Những dòng sông "chết" giữa lòng Hà Nội
Nước sông Tô Lịch đen ngòm, mùi hôi thối bốc lên hàng ngày hàng giờ gây khó chịu cho người dân sống gần. |
"Ngộp thở" khi đứng gần
Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ... đều là các con sông chảy qua các khu vực có mật độ dân cư rất cao đồng thời làm nhiệm vụ thoát nước thải cho các khu dân cư, khu đô thị, khu chung cư...
Mặc dù TP Hà Nội đã triển khai việc xử lý nước thải trước khi cho chảy ra các dòng sông nhưng theo quan sát của chúng tôi, nước thải từ các cống chảy ra sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu vẫn đen ngòm, bốc mùi hôi thối.
Chỉ đứng quan sát, chụp ảnh ghi lại hiện trạng một vài điểm nước thải chảy vào hai con sông này đã khiến chúng tôi cảm thấy ngột ngạt, khó thở.
Những dòng sông bị ô nhiễm không chỉ làm mất cảnh quan môi trường, mà còn gây ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân nơi các con sông chảy qua.
Bà Lại Thị Út (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, bà đã mở hàng kinh doanh tại đường Láng hơn chục năm nay, ngày nào bà cũng phải đeo khẩu trang để bán hàng, nếu một ngày không đeo là ngày hôm sau phải dùng thuốc xịt mũi bởi mùi hôi thối bốc lên từ sông Tô Lịch quá khó chịu.
Còn chị Vũ Thị Đào (Hai Bà Trưng, Hà Nội) đang sinh sống gần sông Kim Ngưu cho biết, những ngày nắng nóng, mùi từ dòng sông bốc nên nồng nặc, người dân quanh khu vực phải “cửa đóng then cài” để trốn tránh mùi hôi khó chịu. Chị Đào mong rằng người dân có ý thức hơn trong việc vứt rác và cũng đề nghị chính quyền cần mạnh tay xử lý những hành vi vứt rác, vứt chất thải xuống dòng sông.
Hoa quả thối rữa, rác thải sinh hoạt vứt ngổn ngang từ trên bờ kè xuống tới nước sông Kim Ngưu làm cho nước sông ngày càng ô nhiễm. |
Sống ở phố Hà Kế Tấn, cạnh sông Lừ nhiều năm, bà Nguyễn Thị Lý năm nay đã hơn 70 tuổi bức xúc, ngày xưa những năm cuối thập niên 90 nước sông trong mát vô cùng, người đi chợ buổi sáng còn xuống sông rửa rau, ngày hè nóng nực người lớn trẻ con vẫn xuống sông tắm mát. Vậy mà có mấy chục năm trôi qua, nước sông đen ngòm, tôm cá chết hết. Những ngày nóng nực thì mùi hôi thối bốc nên không thể chịu được, nhiều người phải chuyển nhà đi nơi khác.
Bà Lý cũng cho biết, hiện đã có một số người dân có ý thức bảo vệ dòng sông, không đổ thải, vứt rác xuống sông. Nhưng vẫn còn rất nhiều người ý thức kém, mang rác ra bờ sông để hay tệ hơn là thẳng tay ném xuống.
"Nhiều khi nhìn thấy người khác vứt rác tôi có ý kiến, có người còn nhặt rác lên đem đi nơi khác nhưng có những người “đanh đá” thì còn lớn tiếng cãi chửi lại, thậm chí đe dọa vì cho rằng đó không phải việc của tôi. Sống ở tuổi gần đất xa trời, tôi chỉ mong trước khi chết được nhìn thấy dòng sông phục hồi, chưa dám ước được như xưa, chỉ mong dòng sông sạch sẽ, nước sông không còn đen ngòm, hôi thối, mong rằng tôm cá sẽ được hồi sinh cùng dòng sông” - bà Lý chia sẻ.
Nhóm bạn trẻ tham gia dọn rác, nhặt túi nilông tại khu vực sông Tô Lịch nhưng vẫn không ăn thua. |
Sông "chết" mặc sông?
Có thể thấy một trong những nguyên nhân chính "bức tử" các dòng sông ở Hà Nội đó là rác thải sinh hoạt bị vứt bừa bãi, vứt trực tiếp xuống các lòng sông. Do ý thức của một bộ phận người dân không cao chỉ muốn “sạch nhà mình, kệ nhà thiên hạ” nên hai bên vỉa hè phía bờ kè các con sông trở thành nơi đổ rác thải của rất nhiều người. Từ những đồ dùng sinh hoạt bị hỏng, những bao nilon, vỏ chai lọ, rác thải sinh hoạt, phế phẩm thức ăn phế thải xây dựng bị vứt ngổn ngang, chất chồng dọc các con sông.
Khi trời mưa, gió to những rác thải này bị bay xuống sông, phân hủy làm cho nước sông ngày càng bẩn, các chất thải rắn tích tụ làm lòng sông bị tắc nghẽn. Hệ quả là khi trời nắng, oi bức thì không khí quang dòng sông trở nên ngột ngạt, khó thở, còn khi trời mưa to thì Hà Nội lại chìm trong biển nước do lòng sông bị tắc nghẽn, không thể làm tốt nhiệm vụ điều tiết dòng chảy.
Được biết việc phục hồi lại chất lượng nước, môi trường và cảnh quan sông Tô Lịch, Kim Ngưu và một số sông nội đô khác như sông Lừ, sông Sét đã được Thành ủy Hà Nội đưa vào Chương trình số 05-CTr/TU là một trong những nhiệm vụ của Chương trình số 05-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội khóa XVII nhiệm kỳ 2020-2025 về xử lý vấn đề môi trường được UBND TP phê duyệt từ tháng 12/2021.
Năm 2022 Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cũng đã xây dựng Đề án “Phục hồi chất lượng môi trường và phát triển hệ thống 4 sông nội đô Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét” và đang được triển khai. Tuy nhiên, hiệu quả của Đề án không được như mong đợi.
Sông Tô Lịch được đầu tư kè hai bên với hàng cây, thảm cỏ xanh mướt nhưng lại là nơi những người thiếu ý thức đem rác thải sinh hoạt ra đổ và đốt gây ảnh hưởng môi trường cảnh quan, thảm cỏ ven sông. |
Cùng với các dự án thoát nước của thành phố, sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Kim Ngưu đã được kè hai bên bờ và thường xuyên cải tạo, nạo vét. Cảnh quan hai bên đường nơi các con sông chảy qua đều rất đẹp với các hàng cây xanh nở hoa rực rỡ bốn mùa. Nhiều đoạn bố trí vỉa hè rất rộng hay dọc theo sông Tô Lịch (đoạn đường Láng) còn làm hẳn một con đường nhựa chỉ dành riêng cho người đi bộ. Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi phía dưới các dòng sông rác thải tràn lan, nước sông đen ngòm, bốc mùi hôi khó chịu làm cho không một ai muốn đến gần chứ chưa nói đền chuyện đi dạo ngắm cảnh quanh các con sông.
Có thể thấy các cấp chính quyền đã triển khai nhiều giải pháp để hồi sinh các con sông nội đô, nhưng đến nay, hiệu quả mang lại vẫn còn hạn chế. Nước trong các con sông nội đô vẫn bốc mùi gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Về mặt môi trường, những con “sông đen” là điểm gây ô nhiễm nặng nề, ảnh hưởng lớn đến mỹ quan cũng như thu hút khách du lịch.
Hà Nội vẫn đang phấn đấu trở thành một thành phố một thành phố xanh – sạch – đẹp nhưng với hiện trạng các dòng sông và với ý thức bảo vệ môi trường chưa tốt của nhiều người thì để đạt được mục tiêu này- quả thực còn rất gian nan.
Hiện nay, ở Hà Nội nói riêng và các khu đô thị trên nước ta nói chung hầu hết nước thải sinh hoạt đều chưa được xử lý mà đổ thẳng ra các sông hồ trong đô thị. Tổng lượng nước thải hằng ngày của thành phố Hà Nội vào khoảng 320.000m3 trong đó có tới 1/3 là nước thải công nghiệp. Trên thực tế, đã có những con sông ở Hà Nội đã trở thành dòng sông chết do bị ô nhiễm quá nghiêm trọng, như sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu… ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sống của những người dân khu vực đó. |
Quang Phú
-
Hội thảo phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại các đảo và khu vực ven biển
-
Quảng Nam: Trong 8 phút xảy ra 3 trận động đất
-
Vì sao mưa lũ ngày càng nghiêm trọng?
-
Quảng Nam đề xuất điều chỉnh, bổ sung Quy trình vận hành liên hồ chứa lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn
-
Kinh nghiệm phòng chống lũ ống, lũ quét