Nơi giữ hồn cốt gốm mộc
Gốm Phổ Khánh mang đậm chất văn hóa Sa Huỳnh, cái nôi của gốm cổ hàng nghìn năm |
Khoảng 300 năm trước, gốm Phổ Khánh (thị xã Đức Phổ, Quảng Ngãi) được rất nhiều nơi ưa chuộng. Làng gốm lúc nào cũng đỏ lửa, huỳnh huỵch tiếng người nhào đất, rộn ràng tiếng củi lửa lò nung, xôn xao tiếng bán mua trao đổi, rầm rập tiếng chân người vận chuyển hàng... Phổ Khánh có hai làng chuyên sản xuất đồ gốm là Trung Sơn và Vĩnh An. Khác với các loại gốm láng men mịn, với hoa văn màu sắc sặc sỡ bắt mắt, gốm Phổ Khánh lại có nét đặc trưng, độc đáo của gốm Sa Huỳnh.
Văn hóa Sa Huỳnh là một nền văn hóa cổ có niên đại cách đây 3.500-2.000 năm. Đặc trưng của văn hóa Sa Huỳnh là táng thức mộ chum được làm bằng gốm Sa Huỳnh thuộc giai đoạn gốm tiền sử trong tiến trình gốm sứ Việt Nam. Gốm Sa Huỳnh phong phú về loại hình, đa dạng về kiểu dáng và nguồn nguyên liệu được lấy ngay tại nơi cư dân Sa Huỳnh cư trú. Các loại hình chum, nồi, bình, bát đĩa... với phong cách chế tác độc đáo, thể hiện văn hóa của các cư dân vùng duyên hải Việt Nam từ hậu kỳ đá mới đến thời đại sắt sớm. Đó là gốm mộc, không láng men như các loại gốm ở nhiều làng nghề thủ công nổi tiếng khác trên khắp cả nước.
Người làm gốm Phổ Khánh với tay nghề gốm mộc thủ công vẫn cần mẫn giữ nghề |
Sự độc đáo ấy từng một thời lận đận bởi quy luật của thị trường, khi những sản phẩm gốm sứ được trau chuốt hơn, đẹp hơn và đa dạng hơn, cùng với đó là cơn bão của đồ gốm sứ từ Trung Quốc ùa về chiếm lĩnh thị trường. Hơn chục năm trước, những lò gốm mộc ở Phổ Khánh chẳng còn đỏ lửa, người làm gốm nhìn nhau, nhìn lò nung mà rơi nước mắt, nhìn những sản phẩm làm ra không ai mua mà lòng buồn hiu hắt. Nhiều người nghĩ gốm mộc chẳng còn đất sống nữa. Đất bỏ khuôn, người bỏ gốm, củi lửa bỏ lò nung, những vệt đường sẽ thôi tiếng chân vào ra chọn gốm...
Nhưng mừng thay, mấy năm nay, gốm mộc Phổ Khánh đã bắt đầu hồi sinh, được tiêu thụ rộng rãi hơn.
Lửa lò nung đã đỏ trở lại, giúp gốm Phổ Khánh có chỗ đứng trên thị trường |
Đi trên Quốc lộ 1 ngang qua thị xã Đức Phổ, nhiều người sẽ thấy nhiều cửa hàng trưng bày gốm, phía sau là nơi sản xuất gốm. Gốm vẫn ra lò và chuyển đi nhiều tỉnh, thành phố tiêu thụ. Có những lò gốm làm trong 1-2 ngày được khoảng 2.500 sản phẩm. Thời gian nung gốm kéo dài 14 tiếng. Sau đó là thời gian dành cho việc kiểm tra sản phẩm, chuẩn bị cho mẻ nung tiếp theo.
Từ gần 300 cơ sở làm gốm thời hưng thịnh, 2 làng gốm Trung Sơn và Vĩnh An của xã Phổ Khánh chỉ còn gần chục hộ làm nghề, nhưng đó là những hộ sản xuất bền vững, có đầu ra sản phẩm ổn định. Những lò gốm của anh Lê Phương Nam, anh Nguyễn Tấn Hợp... là những lò gốm lớn nhất xứ này, làm ra hàng nghìn sản phẩm mỗi ngày.
Lò nung đỏ lửa trở lại, những người thợ làm gốm có tay nghề cao cũng trở lại với nghề. Đó là những thợ gốm có thâm niên vài chục năm như ông Huỳnh Văn Út, bà Lê Thị Chương, bà Nguyễn Thị Nin, bà Nguyễn Thị Quang... Chưa kể, số lượng người trẻ hướng về nghề gốm ngày càng đông thêm. Làng gốm đã có những đơn đặt hàng từ những nhà hàng cơm niêu, những resort mang đậm phong cách đồng quê, những quán ăn đậm dấu ấn dân gian với những loại thực phẩm được chế biến trong nồi đất, những niêu cá, ấm trà, ấm sắc thuốc, khuôn đúc bánh xèo...
Mỗi sản phẩm làng nghề đều được khắc tên, như một cách quảng bá cho sản phẩm đồ gốm Phổ Khánh |
Bà Nguyễn Thị Quang, người hơn 30 năm làm gốm, chia sẻ: Làm gốm mộc tưởng chừng đơn giản nhưng thực sự cũng lắm công phu. Trước hết, phải chọn đất sét vàng, đất sét xanh, phơi thật khô rồi đập, sàng lấy đất mịn, nhào nặn, tạo hình, chuốt, phơi khô rồi đem nung. Mỗi công đoạn đều phải đúng kỹ thuật. Mỗi ngày bà nặn khoảng vài trăm cái trả, thu nhập vài trăm nghìn đồng. Với người dân quê, đây là mức thu nhập cao. Nhưng ở cái lò gốm này không phải ai cũng giỏi và thạo nghề như bà Quang. Có nhiều người chỉ thu nhập khoảng 60.000 đồng/ngày, nhưng nghề gốm vốn đã ăn vào máu thịt, họ vẫn chịu khó làm việc.
Bà Nguyễn Thị Hiền, Phó chủ tịch UBND xã Phổ Khánh, nói: “Để giữ gìn, phát triển nghề gốm truyền thống, UBND xã Phổ Khánh đã đăng ký đây là sản phẩm OCOP. Chính quyền địa phương vận động người dân đầu tư mở rộng quy mô sản xuất; khuyến khích người dân duy trì sản xuất thủ công, đồng thời sản xuất bằng máy để vừa đáp ứng nhu cầu của thị trường vừa gìn giữ nghiệp tổ”.
Mấy năm qua, những lò gốm ở Phổ Khánh đã quy tụ được rất nhiều thợ lành nghề. Họ đến với nghề gốm để mưu sinh, cũng góp phần giữ lấy nghề xưa mà cha ông mình đã gắn bó qua nhiều thế kỷ. Những lò gốm lớn ở Phổ Khánh bây giờ làm theo đơn đặt hàng của khách hàng bởi đó là những sản phẩm hình dáng khác thường, đòi hỏi chất lượng và kỹ thuật cao, những yêu cầu nghiêm ngặt của khách hàng. Thị trường cần gì, các lò gốm sản xuất thứ ấy. Hầu hết các sản phẩm đặt hàng đều làm thủ công. Cũng có nhiều loại sản phẩm gốm thông dụng được đúc khuôn, hình thức khá đẹp, đồng đều, da gốm láng mịn.
Hiện tại, giá gốm Phổ Khánh bình quân khoảng 15.000 đồng/sản phẩm. Niêu cơm giá rẻ nhất, chỉ khoảng 5.000-7.000 đồng. Trả đất, ấm, bếp lò giá cao hơn, cao nhất là 40.000 đồng/sản phẩm. Bà Nguyễn Thị Nin cho biết, một người thợ thủ công nếu làm một tháng khoảng 3.000 sản phẩm, đủ để đưa vào nung một lò. Nung sau 24 giờ là mở lò, mang sản phẩm đi bán, trừ chi phí thu được 2,5-3 triệu đồng. Tính ra ngày công chỉ khoảng 100.000 đồng, không lớn, nhưng thợ có việc làm, lưu giữ được nghề xưa.
Trước những đơn hàng lớn, nhiều máy móc cũng được vận dụng để sản xuất |
Gốm Phổ Khánh bây giờ đã xuất bán tới Quảng Nam, Đà Nẵng, Huế, Quảng Trị, vào các tỉnh, thành phố phía Nam, ngược ra các tỉnh, thành phố phía Bắc. Làng nghề gốm tưởng tàn lụi dưới cơn lốc kinh tế thị trường, giờ đây lò gốm đã đỏ lửa trở lại và tìm về thời hưng thịnh. Người còn, nghề gốm không mất.
Tiêu Dao