Những người gom nắng "khơi màu", gọi Tết
Huyện Tư Nghĩa (tỉnh Quảng Ngãi) có diện tích trồng hoa cúc vụ Tết đứng đầu cả khu vực miền Trung. Hoa cúc được trồng ở thị trấn Sông Vệ, xã Nghĩa Hiệp, Nghĩa Mỹ. Trong đó, xã Nghĩa Hiệp là làng hoa lớn nhất với tuổi đời hơn 50 năm.
Năm 2022, làng hoa Nghĩa Hiệp được Cục sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp bằng công nhận nhãn hiệu tập thể "Hoa Nghĩa Hiệp".
Xã Nghĩa Hiệp có hơn 500 hộ trồng cúc. Hộ trồng ít có 400-500 chậu, nhiều hộ trồng đến 1.500 chậu đủ kích cỡ. Trong ảnh là vườn cúc 1.000 chậu của một hộ dân xã Nghĩa Hiệp.
Vụ cúc Tết Giáp Thìn 2024 được xuống giống từ cuối tháng 7 âm lịch. Giống cúc ở Nghĩa Hiệp được mua từ TP Đà Lạt.
Anh Võ Tấn Duy là chủ vườn ươm 500.000 cây cúc giống. Ngoài chủ động nguồn giống cho gia đình, anh Duy còn cung cấp cho người dân trong xã.
Cúc giống mua về được ươm trong cát, nơi râm mát. Sau ươm khoảng 7-10 ngày là cây có thể mang trồng vào chậu. "Cây giống mua lúc còn nhỏ xíu có giá 1.300 đồng, đưa về chăm sóc thêm cho cây lớn hơn rồi bán lại 3.000 đồng một cây", anh Duy chia sẻ.
Người dân Nghĩa Hiệp thường trồng cúc trong chậu có đường kính từ 50cm đến 1m. Chậu 50cm trồng khoảng 22 cây giống, loại chậu 1m trồng 75-80 cây.
Cây giống được trồng vào chậu đất thịt trộn với phân bón. Những chậu vừa trồng được tưới nước, phủ rơm chống nắng từ 3-5 ngày.
Thời gian chăm sóc hoa cúc kéo dài gần 5 tháng. Trong thời gian này, người nông dân phải "ăn ngủ" cùng hoa cúc mới mong có được những chậu hoa đẹp bán Tết.
Trong khoảng 4 tháng, vườn hoa cúc được chiếu sáng vào ban đêm bằng loại đèn có ánh sáng vàng. Việc chiếu sáng để thúc cây phát triển liên tục, thân vươn cao, kiểm soát được thời gian đơm bông. Loại đèn có ánh sáng vàng còn giúp giữ ấm cho cây hoa trong mùa đông.
Làng hoa Nghĩa Hiệp nằm gần sông, hàng năm thường chịu ảnh hưởng của lũ lụt. Hoa cúc ngập nước, bị bùn non bám sẽ chậm phát triển hoặc chết. Do đó, người nông dân phải kê chậu hoa lên cao.
Năm ngoái giá cúc khá cao, toàn bộ cúc ở Nghĩa Hiệp được thương lái thu mua từ rất sớm. Do đó năm nay, người dân trồng nhiều hơn với hy vọng thị trường sẽ nhộn nhịp.
Năm nay, ông Lê Văn Lê trồng 500 chậu cúc. Theo ông Lê, chi phí cho một chậu hoa đường kính 60cm vào khoảng 100.000-120.000 nghìn đồng. Trong đó, chi phí thuốc phòng trừ sâu bệnh là tốn kém nhất.
"Nếu thị trường hoa Tết thuận lợi, mỗi chậu cúc sẽ cho lợi nhuận 30-40%. Nghề trồng hoa cúc Tết gắn bó với người dân ở đây mấy chục năm rồi. Nhờ nó mà người dân có cái Tết sung túc", ông Lê chia sẻ.
Mỗi năm, nghề trồng hoa mang về cho nông dân Nghĩa Hiệp khoảng 30 tỷ đồng. Nhờ đó đời sống người dân làng hoa khá sung túc.
Theo bà Võ Thị Thịnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Nghĩa Hiệp, ngoài vụ hoa Tết, địa phương đang hướng đến mô hình trồng cúc lấy hoa làm trà. Để việc này đạt kết quả, chính quyền địa phương đã kiến nghị cấp trên hỗ trợ thêm về kỹ thuật, kinh phí đầu tư nhà lưới, hệ thống tưới cho người dân.
Theo Dân trí