Đều đặn các ngày trong tuần, các đội vớt rác của Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TP HCM thay phiên nhau dọn vệ sinh, khai thông cống để tránh ngập trên nhiều tuyến đường của thành phố. "Lịch trực từ 4h30 đến 20h hàng ngày, nhưng vào những ngày mưa gió, chúng tôi phải đi sớm, về trễ hơn để đảm bảo các cống không bị ngập rác" - ông Hoàng Ngọc Toàn, công nhân thuộc đội 5 kể, khi đang làm việc tại ngã tư đường Nguyễn Thái Học - Trần Hưng Đạo (quận 1).
"Tôi nghĩ đây là nghề dơ nhất trong các nghề. Nhưng nghề chọn người. Mẹ tôi cũng làm nghề này, đến đời tôi cũng làm vì nó có đồng lương ổn định (9 triệu đồng)" - ông Ngô Chí Hùng, công nhân vớt rác 24 năm chia sẻ, vừa sửa soạn đồ nghề chuẩn bị chui cống.
Trước khi xuống cống vớt rác, công nhân dùng thiết bị đo nồng độ khí độc trong cống. "Nếu nồng độ khí độc vượt mức cho phép, máy sẽ kêu lên, mình phải mở nắp cống và chờ cho khí bay đi mới được xuống. Nếu không thử mà chui xuống có khi sẽ bỏ mạng vì ngạt khí độc" - ông Hùng cho biết.
Ngoài đồ bảo hộ, bao tay, ông Hùng cùng đồng nghiệp phải đeo đèn vì trong lòng cống tối om. Với những miệng cống rộng và sâu 2,2 m, các công nhân dùng thang sắt để đi xuống, còn với những cống nhỏ hơn, họ phải luồn lách người để chui xuống.
Bên dưới cống, mực nước sâu khoảng 1,2 m, đủ loại rác trôi nổi lềnh bềnh, từ hộp nhựa, túi nilon, chai lọ, xác động vật chết, thậm chí cả gián và chuột. Lẫn trong lớp bùn sình dưới chân là mảnh chai, kim tiêm, dao, kéo... "Việc bị đứt tay đứt chân là chuyện như cơm bữa với chúng tôi" - ông Hùng chia sẻ.
Dầm mình trong nước cống hôi thối, nhóm công nhân dùng rổ để vớt các loại rác. Họ cho biết, theo định kỳ một tháng phải vớt rác một lần, nhưng vào mùa mưa phải vớt liên tục để đảm bảo cống luôn thông thoáng, không gây ngập đường. "Ngại nhất là lúc vừa mưa xong, chui xuống cống ngập ngụa rác nhưng đành bặm môi bịt mũi làm cho xong công việc" - một công nhân nói.
"Ớn nhất là mỗi lần đụng phải kim tiêm không có nắp. Buốt tận óc nhưng cố phải làm. Có bữa, chúng tôi còn vớt được cả bao kim tiêm do người ta vứt dưới cống" - ông Thưởng nói. Tuy nhiên, ông cho rằng, ám ảnh nhất của công nhân móc cống là khi nạo vét cống ở những khu vực buôn bán sản xuất hóa chất, như ở khu vực chợ Kim Biên (quận 5). "Đứng ở cống trong khu này ớn lắm, nước hóa chất dưới cống ngấm vô da ngứa không chịu nổi, da dẻ phồng rộp" - ông cho biết.
Lùa tay vớt rác chưa đầy 2 phút, ông Thưởng đã gom đầy thùng nhựa với đủ loại phế thải.
"Mỗi cống có khi chúng tôi vớt được 5-6 xe rác, mỗi xe chứa gần 3 tấn rác. Bởi vậy, tôi chỉ mong người dân đừng xả rác xuống cống nữa, công việc của chúng tôi sẽ bớt vất vả hơn" - ông Thưởng tâm sự
Mỗi lần rác chất đầy thùng, ông Thưởng dùng tín hiệu báo với đồng nghiệp ở trên kéo lên.
Cứ sau khoảng một giờ làm việc, những công nhân vớt rác thay phiên nhau lên bờ nghỉ ngơi lấy sức. Tuy nhiên, vào những ngày triều cường lên xuống thất thường, họ phải làm liên tục để kịp hoàn thành công việc.
Trước khi nghỉ ngơi, ăn trưa để lấy sức, những công nhân cùng tắm giặt trên góc đường. "Ngày nào cũng vậy, các anh em phải mang theo hai bộ đồ để mặc. Nghề này nếu không tắm giặt và thay đồ thì ngứa không chịu nổi" - ông Thưởng chia sẻ.
Mới đây, tại chương trình Lắng nghe và trao đổi về Vấn đề ngập nước tại TP HCM: nguyên nhân và giải pháp, Chủ tịch HĐND TP HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm đã thay mặt chính quyền xin lỗi các công nhân vớt rác. Bà Tâm cũng đề nghị lãnh đạo thành phố xem xét giải quyết ngay những phản ánh của cử tri về tình trạng ngập nước tại đường Huỳnh Tấn Phát, Chiến Lược, Cây Trâm, Lê Đức Thọ…; đồng thời tính toán lại thời gian thu gom rác và đẩy nhanh việc nạo vét, khơi thông dòng chảy.