OPEC+ hoãn họp vì Saudi Arabia và Nga bất đồng
Reuters trích nguồn tin thân cận cho biết cuộc họp dự kiến vào ngày 6/4 có thể lùi sang 9/4 để các bên có thêm thời gian đàm phán. Nguyên nhân là bất đồng giữa Saudi Arabia và Nga ngày càng tăng, quanh việc bên nào có lỗi khi giá dầu lao dốc.
Trong một cuộc họp trực tuyến với quan chức chính phủ và lãnh đạo hãng dầu hôm thứ sáu, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết nguyên nhân đầu tiên khiến giá đi xuống là tác động của đại dịch lên nhu cầu. "Còn nguyên nhân thứ hai là các đối tác của chúng ta từ Saudi Arabia rút khỏi thỏa thuận OPEC+. Họ tăng sản xuất và thông báo sẵn sàng hạ giá bán dầu", ông nói.
| |
Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia Abdulaziz bin Salman Al-Saud và Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak trong cuộc họp tháng 12/2019. Ảnh: Reuters |
Việc này khiến Riyadh hôm qua lên tiếng đáp trả. "Bộ trưởng Năng lượng Nga là người đầu tiên công bố trước giới truyền thông rằng tất cả các nước tham gia thỏa thuận sẽ không phải tuân thủ thỏa thuận kể từ ngày 1/4, khiến các nước khác quyết định cũng nâng sản lượng theo", Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia Abdulaziz bin Salman cho biết trong một thông báo.
Trên hãng thông tấn quốc gia SPA, Bộ trưởng Ngoại giao Saudi Arabia cũng khẳng định chính Nga đã rút khỏi thỏa thuận, chứ không phải Saudi Arabia.
Quyết định hoãn được đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump thúc giục OPEC và các đồng minh (OPEC+) khẩn cấp bình ổn thị trường dầu. Giá dầu chạm đáy 18 năm ngày 30/3, do nhu cầu đi xuống vì các biện pháp phong tỏa trên toàn cầu nhằm ngăn đại dịch lây lan. Một nguyên nhân khác là OPEC và các đồng minh – dẫn đầu bởi Nga thất bại trong việc gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản xuất.
OPEC + đang thảo luận về khả năng giảm 10% sản lượng toàn cầu, tương đương 10 triệu thùng dầu mỗi ngày. Các nước thành viên kỳ vọng đây sẽ là nỗ lực hợp tác chưa từng có và Mỹ sẽ tham gia. Dù vậy, Washington đến nay vẫn chưa đưa ra cam kết nào về việc này.
Nguồn tin của Reuters cho biết không khí đàm phán nhìn chung vẫn tích cực, dù chưa có dự thảo thỏa thuận hay sự đồng thuận vào về mức cắt giảm. "Vấn đề đầu tiên là chúng ta phải giảm sản xuất từ mức hiện tại, chứ không phải giảm về mức tiền khủng hoảng. Vấn đề thứ hai là Mỹ. Họ phải tham gia", một nguồn tin khác từ OPEC khẳng định.
Theo VNE
-
IEA: Trung Quốc đang dẫn đầu “kỷ nguyên điện”
-
Đức nỗ lực củng cố ngành công nghiệp điện gió
-
Đầu tư hydro phát thải thấp: Thách thức cũng là cơ hội cho doanh nghiệp
-
Tìm giải pháp thúc đẩy phát triển ngành năng lượng Việt Nam
-
Singapore mong muốn hợp tác với Bà Rịa - Vũng Tàu phát triển điện gió ngoài khơi