Ô tô Trung Quốc tràn vào Việt Nam, ồn ào ra mắt, chật vật bán hàng
Có làm nên chuyện?
Vào cuối tuần này sẽ có 2 thương hiệu ô tô Trung Quốc, ra mắt sản phẩm tại Việt Nam.
Theo thông tin từ nhà phân phối thương hiệu Lynk & Co tại Việt Nam, vào ngày 16/12/2023 sẽ ra mắt 4 mẫu ô tô gồm: Lynk & Co 01, 03, 05 và 09. Lynk & Co là thương hiệu được định vị ở phân khúc hạng sang, thuộc sở hữu của tập đoàn Geely. Các mẫu xe thuộc thương hiệu này được đặt tên theo số thứ tự, với dải sản phẩm kéo dài từ 01-09.
Lynk & Co 01, là mẫu SUV phân khúc hạng C, phát triển dựa trên khung gầm Volvo XC 40; Lynk & Co 03 là mẫu Sedan hạng C; Lynk & Co 05 là một chiếc SUV lai coupe hạng C, phát trển dựa trên Lynk & Co 01 và Lynk & Co 09 là mẫu SUV cỡ trung, phát triển dựa trên nền tảng khung gầm của Volvo XC90.
Theo một số nguồn tin, tại Trung Quốc, Lynk & Co 01 có giá bán từ 158.000 - 220.000 nhân dân tệ (khoảng 550 - 770 triệu đồng); Lynk & Co 03 có giá bán từ 113.800-228.800 nhân dân tệ (khoảng 395 - 600 triệu đồng); Lynk & Co 05 có giá từ 175.800-235.800 nhân dân tệ (khoảng 612 - 825 triệu đồng) và Lynk & Co 09 có giá bán từ 270.000-350.000 nhân dân tệ (khoảng 945-1,2 tỉ đồng).
Cuối tuần này, thương hiệu xe Haima của Trung Quốc, cũng dự kiến ra mắt thị trường Việt Nam. Sản phẩm đầu tiên phân phối tại Việt Nam là dòng MPV 7X. Xe nhập khẩu nguyên chiếc từ Trung Quốc, có cả bản chạy xăng và thuần điện. Trong đó, bản thuần điện với tên gọi 7X-E, có hai tùy chọn tiêu chuẩn (Comfort) và cao cấp (Premium), với giá bán dự kiến từ hơn 1 tỷ đồng.
Trái với suy nghĩ của nhiều người, xe Trung Quốc có giá rẻ, dải sản phẩm của hai thương hiệu kể trên, khi mở bán tại Việt Nam, sẽ không rẻ hơn các mẫu xe đối thủ cùng phân khúc, đến từ Nhật Bản và Hàn Quốc. Ô tô dưới 10 chỗ ngồi từ Trung Quốc nhập khẩu nguyên chiếc về Việt Nam, phải chịu thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng… Cộng các chi phí khác nữa, sẽ có giá không “mềm” chút nào. Có mấy ai dám chi ra một số tiền lớn để làm “chuột bạch”?
Chật vật bán hàng
Không những thế thương hiệu ô tô Trung Quốc vốn không tạo được niềm tin với người tiêu dùng Việt Nam, vì thế bán hàng rất chật vật. Các hãng xe đã vào thị trường Việt Nam đến nay đều có doanh số bán rất èo uột.
Ví dụ như thương hiệu MG của Tập đoàn Công nghiệp Ô tô Thượng Hải (SAIC), sau thời gian dài có mặt tại thị trường ô tô Việt Nam, đến nay doanh số bán chỉ đạt khoảng 5.000 xe/năm. Đã có mẫu xe sau khi ra mắt bị ế ẩm phải dừng bán. MG HS là mẫu SUV từng rầm rộ ra mắt tại Việt Nam và được hãng kỳ vọng trở thành đối thủ cạnh tranh sòng phẳng với Hyundai Tucson hay Mazda CX-5. Giá xe MG HS dao động từ 719 - 869 triệu đồng, thấp nhất trong phân khúc crossover. Tuy nhiên, kể từ khi tung ra thị trường, doanh số bán MG HS khá thấp, dù mẫu xe này có khá nhiều trang bị. Mẫu New MG5 thuộc phân khúc hạng C cũng tương tự, đã phải “hạ mình” bằng giá bán thật rẻ, để cạnh tranh với các mẫu xe phân khúc hạng A và B. Tuy nhiên, đã không cạnh tranh nổi.
Một sản phẩm khác là Haval H6 HEV, của hãng Great Wall Motor, được nhập khẩu nguyên chiếc từ Thái Lan, thuộc phân khúc SUV hạng C, có nhiều công nghệ vượt trội. Tháng 8/2023 ra mắt, với giá bán 1,096 tỉ đồng, không có khách mua nay giảm xuống còn 852 triệu đồng, tương đương với những mẫu xe như Mazda CX-5 2.0L Premium Sport (849 triệu đồng) và Hyundai Tucson 2.0 xăng đặc biệt (839 triệu đồng). Trong khi đó, đây là bản "full option", Haval H6 HEV vượt trội nhiều về trang bị.
Ô tô Trung Quốc vào Việt Nam, hãng nào cũng ôm tham vọng lớn nhưng rút cục đều gặp khó khăn, khả năng cạnh tranh kém từ xe giá rẻ đến xe hạng sang. Doanh số bán luôn luôn thấp và giá giảm rất nhanh, nhiều mẫu xe xuất hiện rồi “biến mất” không để lại dấu ấn nào.
Theo Diễn đàn Doanh nghiệp
Xuất khẩu ô tô Trung Quốc "vụt sáng" giữa bức tranh kinh tế ảm đạm Vào thời điểm tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc đang chững lại và người tiêu dùng trong nước thắt chặt chi tiêu, ngành ô tô nước này lại trở thành một điểm sáng. |