Nợ xấu giảm, dư nợ lớn nhất của PGbank thuộc về lĩnh vực nào?
PGBank có quý tăng trưởng đầu tiên từ khi nhóm cổ đông mới xuất hiện
Ngân hàng TMCP Thịnh vượng và Phát triển (PGBank - Mã: PGB) vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2024 với lợi nhuận trước thuế đạt hơn 151 tỷ đồng, tăng gần 1% so với cùng kỳ năm 2023; lợi nhuận sau thuế đạt hơn 121 tỷ đồng, tăng gần 1% so với cùng kỳ và tăng 30% so với quý liền trước.
Quý II/2024, PGBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt hơn 151 tỷ đồng |
Cụ thể, trong quý II/2024, thu nhập lãi và các khoản thu nhập tương tự đạt 864 tỷ đồng, giảm nhẹ so với quý II/2023. Do chi phí lãi và các chi phí tương tự giảm tới 23% nên thu nhập lãi thuần của PGBank vẫn tăng 28% lên 437 tỷ đồng.
Các khoản thu nhập ngoài lãi ghi nhận kết quả trái chiều. Trong đó, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ đạt 6,4 tỷ đồng, giảm 59%; còn kinh doanh ngoại hối lỗ 11,6 tỷ đồng. Lãi thuần từ hoạt động kinh doanh khác đem về hơn 20 tỷ đồng, tăng gần 71%.
Tổng thu nhập hoạt động (TOI) của ngân hàng trong quý II/2024 đạt hơn 456 tỷ đồng, tăng gần 21% so với cùng kỳ. Trong kỳ, chi phí hoạt động và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng cũng tăng lần lượt 12% và 115% lên 201 tỷ đồng và 103,5 tỷ đồng.
Tuy lợi nhuận tăng trưởng không quá lớn so với cùng kỳ, song kết quả quý II/2024 vẫn cao hơn so với khoản lãi sau thuế 93 tỷ đồng trong quý I/2024 hay khoản lỗ 4,6 tỷ đồng trong quý IV/2023.
Có thể thấy, sau khi báo lỗ quý IV/2023, tình hình kinh doanh hiện tại của PGBank được cải thiện đáng kể. Đây là quý tăng trưởng lợi nhuận đầu tiên của PGBank từ sau khi Tập đoàn Petrolimex tiến hành thoái vốn tại ngân hàng và nhóm cổ đông có liên quan tới Tập đoàn Thành Công (TC Group) xuất hiện vào tháng 4/2023 (loại trừ quý II/2023).
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, PGBank ghi nhận thu nhập lãi thuần đạt 815 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế đạt 267,5 tỷ đồng, giảm 7% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế là 213,9 tỷ đồng, giảm 7%.
Trong năm 2024, PGBank lên kế hoạch kinh doanh với lợi nhuận trước thuế đạt 554 tỷ đồng. Như vậy, sau 2 quý đầu năm, nhà băng này đã hoàn thành 48% kế hoạch đề ra tại đại hội đồng cổ đông thường niên hồi tháng 4 vừa qua.
Dư nợ lớn nhất thuộc về lĩnh vực nào?
Tính đến ngày 30/6/2024, tổng tài sản của PGBank tăng 7,6% so với thời điểm đầu năm lên 59.715 tỷ đồng, bao gồm 36.342 tỷ đồng cho vay khách hàng, tăng gần 4% so với đầu năm; 18.490 tỷ đồng tiền vàng gửi tại các tổ chức tín dụng khác; 2.597 tỷ đồng chứng khoán đầu tư…
Ở bên kia bảng cân đối kế toán, tổng nợ phải trả của PGBank tăng hơn 4.000 tỷ đồng lên 54.675 tỷ đồng, chiếm phần lớn là 37.392 tỷ đồng tiền gửi của khách hàng và 15.857 tỷ đồng tiền gửi và vay các tổ chức tín dụng khác.
Điểm sáng trong bức tranh tài chính tại PGBank chính là tình hình nợ xấu có dấu hiệu giảm nhẹ.
Tính đến 30/6/2024, số dư nợ xấu của PGBank đạt 958 tỷ đồng, giảm 5% so với đầu năm. Kết quả này cũng đã cải thiện so với thời điểm 31/3/2024. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn ghi nhận gần 166 tỷ đồng, giảm 25% so với đầu năm; nợ nghi ngờ tăng nhẹ 6% lên mức hơn 312 tỷ đồng và nợ có khả năng mất vốn hơn 479 tỷ đồng, giảm nhẹ 3% so với đầu năm.
Nhờ cho vay tăng trưởng và số dư nợ xấu giảm, tỷ lệ nợ xấu đã tụt xuống còn 2,61%, so với 2,85% vào đầu năm hay 2,91% vào cuối quý I.
Chi tiết các nhóm nợ xấu tại PGBank (Nguồn: BCTC quý II/2024). |
Tính đến 30/6/2024, lĩnh vực chiếm tỷ trọng dư nợ lớn nhất của PGBank là hoạt động dịch vụ khác ghi nhận gần 15.721 tỷ đồng với tỷ trọng 43%; tiếp đến là dư nợ cho vay ngành tài chính, ngân hàng, bảo hiểm hơn 4.813 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 13% và dư nợ cho vay ngành xây dựng hơn 4.336 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 12%.
Tuy nhiên, dư nợ cho vay theo ngành công nghiệp chế biến, chế tạo lại có tốc độ tăng trưởng nhanh tới 47% so với đầu năm, lên mức hơn 887 tỷ đồng; đặc biệt, dư nợ cho vay theo ngành hoạt động khoa học và công nghệ tăng tới 111% so với đầu năm, lên hơn 133 tỷ đồng; dư nợ cho vay theo ngành giáo dục và đào tạo tăng 51%, ghi nhận hơn 97 tỷ đồng;... Dư nợ cho vay các ngành này tuy tăng trưởng nhanh trong 6 tháng đầu năm 2024, song vẫn chiếm tỷ trọng rất nhỏ.
Dư nợ cho vay theo ngành của PGBank tại thời điểm 30/6/2024 so với thời điểm đầu năm (Nguồn: BCTC quý II/2024). |
PGBank cũng tiến hành thay đổi hệ thống nhân sự cấp cao. Các lãnh đạo từng có thời gian công tác tại Ngân hàng MSB lần lượt được miễn nhiệm. Ở chiều ngược lại, hàng loạt cái tên có thâm niên trong lĩnh vực tài chính ngân hàng được bổ nhiệm vào các vị trí quan trọng.
Trong đó, một lãnh đạo của TC Group là ông Đào Phong Trúc Đại được bầu làm Phó Chủ tịch HĐQT, ông Phạm Mạnh Thắng - cựu Phó Tổng giám đốc Vietcombank được chọn thay thế ông Nguyễn Phi Hùng ở ghế Chủ tịch HĐQT.
Vào đầu năm 2024, PGBank đã nâng vốn thành công lên 4.200 tỷ đồng. Ngân hàng cũng đang triển khai việc chào bán 80 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, nâng vốn lên 5.000 tỷ đồng.
Huy Tùng - Lê Thanh