Phát triển bền vững kinh tế biển đảo trong bối cảnh dịch Covid-19 và biến đổi khí hậu
Ngày 26/11, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức hội thảo “Phát triển bền vững kinh tế biển, đảo trong bối cảnh dịch Covid-19 và biến đổi khí hậu”.
PGS, TS Phạm Quang Thao, Phó chủ tịch VUSTA phát biểu tại hội thảo |
Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS. Phạm Quang Thao - Phó Chủ tịch VUSTA cho biết, Nghị quyết 36-NQ/TW ban hành ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được triển khai hơn 3 năm với nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tầm nhìn và tư duy mới của Nghị quyết đã đem đến kỳ vọng cho nhiều địa phương, nhiều ngành kinh tế biển về sự phát triển lớn mạnh và bền vững. Việc thể chế hóa Nghị quyết đã được Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương triển khai thực hiện quyết liệt. Trước thách thức ngày càng lớn của biến đổi khí hậu và bối cảnh đại dịch Covid-19 đã và đang diễn biến phức tạp trong thời gian qua có tác động lớn đối với việc triển khai các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế biển nói riêng.
Tại hội thảo, các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành liên quan đến phát triển bền vững kinh tế biển ở Việt Nam đã cùng nhau tập trung thảo luận về các nội dung như: Nhìn lại 3 năm thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; xây dựng nội lực khoa học và công nghệ biển Việt Nam và những vấn đề đặt ra trong bối cảnh hiện nay; phát triển điện gió ngoài khơi, chuỗi cung ứng và cảng biển ở Việt Nam: Tiềm năng phát triển, cơ hội, thách thức và giải pháp; phát triển chuỗi thủy sản trên biển ở Việt Nam trong quy hoạch tích hợp không gian biển.
PGS, TS Nguyễn Chu Hồi, Phó chủ tịch Thường trực Hội Nghề cá Việt Nam |
PGS.TS Nguyễn Chu Hồi - đại biểu Quốc hội khóa XV, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghề cá Việt Nam; thành viên Ban chỉ đạo Diễn đàn Đại dương toàn cầu (GOF) cho biết, các kết quả đạt được đã góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế quốc dân, ổn định chính trị - xã hội; bảo vệ vững chắc các quyền và lợi ích biển của nước ta; góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền của đất nước. Theo đó, quy mô kinh tế biển và vùng ven biển tăng lên; cơ cấu ngành nghề bước đầu thay đổi theo hướng chuyển dần từ kinh tế biển “nâu” sang “xanh”, cùng với sự chuẩn bị và thúc đẩy một số lĩnh vực/ngành nghề kinh tế mới, triển vọng. Mặc dù dịch bệnh Covid-19 nhưng biển và vùng ven biển vẫn đóng góp lớn vào xuất khẩu, thu ngoại tệ, chuỗi cung ứng được giữ vững. Kinh tế biển đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân.
Trong quá trình phát triển kinh tế theo hướng mở, bước đầu đã xây dựng được một số khu kinh tế ven biển, đảo - là các trung tâm kinh tế hướng biển. Đã có bước phát triển mới ở một số đảo, vai trò “kinh tế đảo” tăng lên rõ rệt, kết cấu hạ tầng trên đảo được tăng lên rõ rệt. Công tác quốc phòng, an ninh trên biển đảo được tăng cường kể cả về đội ngũ, trang thiết bị và khả năng tác chiến; chủ quyền quốc gia được giữ vững; nhiệm vụ phát triển kinh tế biển gắn với phát triển an ninh quốc phòng, an ninh được quan tâm thực hiện….
Bên cạnh những kết quả đạt được, nhận thức vai trò, vị trí của biển và phát triển kinh tế biển bền vững của các cấp, các ngành, các địa phương ven biển và người dân vẫn chưa đầy đủ và toàn diện. Quy mô kinh tế biển còn nhỏ bé, chưa tương xứng với tiềm năng, cơ cấu ngành nghề chưa hợp lý. Hệ thống các cơ sở nghiên cứu khoa học - công nghệ biển, các cơ sở quan trắc, dự báo, cảnh báo biển, thiên tai biển… ở vùng ven biển còn nhỏ bé, trang thiết bị thô sơ, “thừa chồng chéo, thiếu phối hợp” trong phát triển kinh tế biển bền vững. Tình hình khai thác, sử dụng biển và hải đảo chưa hiệu quả. Môi trường biển biến đổi theo chiều hướng xấu và tiếp tục bị “đầu độc” chủ yếu liên quan đến các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội. Đa dạng sinh học biển và nguồn lợi thủy sản đang giảm sút nghiêm trọng, thiếu bền vững. Đến nay, phát triển kinh tế biển ở nước ta vẫn theo cách tiếp cận mở và chủ yếu quản lý theo ngành. Vẫn thiếu các luật, chính sách cơ bản và đặc thù về biển để thực thi hiệu quả công tác quản lý nhà nước tổng hợp và thống nhất về biển, đảo và kinh tế biển.
Theo TSKH Nghiêm Vũ Khải, nguyên Phó Chủ tịch VUSTA, việc quản lý đa dạng các hoạt động kinh tế biển và khai thác tài nguyên biển đòi hỏi phải nâng cao kiến thức liên quan đến đại dương một cách thận trọng và thực hiện các biện pháp phòng ngừa để bảo tồn các hệ sinh thái biển mong manh.
Khoa học và đổi mới đóng vai trò trung tâm trong việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi từ việc sử dụng ồ ạt sang bền vững hơn. Tuy nhiên, nhìn chung, công nghệ, thiết bị nghiên cứu biển của Việt Nam có trình độ lạc hậu so với nhiều quốc gia trong khu vực có biển đảo, trong khi nguồn nhân lực biển còn thiếu về số lượng và yếu về chất lượng. Do đó, khó có được những thành tựu nghiên cứu đột phá để làm cơ sở cho quy hoạch phát triển kinh tế biển đảo theo yêu cầu của Nghị quyết 36.
Gợi ý một số chính sách trong thời gian tới, TSKH Nghiêm Vũ Khải cho rằng cần xác định rõ nguồn lực, cơ chế huy động nguồn lực, các chính sách thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước cho các công trình hạ tầng phát triển kinh tế biển. Để thực hiện các kế hoạch, cần có sự quan tâm chỉ đạo, cơ sở pháp lý và nguồn lực rất lớn, do đó Chính phủ có thể xây dựng và trình Quốc hội xem xét quyết định chủ trương đầu tư và những có chế đặc biệt đối với các dự án, công trình quan trọng quốc gia.
Tại hội thảo, các chuyên gia cũng đã thảo luận về các vấn đề: Phát triển điện gió ngoài khơi, chuỗi cung ứng và cảng biển ở Việt Nam; liên kết và tích hợp đa ngành để phát triển bền vững nuôi biển Việt Nam gồm: Ngành nuôi hải sản; ngành du lịch; ngành dầu khí; ngành cơ khí đóng tàu; ngành năng lượng; ngành kinh tế số và tự động hóa; ngành quốc phòng - an ninh; phát triển ngành nuôi thủy sản trên biển ở Việt Nam trong quy hoạch tích hợp không gian biển…
Đây là diễn đàn cho các tổ chức thành viên ở Trung ương và địa phương của VUSTA, các nhà khoa học trao đổi ý kiến về các vấn đề và giải pháp để tư vấn cho Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các địa phương trong việc hoạch định và triển khai các nhiệm vụ cụ thể của Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển.
N.H
-
Tổng thống Putin: Nga không từ bỏ nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu
-
Tin Thị trường: Giá dầu giảm sốc phiên đầu tuần
-
Giá vàng hôm nay (28/10): Giảm trong phiên giao dịch đầu tuần
-
Giá dầu hôm nay (28/10): Bất ngờ giảm trong phiên giao dịch đầu tuần
-
Liên minh Châu Âu và Trung Quốc tiếp tục tìm kiếm giải pháp thuế quan xe điện