Những nhà máy bị ‘phong tỏa gián tiếp’ ở Bình Xuyên
Từ xóm An Lão của xã Sơn Lôi đi bộ về phía bên kia sông Phan, qua một quãng đồng mất chỉ hơn 10 phút là đến nhà máy Kohsei Multipack Việt Nam. Công ty 100% vốn Nhật và Hàn Quốc này nằm trong khu công nghiệp Bình Xuyên - niềm tự hào của tỉnh Vĩnh Phúc. Con đường hai tuần qua hiếm thấy bóng người.
Những xóm làng của Sơn Lôi, hay của cả huyện Bình Xuyên khác với phần lớn những ngôi làng Bắc Bộ hạ lưu sông Hồng. Chỉ còn khoảng 5% lao động của huyện làm việc trong khu vực nông nghiệp. Và họ cũng không cần di cư đến các xóm trọ ở thành phố để tìm việc làm trong nhà máy, như lẽ thường. Bình Xuyên vốn đã là trái tim công nghiệp của tỉnh Vĩnh Phúc.
Khẩu hiệu phòng chống dịch trước cổng một công ty ở thị trấn Hương Canh, huyện Bình Xuyên. Ảnh: Ngọc Thành. |
Một người Việt Nam có thể đã xây nhà, lát gạch, và khả năng cao đang đi chiếc xe máy được làm ra một phần bởi các công nhân đến từ Sơn Lôi. 70% lao động của xã làm việc ở các nhà máy trong vùng. Trong đó ngoài những thương hiệu gạch và xe máy nổi tiếng, còn có những nhà thầu phụ tùng của cả các hãng xe hàng đầu của Nhật Bản.
Một phần ba lao động của công ty Kohsei Multipack Việt Nam là dân Sơn Lôi. Trước ngày có lệnh phong toả, công ty Kohsei hoạt động bình thường, kể cả với những công nhân cư trú trong xã Sơn Lôi. Lãnh đạo công ty cho rằng nếu cho nghỉ không lý do sẽ gây tâm lý hoang mang không cần thiết cho người lao động.
Nhưng trong cùng ngày xã Sơn Lôi bị cách ly, một cuộc "phong tỏa gián tiếp" lập tức diễn ra ở nhiều dây chuyền sản xuất tại Bình Xuyên. "Lịch sử công ty chưa bao giờ có nhiều công nhân nghỉ đồng loạt như lần này", bà Trần Thị Thanh, Chủ tịch công đoàn chia sẻ.
Lãnh đạo công ty họp bàn cách đối mặt với hai thách thức: hoạt động sản xuất và tâm lý người lao động. Sản xuất được duy trì, khi những công nhân còn lại của nhà máy đáp ứng lời kêu gọi tăng ca để bù vào lực lượng thiếu hụt. Nhưng tâm lý là đề bài khó. Trong số lao động nghỉ cách ly, không ít cặp vợ chồng là lao động chính của gia đình. Những người Sơn Lôi đều biết phải chấp hành lệnh cách ly, nhưng điện thoại bà Thanh vẫn nhận nhiều tin nhắn: "Chị ơi, em không muốn nghỉ, nghỉ làm em biết lấy tiền đâu để sống".
Kohsei đang cân nhắc hai phương án hỗ trợ người lao động ở Sơn Lôi: Hoặc chi trả bằng mức lương tối thiểu vùng (3.920.000 đồng/tháng với địa bàn huyện Bình Xuyên), hoặc 70% trung bình thu nhập ba tháng gần nhất. Dù phương án nào, cộng thêm việc không trả được đơn hàng đúng tiến độ, thiệt hại tài chính là rất lớn. Nhưng công ty không có ý định tuyển lao động thời vụ. Tổng giám đốc Fumiteru Kanno nhắn tin cho từng người để động viên, và khẳng định sẽ chờ công nhân quay trở lại.
Máy móc của Công ty Kumnam Print bọc nylon, ngừng hoạt động khi công nhân của 3 trong số 6 chuyền sản xuất là người Sơn Lôi phải nghỉ cách ly. Ảnh: Ngọc Thành. |
Từ đầu xóm Ngọc Bảo, Sơn Lôi đi bộ về hướng Tây 17 phút là công ty Kumnam Print, chuyên gia công hàng may mặc. Công ty vốn Hàn Quốc này đã đóng 3 dây chuyền sản xuất. 40 nam nữ trong tổng số 100 công nhân nhà máy là người xã Sơn Lôi. Máy móc bọc nylon nằm im lìm. Trong nhà xưởng trên 4.000 m2, hơn sáu chục nhân sự còn lại cặm cụi may, cắt, không ai nói với nhau câu nào khi trên mặt có thêm chiếc khẩu trang.
Nhân công giảm gần một nửa, đơn hàng cũng chỉ còn khoảng 50%. Các đối tác Hàn Quốc lẫn Hong Kong đang lao đao vì dịch bệnh. Bằng giờ mọi năm, các đoàn kiểm định của đối tác đã gửi email, thông báo lịch sang Việt Nam kiểm tra các tiêu chuẩn về nước thải, môi trường... thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, "nhưng giờ họ cũng im ắng".
Tìm người thay thế công nhân nghỉ cách ly, doanh nghiệp còn phải lo cho người đang sản xuất. Gần một tuần nay, bà Lê Thị Hồng Hạnh, trưởng phòng hành chính gọi điện khắp nơi từ Hội doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc đến công ty sản xuất tìm mua khẩu trang nhưng không có. Bí quá, bà bỏ một buổi chiều phóng xe máy đi khắp 20 hiệu thuốc ở Phúc Yên nhưng cũng không gom nổi một hộp. Công ty cần 3.000 khẩu trang, đến nay mới gom được 1.000 chiếc và đã dùng sắp hết.
40 công nhân nghỉ cách ly vẫn được hưởng lương cơ bản 3,92 triệu đồng. Nếu dịch bệnh kéo dài vài tháng thì doanh nghiệp không còn lương trả, nhưng sẽ sử dụng quỹ dự phòng để duy trì.
Nhà máy chỉ còn lác đác công nhân làm việc. Ảnh: Ngọc Thành. |
Trong suốt hơn một thập kỷ qua, Vĩnh Phúc được coi là điểm sáng trong thu hút đầu tư vào công nghiệp. Giá trị sản xuất tại các khu công nghiệp ở Bình Xuyên chiếm đến hơn một nửa tổng sản phẩm của cả tỉnh. Các nhà đầu tư đến và nhận nhiều ưu đãi theo luật, đưa ra các cam kết chính thức hoặc phi chính thức về việc sử dụng nhân lực địa phương. Số phận của cộng đồng và các nhà máy gắn chặt, và nhiều chủ đầu tư đang chia sẻ trực tiếp những gì người Sơn Lôi đang trải qua.
Một nhà máy sản xuất phụ tùng ôtô ở Bình Xuyên những ngày này cũng có thể bị hoãn đơn hàng vì đối tác lo ngại "nằm trong vùng dịch". Hai ngày sau lệnh "cách ly Sơn Lôi", sáu nhân viên của một công ty nằm trong khu công nghiệp lần lượt bị chính quyền xã nơi cư trú tới tận nhà yêu cầu "không được đến Bình Xuyên làm việc", đồng thời dán biển báo "khu vực cách ly" ngay trước cửa phòng trọ. Điện thoại của quản lý công ty đầy tin nhắn "cầu cứu" từ công nhân.
Một doanh nghiệp khác nằm trong Khu công nghiệp Bình Xuyên, chuyên sản xuất đồ điện tử cho đối tác Hàn Quốc đã phải thuê 20 lao động thời vụ để lấp chỗ trống, sau khi gần một trăm công nhân trong và ngoài Sơn Lôi nghỉ cách ly. Yêu cầu tuyển dụng doanh nghiệp này đặt ra: "không phải là người Vĩnh Phúc", bởi không thể kiểm soát hay điều tra được lịch sử đi lại của công nhân.
Với mức thu nhập trung bình 7,5-8 triệu đồng mỗi tháng như tại nhà máy Kohsei, khi hai vợ chồng cùng nghỉ, thiệt hại thu nhập trong 20 ngày có thể tương đương với tiền tích lũy cả năm của một gia đình nông thôn. Về phía các doanh nghiệp, cho đến lúc này ban quản lý các khu công nghiệp của Bình Xuyên "chưa thể tính được thiệt hại kinh tế". Nhưng trên hết, điều các nhà máy mong mỏi nhất, như lời đại diện của Kunnam Print, vẫn là "công nhân của mình không bị làm sao, hết thời hạn cách ly trở lại đi làm".
Theo VNE
-
Hà Nội hỗ trợ vé xe Tết Ất Tỵ 2025 cho 5.000 công nhân lao động
-
Gần 2.400 vé tàu, vé máy bay miễn phí cho người lao động về quê đón Tết Ất Tỵ
-
Công ty CP Chế tạo máy - Vinacomin: Nâng cao tính tự chủ trong khối cơ khí ngành Than
-
Điểm tin xây dựng - bất động sản tuần qua: Yêu cầu kiểm tra các bất động sản có yếu tố thổi giá
-
Tổng Công ty IDICO (IDC): Hụt doanh thu từ cho thuê hạ tầng khu công nghiệp
-
Chiến thắng Bình Giã: Sức mạnh toàn dân làm nên mốc son lịch sử
-
Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam - Những vấn đề lý luận và thực tiễn
-
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo gỡ khó cho doanh nghiệp hóa dầu
-
Kỷ nguyên vươn mình của Việt Nam trong thời đại mới
-
Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng