Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Phát hiện nhiều dấu tích quan trọng để phục dựng Điện Kính Thiên

16:47 | 21/12/2023

1,385 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Sáng 21/12, Viện Khảo cổ học (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) phối hợp với Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội tổ chức hội thảo khoa học “Báo cáo sơ bộ kết quả khai quật thăm dò khu vực chính Điện Kính Thiên năm 2023 và kết quả khai quật nghiên cứu khảo cổ từ 2011 đến nay tại Hoàng thành Thăng Long”.
Phát hiện nhiều dấu tích quan trọng để phục dựng Điện Kính Thiên
Các nhà khảo cổ, nhà khoa học tham quan hố khai quật mới (Ảnh: KTĐT)

Trong 13 năm qua, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội đã phối hợp với Viện Khảo cổ học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) và Hội Khảo cổ học Việt Nam tiến hành khai quật nghiên cứu khảo cổ học khu vực Trung tâm (khu vực Chính điện Kính Thiên) với tổng diện tích khoảng hơn 10.000m2.

Những cuộc khai quật đã thu được kết quả to lớn trong việc tìm hiểu các giá trị của Di sản Thế giới Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội đồng thời thu được nhiều tư liệu mới mang tính xác thực cao góp phần nghiên cứu và khôi phục Chính điện Kính Thiên.

Từ các cuộc khảo cổ, các nhà khoa học đã xác định được hệ thống di tích, di vật phong phú và bước đầu xác định được một phần kết cấu kiến trúc khu vực Chính điện Kính Thiên thời Lê sơ (thế kỷ XV - đầu thế kỷ XVI) và thời Lê Trung hưng (thế kỷ XVII-XVIII) gồm có Chính điện Kính Thiên, Ngự đạo, sân Đại Triều, cổng, tường vây và hành lang bao quanh.

Tháng 6/2023, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội đã phối hợp với Viện Khảo cổ học tiến hành khai quật thăm dò tại khu vực phía Đông - Bắc di tích nền điện Kính Thiên với tổng diện tích hơn 1.000m2 tại 3 vị trí; Cục Tác chiến, nền điện Kính Thiên và Hậu Lâu.

Công tác khai quật đã giúp các nhà khảo cổ có được những phát hiện quan trọng. Tại hố khai quật Cục tác chiến đã xuất lộ một số mảng sân Đan Trì, dấu tích Ngự đạo nối tiếp kết quả khai quật năm 2022, móng nền kiến trúc thời Lý.

Ở vị trí trên nền điện Kính Thiên, các hố đào thăm dò được mở trực tiếp trên nền điện Kính Thiên. Cho đến thời điểm hiện nay, tại vị trí các hố khai quật thăm dò, đã xuất lộ dấu vết kiến trúc thời Nguyễn (thế kỷ XIX- XX), thời Lê Trung hưng (thế kỷ XVII- XVIII) và thời Lê sơ (thế kỷ XV- XVI). Về cơ bản, cuộc khai quật đã cung cấp hai thông tin quan trọng: Cấu trúc và mặt bằng nền móng của chính điện Kính Thiên thời Lê và thời Lê Trung hưng, thế kỷ XVII - XVIII.

Vị trí phía nam Hậu Lâu, cuộc khảo cổ đã xuất lộ 2 lớp kiến trúc thời Lê Trung hưng (thế kỷ XVII- XVIII) và Lê sơ (thế kỷ XV- XVI). Các dấu tích này có mối quan hệ với các dấu tích đã khai quật năm 2021, liên quan đến các cung điện của nhiều thời kỳ ở khu vực này.

Khảo sát tại hố khai quật, đoàn chuyên gia quốc tế của Trung tâm Di sản Thế giới (UNESCO, ICOMOS) và các chuyên gia trong nước đánh giá cao vì được tận mắt thấy dưới nền điện Kính Thiên vẫn còn bảo lưu rất tốt các dấu tích kiến trúc của nhiều thời kỳ lịch sử. Đây chính là cơ sở khoa học có tính xác thực cao trong việc nghiên cứu phục dựng/khôi phục chính điện Kính Thiên.

Theo PGS.TS Tống Trung Tín, nguyên Viện trưởng Viện Khảo cổ học, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam, lần khai quật này có tính chất đột phá khi phát hiện ra những trụ cột lớn nhất từ trước đến nay, nền móng dày cùng kết cấu móng đơn và kép của nền Điện Kính Thiên. Điều này cho phép các nhà khoa học hình dung được cơ bản diện tích, phân gian, phân cột của Điện Kính Thiên.

Được biết tới đây, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội trung tâm sẽ tổ chức trưng bày bằng hình ảnh, hiện vật những kết quả quan trọng của đợt khai quật vừa qua liên quan đến phát hiện nền Điện Kính Thiên.

Đồng thời, trung tâm sẽ phối hợp với Viện Khảo cổ học xây dựng “Chiến lược khảo cổ học tại khu vực Trục Trung tâm Hoàng thành Thăng Long”. Ngoài ra, trung tâm sẽ thành lập đoàn công tác đi học hỏi kinh nghiệm các nước bạn như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… để tiến tới từng bước phục dựng Điện Kính Thiên.

H.B