Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Nó là cuốn nào?

10:34 | 08/11/2014

|
Bạn đọc: Thay cho lời giới thiệu cuốn tiểu thuyết “Xuân Nguyệt” do Hồng Giang dịch (Nhà xuất bản Trẻ, 1989), mở đầu bài “Mấy lời của người đọc”, GS Trần Quốc Vượng viết: “Cuốn sách đang ở dưới tay bạn đọc là cuốn sách bán chạy nhất (best seller) ở Mỹ 1981 (nguyên văn tiếng Anh “Spring Moon”, xuất bản ở New York); nó đã lập tức được dịch ra 15 thứ tiếng ở nước ngoài; bản dịch tiếng Pháp của Pierre Alien do Nhà xuất bản Club France Loisirs ấn hành năm 1983 được Báo Figaro Madame coi là “một quyển truyện hay nhất trong năm đã tới nước Pháp”.

GS Trần Quốc Vượng muốn nói gì đây? Tôi đoán ông muốn nói rằng, nguyên tác tiếng Anh “Spring Moon”, xuất bản ở New York, là cuốn sách bán chạy nhất ở Mỹ năm 1981 và nó đã lập tức được dịch ra 15 thứ tiếng. Nhưng “cuốn sách đang ở dưới tay bạn đọc” lại là cuốn “Xuân Nguyệt” do Hồng Giang dịch chứ đâu phải nguyên tác “Spring Moon” của Bette Bao Lord. Chữ “nó” (nó đã lập tức được dịch ra 15 thứ tiếng ở nước ngoài) cũng khiến cho người đọc hiểu là “cuốn sách đang ở dưới tay bạn đọc”, tức cuốn “Xuân Nguyệt”. Viết văn quả là rất khó! Tôi viết mấy lời trên không phải để chê GS Vượng đâu, chẳng qua là mong ông An Chi, ngoài việc viết về từ ngữ, từ nguyên… thỉnh thoảng cung cấp cho chúng tôi một vài mẹo viết văn sao cho sáng sủa, dễ hiểu, bằng cách nêu một số lỗi thường gặp trên sách báo ngày nay… Xin chúc ông vui khỏe. Cá Vàng (Long Xuyên)

Học giả An Chi: Bạn đã nêu một vấn đề tế nhị và rất thú vị. Nó liên quan đến khái niệm “thành phần hồi chỉ” mà tiếng Anh là “anaphor” còn tiếng Pháp là “anaphore”. (Xin phân biệt với khái niệm “anaphora/anaphore” của Công giáo). Thành phần hồi chỉ dùng để nhắc lại cái tiền sở chỉ (antecedent [Anh]; antécédent [Pháp]); còn tiền sở chỉ là ngữ đoạn dùng để chỉ vật/khái niệm được nói đến trước khi thành phần hồi chỉ xuất hiện trong câu/đoạn văn. Trong đoạn văn của GS Trần Quốc Vượng mà bạn đã dẫn thì ta có “đại từ hồi chỉ” (anaphoric pronoun; pronom anaphorique), là “nó”, mà chính bạn đã nêu.

Nhưng xin chú ý rằng, thành phần hồi chỉ không nhất thiết phải là đại từ. Thí dụ:

Anh Mít có nuôi một con chó rất dữ để giữ nhà. Con vật này đã làm cho không ít người bạn của anh ta ngại đến chơi.

Trong thí dụ trên, thành phần hồi chỉ là “con vật này”. Đây là một danh ngữ mà trung tâm là danh từ đơn vị “con” (trước đây thường gọi là loại từ). “Con vật này” hồi chỉ (nói nôm na là “nhắc lại”) “một con chó rất dữ”.

Thằng bạn của tôi vừa mới sắm một chiếc điện thoại di động Nokia Lumia 630. Nó rất cưng con dế thông minh của mình.

Ở thí dụ trên, “nó” hồi chỉ “thằng bạn của tôi”, “mình” thì hồi chỉ “nó” còn danh ngữ “con dế thông minh của mình” thì hồi chỉ “một chiếc điện thoại di động Nokia Lumia 630”. Nhân tiện, xin nói rằng, ở đây, “dế” là một ẩn dụ mà khẩu ngữ dùng để chỉ điện thoại di động còn tại sao những chiếc mô-bai này lại được gọi là “dế” - như một số người có thể thắc mắc - thì câu trả lời cũng rất đơn giản: Khi mà người dùng chưa được cung cấp đủ thứ nhạc chuông trên đời như hiện nay thì, vào cái thuở ban đầu, ít nhất là ở Việt Nam, chuông của điện thoại di động chỉ reo “réc réc” như tiếng dế gáy mà thôi! Ngay trong đoạn phân tích này, ta cũng có “những chiếc mô-bai này” là thành phần hồi chỉ của tiền sở chỉ “điện thoại di động” (trong ngữ đoạn “khẩu ngữ dùng để chỉ điện thoại di động”).

Trong đoạn văn của GS Trần Quốc Vượng thì “nó” là thành phần hồi chỉ liên quan đến tiền sở chỉ “cuốn sách đang ở dưới tay bạn đọc” mà “cuốn sách đang ở dưới tay bạn đọc” hiển nhiên chỉ là quyển “Xuân Nguyệt” do Hồng Giang dịch từ nguyên tác tiếng Anh “Spring Moon” của Bette Bao Lord. Vậy, cứ theo mạch văn chặt chẻ của GS Vượng thì “đã lập tức được dịch ra 15 thứ tiếng ở nước ngoài” hiển nhiên là “nó” mà “nó” thì hiển nhiên là “cuốn sách đang ở dưới tay bạn đọc” còn “cuốn sách đang ở dưới tay bạn đọc” hiển nhiên là quyển “Xuân Nguyệt” mà người dịch là Hồng Giang, hoàn toàn đúng như bạn Cá Vàng đã nhận xét.

Kết luận là: Theo “Mấy lời của người đọc” (Trần Quốc Vượng) thì dịch phẩm “Xuân Nguyệt” của Hồng Giang chẳng những là cuốn sách bán chạy nhất (best seller) ở Mỹ năm 1981 mà còn lập tức được dịch ra 15 thứ tiếng ở nước ngoài nữa! Kể ra thì cũng rắc rối. Chẳng thế mà ta cần có tí ti lý thuyết về mối quan hệ giữa thành phần hồi chỉ với tiền sở chỉ.

A.C