PGS.TS Võ Văn Sen: Bài trừ cái xấu trong thi hoa hậu!
Năng lượng Mới số 350
Phải có hoa hậu thế giới!
PV: PGS nghĩ gì về danh hiệu hoa hậu ở Việt Nam hiện nay?
PGS.TS Võ Văn Sen: Hoa hậu là một danh hiệu hết sức cao quý đối với người phụ nữ. Phụ nữ vốn là phái đẹp cho nên mỗi dân tộc cần phải tôn vinh nét đẹp của người phụ nữ nước mình và đó là điều văn minh, văn hóa sâu sắc. Ðã từ lâu rồi trên thế giới có truyền thống tôn vinh hoa hậu bằng những giải thưởng, chúng ta cũng đi vào chung làn sóng văn hóa, văn minh đó. Cho nên việc tôn vinh người đẹp của đất nước mình thông qua các giải hoa hậu là khách quan, cần thiết. Vấn đề là chúng ta cố gắng làm sao cho giải đó có giá trị bền vững. Có nghĩa là những người được tôn vinh phải xứng đáng, họ không chỉ đẹp về nhan sắc, hình thể mà phải đẹp cả về đạo đức và các phẩm chất tinh thần khác. Ví dụ như đã là hoa hậu thì phải có đạo đức căn bản, có kiến thức nhất định, hiểu biết nhất định. Chúng ta không thể tôn vinh những hoa hậu có nhan sắc nhưng quá dốt nát, không có hiểu biết, học vấn gì thì cũng không được. Và, hoa hậu là phải có mặt tích cực trong xã hội tức là có tính tham gia, tác động vào xã hội.
Nói chung, chúng ta cần hết sức chú ý chọn lọc những hoa hậu xứng đáng, để làm sao mỗi hoa hậu đều có danh giá xứng đáng được cả đất nước tôn vinh và công nhận, không có lời ra tiếng vào và chính bản thân họ phải làm sao giới thiệu được cái đẹp đến với thế giới và chuẩn bị để có những hoa hậu Việt Nam tham gia và đoạt giải hoa hậu thế giới. Việc đó các nhà tổ chức thi hoa hậu phải làm.
PGS.TS Võ Văn Sen - Hiệu trưởng ĐH Khoa học - Xã hội và Nhân văn TP HCM
PV: Hiện nay vẫn không rõ mục đích của hoa hậu sau khi đăng quang là gì. Lắm khi họ đăng quang rồi lặn mất tăm hoặc chỉ chăm chú tham gia vào các hoạt động showbiz! Vậy, PGS nghĩ gì về sứ mệnh của một hoa hậu?
PGS.TS Võ Văn Sen: Khi một người đẹp chưa thể công nhận là một hoa hậu thì cái đẹp của họ còn là cái đẹp của gia đình, của người yêu họ, của chính họ. Nhưng khi họ đã được tôn vinh là hoa hậu Việt Nam rồi thì cái đẹp đó không chỉ còn là cái đẹp riêng mà là cái đẹp tiêu biểu cho đất nước Việt Nam, đặc biệt là của nữ giới Việt Nam. Thế thì việc phải phát huy danh hiệu và vị trí đó sao cho ý nghĩa nhất là một điều hết sức quan trọng.
Thứ nhất, nếu mà tiếp tục tiến lên làm hoa hậu thế giới thì lại càng tôn vinh cái nét đẹp của người phụ nữ Việt Nam trên thế giới. Rất tiếc là cho tới nay chưa có một cô hoa hậu Việt Nam nào là hoa hậu thế giới cả! Chúng ta cần phải phấn đấu, tôi tin tương lai chúng ta cũng sẽ có vì người phụ nữ Việt Nam không thua kém gì đối với bất cứ một dân tộc nào về cái đẹp thể chất lẫn tinh thần. Người hoa hậu luôn luôn phải có những ý thức như vậy và các giải thưởng hoa hậu tại Việt Nam luôn cố gắng tìm được những người đẹp xứng đáng nhất để rồi đào tạo, giúp họ trở thành những hoa hậu thế giới. Tôi nghĩ đó là sứ mệnh của các hoa hậu Việt Nam trước mắt.
Thứ hai, một hoa hậu là tiêu biểu cho nét đẹp của đất nước thì họ phải dùng sắc đẹp đó vào các hoạt động có tính chất xã hội tích cực. Ví dụ tham gia vào những phong trào để cổ vũ quần chúng, nhân dân làm những việc có lợi cho đất nước. Như bảo vệ môi trường, chăm sóc trẻ em, những người khuyết tật hay làm rất nhiều công việc mà các hoa hậu có thể làm liên quan an sinh xã hội. Tiếng nói và hình ảnh hoa hậu trong các hoạt động đó có ý nghĩa hoàn toàn khác so với các người đẹp chưa được công nhận là hoa hậu.
Thứ ba, các hoa hậu phải ý thức được rằng, khi một người đẹp đã đoạt giải hoa hậu rồi thì dù là hoa hậu của kỳ nào, năm nào, dù có già đi thì mình vẫn mãi mãi là một hoa hậu. Vì thế mình phải luôn luôn giữ gìn phẩm chất, năng lực của mình, tất cả mọi thứ để luôn luôn xứng đáng là hoa hậu. Có thể theo thời gian, sắc đẹp về thể chất sẽ giảm đi nhưng danh hiệu tôn vinh là hoa hậu một thời, cũng như sắc đẹp về tinh thần của hoa hậu thì mãi mãi còn. Họ mãi mãi sẽ là hoa hậu của Việt Nam, ít nhất là về cái đẹp tinh thần của người phụ nữ Việt Nam.
PV: Nói về vấn đề trí tuệ, nhiều thí sinh hoa hậu Việt Nam rơi vào nghi án khai gian trình độ học vấn, khai gian bằng cấp. Và điều thấy rõ nhất là trong phần thi ứng xử, họ trả lời rất ngô nghê. Từng làm giám khảo cuộc thi hoa hậu quốc gia, PGS nghĩ sao về thực trạng đáng buồn này?
PGS.TS Võ Văn Sen: Ở nước nào cũng vậy thôi, có một cái nghịch lý quái gở là thường những người đẹp thì không đầu tư nhiều vào học vấn và trí tuệ! Nhưng nếu chỉ đẹp về thể chất không thì không được, đã gọi là chọn hoa hậu thì họ phải có một trình độ văn hóa, học vấn nhất định mới xứng đáng. Hiện nay tôi cũng biết nhiều đơn vị, tổ chức đào tạo, huấn luyện người đẹp để đi thi hoa hậu. Tôi cho rằng cũng cần thiết thôi. Người đẹp muốn dự thi hoa hậu thì cần phải học, tôi chưa nói đến việc giới hạn là trình độ trung học phổ thông hay là đại học nhưng mà sự hiểu biết nói chung là phải rất rộng rãi. Hoa hậu cần hết sức chú trọng đến vấn đề tri thức. Và trong phần thi vấn đáp, các cuộc thi không nên giới hạn ở những câu ứng xử mà cần có những câu hỏi có chiều sâu hơn về vấn đề kiến thức.
Cuộc thi “Hoa hậu Đại dương Việt Nam 2014”
Coi chừng có lợi dụng
PV: Mới đây, có trường hợp là một số người đẹp, mà ồn ào nhất là cô hoa hậu Triệu Thị Hà - Hoa hậu Dân tộc Việt Nam 2011 xin trả vương miện vì bị ban tổ chức o ép. Phải chăng danh hiệu hoa hậu là một thứ áp lực rất lớn đối với người đẹp, thưa PGS?
PGS.TS Võ Văn Sen: Tôi nghĩ rằng, bây giờ chúng ta nên rà soát lại tất cả các quy định của Bộ VH-TT&DL về thi hoa hậu để bổ sung những quy định chi tiết, cụ thể về lĩnh vực này! Thứ nhất là để tránh những đơn vị, cá nhân lợi dụng những cuộc thi hoa hậu với mục đích thương mại, xuyên tạc các cuộc thi hoa hậu ở nước ta. Cũng như đặc biệt cảnh giác với những phần tử muốn lợi dụng các cuộc thi hoa hậu mà trục lợi trên sắc đẹp của người phụ nữ. Ðiều đó là tuyệt đối cấm và nếu tìm ra thì phải xử lý đến nơi đến chốn. Vì những điều này sẽ làm ô uế đi danh hiệu, như là một sự phá hoại đối với vấn đề thi hoa hậu nước ta. Cho nên, như trường hợp cô hoa hậu đòi trả lại vương miện thì cơ quan chức năng cần điều tra đến nơi đến chốn để truy cho được những kẻ lợi dụng cuộc thi hoa hậu để đục nước béo cò, để làm kinh tế hay thậm chí là một dạng “kinh doanh xác thịt” hay không?!
Các cơ quan chức năng cần vào cuộc, làm rõ trước dư luận chứ không thể để vì trường hợp này mà làm mất uy tín của người làm đúng, đồng thời cũng gây hoang mang dư luận. Phải xử lý triệt để, ai đúng ai sai phải rõ ràng minh bạch vì có làm như vậy mới trấn áp kịp thời những sai phạm nếu có, vừa minh oan cho những ai oan ức. Và đó còn là việc dọn sạch hành lang pháp lý để răn đe những con người đi vào đường sai đó.
PV: Thời gian qua, nhiều người lên án các hoa hậu tận dụng danh hiệu của mình để làm giàu cho bản thân. Nhưng thật ra đó cũng là điều hết sức chính đáng, bình thường trong giới hạn hợp lý và hợp pháp, bởi hoa hậu cũng cần kiếm tiền để sống chứ không phải chỉ mãi làm từ thiện và hít thở khí trời để sống, PGS nghĩ sao?
PGS.TS Võ Văn Sen: Các hoa hậu hiện nay cũng khiến dư luận lùm xùm về việc họ có rất nhiều các hoạt động để kiếm tiền. Có dư luận là hoa hậu có hàng chục tỉ trong một tháng và nhiều người nghĩ có thể đó là sự thật. Những thu nhập chính đáng có nghĩa là những hợp đồng phần trăm dành cho họ và những hợp đồng kinh tế hợp pháp; họ đứng danh nghĩa là hoa hậu ký những hợp đồng đó thì họ được quyền hưởng, họ có quyền giàu chứ! Việc đó coi như là một sự đền đáp về mặt kinh tế đối với họ, họ có công thì họ được hưởng. Họ được quyền thu nhập, được giàu lên chứ không thể bắt họ suốt ngày làm từ thiện để rồi họ nghèo mãi được. Ðó là điều vô lý.
Nếu họ có nhiều hợp đồng thì đương nhiên đó là phần thưởng cho họ, còn nếu họ lạm dụng, làm chuyện trái pháp luật thì khi phát hiện sẽ bị xử lý. Thậm chí trước đây có trường hợp những người đẹp đoạt danh hiệu lại hoạt động mại dâm, đương nhiên khi đó họ đã vi phạm luật pháp và việc họ bị tước danh hiệu cũng là chuyện dễ hiểu.
Song ở vấn đề tước danh hiệu thì nhà quản lý cũng cần có quy định cho rõ ràng rằng, nếu người đẹp vi phạm những gì thì danh hiệu đó bị tước? Cơ chế nào tước? Hội đồng nào sẽ quyết định tước nếu người đẹp không còn xứng đáng với danh hiệu nữa?... Chúng ta phải có những quy định cụ thể, rõ ràng như vậy bởi vì danh hiệu hoa hậu là một danh hiệu rất quan trọng.
Không để tùy tiện thi người đẹp!
PV: Thực tế hiện nay là các cuộc thi nhan sắc nói chung không chỉ là cuộc thi hoa hậu, mà còn có thi hoa khôi, người đẹp, nữ hoàng… đang bùng nổ về số lượng. Bộ VH-TT&DL cũng vừa ra văn bản về việc hạn chế tối đa thi người đẹp. Thiết nghĩ, đối với những cuộc thi nhan sắc có quá nhiều tai tiếng về chuyện mua bán giải, chuyện thí sinh kiện tụng thì Bộ cũng nên thẳng tay dẹp bỏ, thưa PGS?
PGS.TS Võ Văn Sen: Bộ phải quản lý vấn đề thi hoa hậu thật chặt chẽ, trước đây Bộ đã có quy định là hạn chế hoa hậu quốc gia, mỗi năm không quá 2 cuộc thi. Ðối với những cuộc thi người đẹp nói chung cũng cần có những quy định hạn chế này. Không nên để các địa phương tùy tiện tổ chức và cho phép tổ chức mà đề nghị tất cả các cuộc thi này phải có sự xin phép quy về một đầu mối là Bộ VH-TT&DL hết. Không nên cho các sở văn hóa các tỉnh để cấp phép thi người đẹp nữa. Chính vì các cuộc thi đang bùng nổ, tản mát quá cho nên nó loãng đi và không tránh khỏi những việc tiêu cực như lạm dụng cuộc thi vì mục đích thương mại. Bộ VH-TT&DL sẽ lo những vụ này và chịu trách nhiệm trước Nhà nước để việc quản lý tất cả các cuộc thi người đẹp không chỉ hoa hậu.
Trương Thị May (hàng đầu, trái) tại cuộc thi “Hoa hậu Hoàn vũ 2013”
Như tôi đã nói, cuộc thi nào tai tiếng thì phải tiến hành điều tra rõ ràng. Cũng không loại trừ những các bên dùng đòn dư luận để bôi xấu nhau. Ðòn phép về thương mại đa dạng lắm cho nên chúng ta cần tỉnh táo chứ không phải nghe chỗ này có tai tiếng, chỗ nọ có vấn đề là lên án họ. Nếu mình dựa vào dư luận hay tai tiếng theo kiểu truyền miệng, phao tin giật gân này nọ mà không có điều tra xác minh thì mình sẽ trở thành trò chơi trong tay những nhà kinh doanh xảo quyệt. Càng đi vào quy luật của thị trường, của tự do thì chúng ta càng phải tỉnh táo, cảnh giác những trò ma mãnh.
PV: Nhiều cuộc thi nhan sắc hiện nay đang bị thương mại hóa, mục đích tôn vinh người phụ nữ Việt bị lu mờ và thay vào đó là vấn đề lợi nhuận. Hẳn đó là một thiên hướng sai lệch mà nhà quản lý cần có những biện pháp chấn chỉnh, thưa PGS?
PGS.TS Võ Văn Sen: Chúng ta biết rằng, một cuộc thi hoa hậu là rất tốn kém và các nhà tổ chức thường phải “xã hội hóa” huy động sự đóng góp của các công ty, nhà quảng cáo, đó cũng là quy luật thương mại thôi. Nhà tổ chức sẽ có dư ra một chút trong quá trình tổ chức để họ làm lợi nhuận của công ty họ, tôi cho đó là điều chính đáng. Nhưng vấn đề là nhà quản lý phải có những quy định riêng trong lĩnh vực tài chính để không có sự lợi dụng và đầu cơ, lợi nhuận ở mức độ thỏa đáng chứ không đầu cơ trong cuộc thi hoa hậu để thu quá nhiều lợi nhuận.
Việc huy động nguồn tiền để làm giải thưởng thì cũng phải tiến tới làm rõ ràng, anh huy động được bao nhiêu tiền của xã hội, chi cho giải thưởng hoa hậu là bao nhiêu, vương miện là bao nhiêu? Phần trăm anh để lại cho công ty làm lợi nhuận như thế nào?... Nói chung các khâu tổ chức phải thật chặt. Rồi đi sâu vào các quy định của cuộc thi là thành phần giám khảo chấm thi là những ai, cách chấm điểm ra sao? Tất cả những điều đó đều phải có quy định và giám sát chặt chẽ. Ðể từ đó có thể tìm ra một hoa hậu xứng đáng nhất.
PV: Các cuộc thi sắc đẹp, hoa hậu nếu được tổ chức một cách chuẩn mực, đàng hoàng sẽ có tác dụng đẩy mạnh sự tiến bộ của người phụ nữ thời đại ngày nay. PGS nghĩ gì về ý này?
PGS.TS Võ Văn Sen: Tôi tin chắc là như vậy! Bởi khi đó phụ nữ sẽ phải trân trọng cái đẹp của mình hơn vì họ thấy cái đẹp của mình là có giá trị đối với xã hội. Cái đẹp ở đây là đẹp thể chất và tinh thần. Biết trân trọng cái đẹp của bản thân mình hơn thì phụ nữ sẽ trân trọng cái đẹp của xã hội, trân trọng những phẩm chất của người phụ nữ hơn. Ta tôn vinh những phẩm chất của Hoa hậu chính là ta tôn vinh, khuyến khích người phụ nữ có những phẩm chất đó; đó cũng chính là một hình thức giáo dục rất tốt đấy chứ! Vì thế tôi thấy nó quá quý!
Mỗi một đất nước mà có hình ảnh một hoa hậu đi sâu vào lòng người, mãi mãi sống với lòng người là đáng quý. Ðó sẽ là những hình ảnh mẫu về người phụ nữ nên nó sẽ có ý nghĩa xã hội rất lớn và tích cực.
Tôn vinh phụ nữ thành hoa hậu qua các cuộc thi nhan sắc, tôi cho rằng đây là một phát minh mang tính văn minh trong quá trình lịch sử của nhân loại. Không phải tự nhiên mà người ta biết và đi đến việc tôn vinh phụ nữ thành hoa hậu, đó phải là một sự tư duy, phát hiện từ mục đích tiến bộ, tích cực. Nên thi hoa hậu là một hoạt động tốt cần khuyến khích. Chúng ta không nên chỉ vì tiêu cực ở vài cuộc thi vừa qua mà đòi bỏ thi hoa hậu. Vấn đề thi hoa hậu không xấu mà chỉ là quản lý không tốt nên bị lạm dụng thôi.
Cái xấu không thuộc về thi hoa hậu, cái xấu thuộc về những thế lực thao túng và nhà quản lý, công tác tổ chức, những kẻ lợi dụng đầu cơ. Cái xấu cũng hoàn toàn không thuộc về sắc đẹp người phụ nữ. Bản thân thi hoa hậu không xấu cho nên nhà quản lý phải chiến đấu với những cái xấu đang phá hoại vào các cuộc thi hoa hậu để gìn giữ và phát huy những giá trị tốt đẹp vốn có. Ðó mới là quan niệm đúng. Chúng ta phải đấu tranh loại bỏ những cái xấu đó để tiến tới một môi trường thi nhan sắc lành mạnh.
Trong nền kinh tế thị trường thì ta cũng phải chấp nhận mặt trái của nó, cũng như thi hoa hậu, chúng ta cũng chấp nhận cho các công ty vào tổ chức. Nhưng thương mại hóa phải ở mức độ và vai trò nhà quản lý là phải có một sự cảnh giác, giám sát chặt chẽ.
PV: Cảm ơn PGS!
Lê Trúc - Thành Ngọc
-
NSND Hoàng Cúc - Biểu tượng của nhan sắc và tài năng
-
Angelina Jolie thuê con làm trợ lý để đích thân rèn giũa kỹ năng làm việc
-
MC Quyền Linh: "Tôi đi đâu, làm gì cũng chụp ảnh báo cáo vợ con"
-
Ngôi sao ca nhạc Charlie Puth xác nhận trình diễn tại Nha Trang trong tháng 7
-
NSƯT Chí Trung tiết lộ quá khứ buôn vải mưu sinh, đủ mua hộp sữa cho con