảnh diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên VBF 2022 |
Trưởng nhóm Công tác Kinh tế số VBF Hà Nguyễn nhấn mạnh, đại dịch Covid-19 đã đẩy nhanh ứng dụng công nghệ và sự cần thiết của dịch vụ dữ liệu hơn bao giờ hết. Các tổ chức nắm bắt được công nghệ số có thể nhanh chóng thích ứng trong bối cảnh gián đoạn do đại dịch, tận dụng tính linh hoạt của công nghệ để mở rộng hoặc thu hẹp quy mô dịch vụ, tiết kiệm chi phí và tối ưu hóa tài nguyên.
Theo bà Hà Nguyễn, thời gian qua, cộng đồng FDI đã hỗ trợ Chính phủ Việt Nam qua việc tăng cường các nỗ lực ứng phó với đại dịch Covid-19, từ nghiên cứu virus đến chia sẻ thông tin. Chúng tôi cũng đã hỗ trợ các tổ chức Việt Nam giảm thiểu gián đoạn hoạt động kinh doanh. Ban đầu, vai trò của công nghệ trong việc quản lý khủng hoảng là ưu tiên lớn nhất, tuy nhiên, trọng tâm của giai đoạn tiếp theo sẽ chuyển sang nhu cầu chuyển đổi số dài hạn hơn.
Đổi mới sáng tạo và các công nghệ mới tiếp tục phát triển mạnh mẽ đặt ra yêu cầu hợp tác công - tư hiệu quả để hỗ trợ chung tay giải quyết những thách thức sắp tới, cùng nhau đổi mới sáng tạo, thử nghiệm các ý tưởng mới cũng như trao đổi kiến thức chuyên môn, đem lại giá trị lớn khi tạo ra môi trường chính sách thuận lợi hơn.
“Chính phủ Việt Nam có nhiều cơ hội hơn để tìm hiểu về các công nghệ mới, từ đó có thể định hướng xây dựng các chính sách hiệu quả hơn và phù hợp hơn với mục đích, để bắt kịp tốc độ hoặc thậm chí là đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số.
Sự hỗ trợ của Chính phủ cũng như khuôn khổ pháp lý đóng vai trò to lớn trong việc thúc đẩy ứng dụng công nghệ cho kế hoạch phục hồi kinh tế. Các chính sách về công nghệ nói chung sẽ định hướng khu vực tư nhân và nhà nước sử dụng và khai thác toàn bộ sức mạnh của các công nghệ tiên tiến nhất trên thế giới để giải quyết nhanh chóng các vấn đề phức tạp”, bàn Hà nguyễn chia sẻ.
Về vai trò tiên phong của Chính phủ trong chuyển đổi số, bà Hà Nguyễn cho rằng, chiến lược quan trọng nhất mà Chính phủ có thể áp dụng để đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế - xã hội là tiên phong chuyển đổi số và khuyến khích quá trình chuyển đổi. Ngoài những nỗ lực trong ngắn hạn, chúng tôi khuyến nghị Chính phủ Việt Nam quan tâm tới những lợi ích lâu dài của chuyển đổi số và hỗ trợ tối đa cho những bước tiến sắp tới. Ví dụ: như chúng ta đã thấy từ đại dịch, dịch vụ điện toán đám mây đã giúp nhiều chính phủ và tổ chức thích ứng và duy trì hoạt động trong những thời điểm gián đoạn nhờ khả năng tiết kiệm chi phí, mở rộng quy mô, hạ tầng tin cậy và bảo mật.
Để tăng cường khả năng phục hồi bền vững, Chính phủ Việt Nam có thể đưa ra các Chính sách Ưu tiên sử dụng điện toán đám mây với định hướng khuyến khích các cơ quan chính phủ và các tổ chức khác áp dụng dịch vụ điện toán đám mây thương mại. Với vai trò tiên phong trong hành động, Chính phủ có thể thấy được cách thức cải thiện tính minh bạch, cung cấp các dịch vụ sáng tạo hơn cho người dân và giảm chi phí CNTT cho khu vực công khi sử dụng nền tảng điện toán đám mây để tạo hiệu ứng lan tỏa khuyến khích các doanh nghiệp và tổ chức khác.
Các chính sách ưu tiên ứng dụng điện toán đám mây hiệu quả nhất thường qui định rõ vai trò và trách nhiệm của các tổ chức chính phủ và nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây, áp dụng cách tiếp cận dựa trên rủi ro để phân loại và sử dụng dữ liệu, để tuân thủ và công nhận các tiêu chuẩn quốc tế, đồng thời có cơ chế đấu thầu, mua sắm theo mô hình thanh toán dịch vụ theo lượng thực sử dụng dịch vụ.
Cũng theo bà Hà Nguyễn, khi khai thác lợi ích của điện toán đám mây, các cơ quan nhà nước, tổ chức khu vực công có thể tập trung vào nhiệm vụ cốt lõi là phục vụ người dân. Chúng tôi rất vui mừng với những nỗ lực của Chính phủ trong việc triển khai hơn 1000 dịch vụ trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Để đạt được những bước tiến xa hơn nữa, việc công nhận các giấy tờ có chữ ký điện tử cấp cho cá nhân là rất quan trọng. Nền tảng của một thế giới số hóa là cung cấp các giải pháp điện tử thay thế cho chữ ký tay và nhận dạng cá nhân. Việc thống nhất các tiêu chuẩn của Việt Nam với các tiêu chuẩn trong Quy định về Định danh Điện tử và Dịch vụ Tin cậy (eIDAS) sẽ là bước đầu tiên, từ đó đẩy nhanh các quy định về các tiêu chuẩn Chữ ký Điện tử và hướng tới một tiêu chuẩn toàn cầu.
Ảnh minh họa |
Bên cạnh đó, trong quá trình phục hồi nền kinh tế sau đại dịch, Chính phủ Việt Nam có thể đầu tư và hỗ trợ cho các ý tưởng có khả năng khởi động lại nền kinh tế. Các doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) và các doanh nghiệp vừa và nhỏ là trọng tâm của các giải pháp sáng tạo này và là động lực tăng trưởng quan trọng cho Việt Nam.
Chính phủ Việt Nam có thể tiên phong ứng dụng công nghệ mới và hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp bằng cách đầu tư vào chính sách, bao gồm cả những chính sách dành riêng cho từng ngành, giúp các startup tận dụng tốt nhất lợi ích của các công nghệ mới. Ví dụ: cho phép lưu chuyển dữ liệu xuyên biên giới giúp các startup và doanh nghiệp vừa và nhỏ mở rộng quy mô và đưa các doanh nghiệp sáng tạo ra thế giới. Việc khuyến khích lưu chuyển dữ liệu xuyên biên giới sẽ giúp cải thiện năng suất và hoạt động thương mại, đồng thời phát triển các chính sách thúc đẩy thương mại số trong khu vực có thể thúc đẩy căn bản nền kinh tế trong nước.
Cần số hóa và giảm phát thải cacbon, các công nghệ mới cho phép sử dụng năng lượng hiệu quả hơn và chính sách của Chính phủ có thể hướng tới khuyến khích phát triển các công cụ và dịch vụ hỗ trợ các tổ chức thiết kế và đổi mới bền vững. Việc trung ương cũng như chính quyền địa phương phát triển các chính sách phù hợp cho quá trình chuyển đổi song song giữa số hóa và giảm phát thải cacbon sẽ là yêu cầu cấp thiết để định hình tương lai kinh tế bền vững cho đất nước.
Trưởng nhóm Công tác Kinh tế số VBF Hà Nguyễn nhấn mạnh, Việt Nam đã trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn kể từ khi tham gia nhiều hiệp định thương mại quốc tế và hội nhập thương mại toàn cầu. Chúng tôi khuyến nghị Chính phủ thực hiện các bước tiếp theo, tham gia các hiệp định kinh tế số toàn cầu để phát huy tiềm năng năng lực số, nhanh chóng đạt được tham vọng trở thành một nền kinh tế có thu nhập cao. Đồng thời, với các quy định hỗ trợ phát triển công nghệ và chính sách khuyến khích ứng dụng công nghệ, Chính phủ Việt Nam hoàn toàn có thể tận dụng các công nghệ toàn cầu để tăng khả năng thích ứng, mở rộng quy mô, độ tin cậy, bảo mật và tốc độ sẽ trở thành ưu tiên hàng đầu trong quá trình phát triển các dịch vụ công và tăng trưởng kinh tế. Điều này sẽ cho phép Việt Nam sẽ tiến xa hơn và nhanh hơn, hướng tới phục hồi kinh tế theo định hướng số hóa trong khu vực.
Phú Văn
-
Khởi tạo nền kinh tế mới: Cách mạng trong chuyển đổi số - chuyển đổi xanh và vai trò tiên phong của doanh nghiệp
-
Phát triển nguồn nhân lực công nghiệp bán dẫn
-
Phát triển nền tảng số: Động lực, giải pháp phát triển kinh tế số Việt Nam
-
Phát triển thương mại điện tử: Cơ hội, động lực và thách thức
-
Tác động của thị trường bản sao số đến nhiều lĩnh vực công nghiệp
-
Tin tức kinh tế ngày 24/10: Thương mại điện tử 9 tháng tăng gần 38%
-
Giá xăng dầu tiếp tục giảm nhẹ trong kỳ điều chỉnh ngày 24/10
-
Thúc đẩy chuyển đổi năng lượng xanh, hướng tới mục tiêu Net Zero
-
BRICS hấp dẫn thế nào mà hơn 30 quốc gia "săn đón"?
-
Tổng thống Putin đề xuất chiến lược kinh tế mới cho BRICS