Nỗ lực đưa giá trị xuất khẩu tôm cán mốc 3,9 tỷ USD trong năm 2021
Năm 2021, mặc dù ngành nuôi trồng thủy sản nói chung, ngành tôm nói riêng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do tác động thời tiết, khí hậu bất thường, ảnh hưởng đại dịch Covid-19, nhưng được sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT), các bộ, ngành, địa phương vào cuộc, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và sự đồng lòng, chung tay, chia sẻ khó khăn của người dân, doanh nghiệp nên kết quả nuôi trồng thủy sản năm 2021 đạt kết quả tốt.
Doanh nghiệp xuất khẩu tôm trong năm 2021 đang có thêm nhiều lực đẩy mới từ các FTA và việc Mỹ hủy bỏ áp thuế chống bán phá giá với tôm Việt Nam. |
Theo đó, diện tích tôm nước lợ thả nuôi ước đạt 740.000ha, trong đó diện tích nuôi tôm sú 630.000ha, còn lại là diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng, sản lượng tôm nuôi ước 11 tháng đầu năm 2021 đạt hơn 902.000 tấn, tăng gần 2% so năm 2020, ước kim ngạch xuất khẩu năm 2021 đạt 3,2 tỉ USD, tăng 2% so cùng kỳ năm 2020.
Đồng thời, trong năm 2021 Bộ NN-PTNT đã ký kết quy chế phối hợp trong quản lý tôm nước lợ giữa các địa phương và kiểm tra cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản cho 1.045 cơ sở, cấp mã số cơ sở nuôi là 6.600 cơ sở…
Báo cáo tại Hội nghị trực tuyến "Giải pháp phát triển nuôi tôm tháng cuối năm 2021 và năm 2022" do Bộ NN-PTNT tổ chức ngày 10/12/2021. Lãnh đạo nhiều Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh ven biển Nam Bộ phản ánh, trong thời gian qua dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất – kinh doanh của các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản và các hộ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Cà Mau.
Trong đó, giá các loại vật tư đầu (thức ăn, thuốc, hoá chất, sản phẩm xử lý môi trường...) tăng mạnh, do đó sản lượng thuỷ sản nuôi trong năm tăng cao nhưng so về hiệu quả kinh tế lại giảm. Trong khi đó, thương lái giảm mua tôm hoặc mua với giá thấp.
Kim ngạch xuất khẩu tôm trong tháng 11 đạt 367 triệu USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2020. Lũy kế 11 tháng, kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam đạt 3,5 tỷ USD, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2020.
Theo bà Lệ Hằng - Phó Giám đốc Trung tâm Ðào tạo và Xúc tiến thương mại VASEP, giá trị xuất khẩu tôm có dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ trong tháng 10 và tháng 11 sau khi sụt giảm đáng kể trong quý 3.
Trong 11 tháng năm 2021, giá trị xuất khẩu tôm sang Mỹ đạt 983,5 triệu USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 50% kim ngạch xuất khẩu tôm của cả nước. Xuất khẩu tôm sang Mỹ được kỳ vọng sẽ tăng mạnh vào năm 2022 khi nhu cầu của Mỹ tăng và Việt Nam chuyển sang trạng thái thích ứng linh hoạt với dịch Covid-19.
Đặc biệt, tôm của Việt Nam vào thị trường Mỹ ngày càng trở nên cạnh tranh hơn khi Ấn Độ, bởi Mỹ tăng gấp đôi thuế chống bán phá giá đối với tôm xuất khẩu từ Ấn Độ từ 3% lên 7,15% vào tháng 11 vừa qua.
Cũng diễn biến tích cực như thị trường Mỹ, 11 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu tôm sang EU đạt 458 triệu USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2020. Lợi thế từ EVFTA cùng nhu cầu tiêu dùng trong khối EU với sản phẩm tôm chế biến tăng, đã tạo lực đẩy cho xuất khẩu tôm.
Ngành hàng tôm Việt Nam có thể mạnh về thị phần và lợi thế về chất lượng so với các đối thủ cạnh tranh. Hiện nay, tôm chân trắng và tôm sú xuất khẩu có Việt Nam có nhiều nước cạnh tranh nhất là tại những thị trường lớn như: Mỹ, Liên minh châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản, Anh… tôm Việt Nam có vị trí số 1 nhờ chất lượng ổn định, từ tôm nguyên liệu đông lạnh đến chế biến giá trị gia tăng có sản phẩm rất đa dạng phù hợp với mọi phân khúc thị trường cho các thị trường nhập khẩu”, bà Lê Hằng nhận định.
Theo VASEP, dự báo xuất khẩu tôm năm 2021 sẽ cán đích ở mức 3,9 tỷ USD, tăng 4% so với năm 2020 và năm 2022 sẽ đạt 4,3 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2021 nhờ những diễn biến khả quan ở các thị trường nhập khẩu.
Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhận định, thị trường thuận lợi, giá tôm có xu hướng tăng cao là yếu tố quan trọng để ngành tôm Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu tôm tận dụng tốt cơ hội để nhanh chóng phục hồi sau đợt giãn cách xã hội kéo dài.
Để đạt kế hoạch sản xuất thủy sản năm 2022, Thứ trưởng đề nghị các địa phương tổ chức liên kết tham gia chuỗi tôm, đảm bảo chuỗi sản xuất tôm vận hành liên hoàn, thích ứng với điều kiện dịch bệnh Covid-19 và kịp thời xử lý các tình huống phát sinh do dịch bệnh gây ra; tăng cường thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm trong nuôi trồng thủy sản, nhằm đảm bảo chất lượng phục vụ chế biến, tiêu dùng, đặc biệt phục vụ nhu cầu tiêu dùng dịp lễ, tết.
Bên cạnh đó, thực hiện tốt kế hoạch sản xuất tôm nước lợ năm 2022 cũng như các quy định về điều kiện nuôi, đăng ký đối tượng nuôi chủ lực; quan trắc cảnh báo môi trường để kịp thời khuyến cáo cho người nuôi. Tăng cường thông tin, tuyên truyền, chuyển giao khoa học kỹ thuật để nhân rộng các mô hình nuôi 2, 3 giai đoạn, nuôi sử dụng chế phẩm sinh học nuôi tôm công nghệ cao…
Thứ trưởng cũng lưu ý, Việt Nam đang tích cực tham gia Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) góp phần thúc đẩy tăng trưởng xuất nhập khẩu. Ngành tôm được dự báo tiếp tục phát triển nhờ cú hích FTA, đặc biệt với kinh nghiệm thích ứng sự biến đổi của thị trường từ năm 2020. Đây là cơ hội thuận lợi để nâng cao năng lực tổ chức sản xuất đảm bảo theo chuỗi, truy xuất được nguồn gốc với quy trình từ con giống, thức ăn chăn nuôi, thú y phòng bệnh, an toàn sinh học đến thu hoạch, sơ chế và chế biến phục vụ xuất khẩu...
Minh Châu
-
Tin tức kinh tế ngày 19/11: Tiếp tục giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp
-
Tin tức kinh tế ngày 14/10: Giá cà phê xuống mức thấp nhất 5 tuần
-
9 tháng đầu năm, xuất khẩu tôm đứng đầu trong nhóm thủy sản
-
Tin tức kinh tế ngày 30/9: Giá xuất khẩu hồ tiêu đạt mức kỷ lục
-
Tin tức kinh tế ngày 21/9: Xuất khẩu tôm Việt Nam bứt phá mạnh mẽ
-
Tin tức kinh tế ngày 20/11: Xuất khẩu cá ngừ lập đỉnh 2 năm
-
Giá vàng hôm nay (20/11): Thị trường thế giới tăng mạnh
-
Giá dầu hôm nay (20/11): Dầu thô ổn định trong phiên
-
Áp thuế suất GTGT 5%, giá phân bón có dư địa giảm
-
Tin tức kinh tế ngày 19/11: Tiếp tục giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp