Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Nữ tướng số 1 của ngành điện

07:00 | 29/05/2014

758 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Dáng người nhỏ nhắn, tác phong mạnh mẽ, giọng hát hay, nói chuyện rất nhiệt tình - đó là cảm nhận của nhiều người khi gặp bà Hồ Thị Bích Phượng (nguyên Giám đốc Công ty Truyền tải điện 4). Thế nhưng, ít ai nghĩ rằng người phụ nữ đã ở tuổi “thất thập cổ lai hy” từng là nữ tướng số 1 của ngành điện, thủ lĩnh của một đơn vị truyền tải - một ngành nghề thường do nam giới đảm nhiệm.

Năng lượng Mới số 325

Dấn thân ắt thành công

Trong “Hành trình về với chiến trường xưa” do EVN NPT tổ chức cuối tháng 4 vừa qua, bà Phượng là thành viên gây ấn tượng mạnh nhất. Ấn tượng không chỉ vì bà là người phụ nữ duy nhất của đoàn cán bộ lão thành ngành điện mà còn vì bà là người khởi xướng tất cả các cuộc vui văn nghệ bằng giọng opera cao vút, bà là người sôi nổi nhiệt tình. Triết lý của bà là: Khi đã làm lãnh đạo thì có lúc phải quên mình là phụ nữ. Việc gì mình cũng phải làm được thì mới nói được.

Là học sinh miền Nam được ra miền Bắc để học tập, với rất nhiều ước mơ về nghề nghiệp nhưng cuối cùng, duyên nghiệp đã khiến bà trở thành sinh viên xuất sắc của khoa Điện - Đại học Bách khoa khóa 1961-1965.

Bà Hồ Thị Bích Phượng trao đổi kinh nghiệm với công nhân truyền tải điện Thừa Thiên - Huế

Ra trường, bà được phân công về Điện lực Hà Nội nhưng chỉ vì mê màu áo xanh công nhân mà bà quyết tâm xin về thành phố cảng Hải Phòng. Sau giải phóng miền Nam, được bố trí về Công ty Truyền tải điện 4. Bà đã chứng tỏ tư chất thông minh, làm việc có trách nhiệm, sôi nổi, biết gây dựng phong trào. Vì vậy, từ một cán bộ kỹ thuật, trải qua rất nhiều chức vụ, bà đã trở thành giám đốc công ty cho tới ngày về hưu. Bà cho biết, đặc thù của nghề truyền tải rất cần sự năng động, sáng tạo, đoàn kết của anh em đồng nghiệp. Khi điều hành công ty, bà luôn tạo môi trường làm việc sao cho tốt hơn, hiệu quả hơn. Theo bà, không có bí quyết thành công nào ngoài sự quyết tâm làm việc bằng cái tâm của mình. Ai không dám dấn thân, sẽ tự đánh mất niềm đam mê và sự thành công của mình.

Bà tâm sự, trong cuộc đời làm ngành điện của mình, thời gian tham gia giám sát nghiệm thu đường dây 500kV mạch 1 là đáng nhớ nhất. Bởi vì, lúc đó miền Nam thiếu điện trầm trọng, các nơi bị cúp điện liên tục, hết 2 không 1 có lại đến 2 có 1 không (tức là 2 ngày có điện, 1 ngày mất điện...). Khi được Nhà nước quyết định xây dựng đường dây 500kV tải điện từ Bắc vào Nam, ngoài niềm vui của người thợ điện, bà còn niềm sung sướng của người dân miền Nam khi thấy bà con mình sắp thoát cảnh kinh tế chậm phát triển chỉ vì điện vẫn đang “đi sau một bước”.

Với nhiệm vụ của thợ truyền tải, khó khăn nhất là làm sao nghiệm thu được công trình chặt chẽ để sau này vận hành bảo đảm an toàn và liên tục. Muốn thế, phải có đội ngũ về kỹ thuật đủ trình độ chuyên môn, đủ tư cách để giám sát nghiệm thu công trình đảm bảo không xảy ra biến cố, nhất là trạm biến áp. Điều lực lượng giám sát lo lắng nhất là công trình có quy mô quá lớn, lần đầu tiên xây dựng ở Việt Nam với thời gian quá gấp nên chỉ sợ không đảm bảo chất lượng. Vì vậy, bà yêu cầu lực lượng giám sát phải nghiệm thu hết sức chặt chẽ. Làm tới đâu nghiệm thu tới đó, sai chỗ nào bắt sửa ngay chỗ đó. Đây cũng là những nguyên nhân bất hòa nho nhỏ giữa công nhân thi công xây lắp và đội ngũ giám sát nghiệm thu.

Tuy nhiên, ai cũng hiểu đó là yêu cầu công việc nên cũng dễ thông cảm làm hòa với nhau. Đó là những lần bà yêu cầu bên thi công đào chân cột điện lên để chứng minh không bảo đảm kỹ thuật và bắt họ phải làm lại để đảm bảo an toàn cho cột điện. Đó là khi đã sắp đến giờ đóng điện nhưng bà phát hiện có vị trí độ võng của dây chưa đảm bảo quy định vì gò đất bên dưới quá cao. Bà yêu cầu bên thi công phải đào hết đất dưới đường dây, gỡ hết diều mắc trên đường dây, khi thấy thực sự an toàn mới đồng ý cho đóng điện.

Có người gọi bà là 1 trong 5 con hổ của ngành điện, còn bà  khẳng định, nhiều lúc phải quên mình là phụ nữ, phải tự trọng, cương quyết, phải làm được mới nói được. Chả thế mà có lần đi giám sát nghiệm thu cùng 2 phó giám đốc nam giới. Gặp chiếc cột cao 110m, 2 đấng mày râu không dám trèo lên vì sợ độ cao, bà lập tức trèo lên tận đỉnh cột, kiểm tra từng mối nối, từng bu-lông rồi mới chịu nghiệm thu. Cánh xây lắp lắc đầu bảo nhau: Làm cẩn thận, không thể đùa với bà Phượng được đâu.

Tầm và tâm của nữ tướng

Không chỉ hết lòng vì công việc, bà còn hết lòng chăm lo cho anh em công nhân của mình với tấm lòng của người mẹ, người chị, người em gái. Tôi đã được nghe câu chuyện bà đòi quyền lợi tăng lương cho anh em ở đường dây Đa Nhim. Hồi đó, để bù đắp sự vất vả của thợ vận hành ở chốt Bảo Lộc, Nhà nước duyệt tăng 10% lương cho anh em. Tuy nhiên, chốt Ma Đa Gui cách đèo Bảo Lộc chỉ 10km lại không được hưởng chính sách đó. Đấu tranh cho anh em mãi không được, 1 lần lên chốt, bà mang theo cái lọ, bị con vắt nào cắn bà đều bắt bỏ lọ đưa về Sài Gòn. Hôm họp giao ban tuần, bà đưa chiếc lọ có 18 con vắt ra để lên bàn và nói: “Anh nào chưa biết con vắt, anh nào đi kháng chiến lâu năm mà quên con vắt hãy nhìn lại đi, máu của công nhân mình đó. Anh em trên chốt, ai cũng bị ghẻ, bị vắt cắn. Tại sao anh em cực khổ thế mà lại không được hưởng quyền lợi gì?”. Mọi người đều ngán cách đấu tranh của bà, ông trưởng phòng tổ chức lắc đầu: “Bà đấu tranh kiểu này là hết cỡ rồi”. Ngày hôm sau lập tức có quyết định tăng 10% lương cho công nhân chốt Ma Đa Gui.

Bà tâm sự: Công tác xây lắp đường dây rất gian khổ nhưng chỉ trong thời gian ngắn, vận hành đường dây khó khăn hơn nhiều vì đó là công việc hàng ngày. Đường dây rất dài, lại đi qua nhiều địa hình rất phức tạp, núi cao, rừng rậm, khu đô thị sầm uất, vùng đầm lầy sông nước, hằng năm phải “sống chung với lũ” từ 3-4 tháng. Phức tạp nhất là qua khu đồng bào dân tộc, nhiều nơi  bà con chưa hiểu gì về điện. Bà phải bố trí lực lượng quản lý, phân công  giao việc cụ thể, ai phụ trách cột nào, bao nhiêu ngày phải đến tận cột để kiểm tra một lần. Đồng thời, ký hợp đồng với dân quân tự vệ, công an địa phương để họ giúp mình đi kiểm tra thường xuyên, chống chuyện mất cắp sắt hoặc bu-lông trên đường dây. Tuy nhiên, quan trọng nhất là phải tuyên truyền cho dân hiểu được tầm quan trọng của đường dây cao thế, huyết mạch của quốc gia để nâng cao ý thức cho bà con. Biết thế nhưng làm cách nào cho bà con hiểu mới là chuyện khó, bởi vì ngôn ngữ bất đồng, lại không có điều kiện đến tận từng nhà để tuyên truyền. Bà quyết định tổ chức đội văn nghệ của công ty đi từ Sài Gòn ra Pleiku, đến huyện nào cũng dừng lại biểu diễn văn nghệ phục vụ bà con. Trước mỗi buổi biểu diễn, đội văn nghệ lại tranh thủ tuyên truyền về đường dây để dân chúng biết hơn, hiểu hơn về đường dây cao thế, về dòng điện. Nhờ thế, 20 năm qua, đường dây vẫn vận hành an toàn, chất lượng.

Tôi thực sự ngạc nhiên vì với công việc như thế thì bà dành thời gian nào cho gia đình, bà cười: đã là phụ nữ, ngoài công việc, tôi phải biết cách thu xếp thời gian cho gia đình, chăm sóc chồng con, mình phải là ngọn lửa ấm áp trong cuộc sống gia đình. Gia đình có bền thì công tác xã hội mới vững được. Nghe những câu chuyện của bà, tôi hiểu rằng viết bao nhiêu về bà cũng chưa đủ. Tôi chỉ biết kính nể người nữ tướng thời bình, người đã cống hiến gần trọn cuộc đời mình cho sự phát triển của ngành điện Việt Nam, người không tiếc công sức đào tạo, bồi dưỡng cho thế hệ đi sau, góp phần tạo dựng nên Công ty Truyền tải điện 4 có nền tảng vững chắc như hôm nay.

Ngọc Loan