Những chàng trai "đi tìm mặt trời"
Kỹ sư Nguyễn Lê Thuận bên móng trụ được hoàn thành đầu tiên của dự án Nhà máy ĐMT Điện lực miền Trung |
Kỹ sư quản lý dự án là một phần rất khác của ngành xây dựng, trông họ như "bảnh bao" hơn, tươm tất, nhàn nhã hơn so với phần còn lại trên công trường. Có đi sâu tìm hiểu, cùng với họ đi qua những cung đường đồng sâu, núi thẳm mới hiểu rằng thực tế không phải như vậy. Họ cũng phải chịu rất nhiều sức ép và áp lực trong công việc mà họ phụ trách. Nhiệm vụ của kỹ sư quản lý dự án là quản lý tiến độ, quản lý chất lượng, quản lý an toàn lao động, quản lý tài chính, quản lý rủi ro, bảo vệ môi trường và quản lý thông tin. Không chỉ vậy, trên công trường dự án Nhà máy ĐMT Điện lực miền Trung, cán bộ, kỹ sư quản lý dự án của CPCCREB còn là những "nhà thương thuyết", là sứ giả tình yêu, những chàng trai "đi tìm mặt trời" tạo dòng điện sáng.
Cà phê sáng
Mới 6 giờ sáng mà trời Cam An Bắc (huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hoà) đã rực hồng ở phía đằng đông, báo hiệu cho một ngày nắng nóng vốn là được xem là "thương hiệu" của vùng đất này. Ẩn trong dáng vẻ thư sinh có phần mềm mỏng nhưng rất điềm tĩnh và khiêm nhường, kỹ sư Nguyễn Lê Thuận đã gọn gàng trong bộ quần áo bảo hộ, hồ sơ bút mực và dụng cụ phụ trợ kiểm tra như thước dây, máy bắn bê tông, máy đo độ dày lớp mạ, cùng chiếc xe máy công trình bám đầy bụi đỏ sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ.
Nán lại bên ly cà phê sáng cùng tôi, Thuận tâm sự: “Mỗi dự án ra đời cũng như cuộc hôn nhân và kết quả là những đưa con. Dự án hình thành là do cái duyên và xuất phát từ nhu cầu điện cho cuộc sống, nó cũng trải qua những nốt thăng, trầm nhất định. Nếu mọi thứ đều suôn sẻ thì bản nhạc sẽ rất đơn điệu. Tuy nhiên thăng trầm thế nào vẫn phải tuân theo quy luật nào đó trong hòa âm phối khí, mới tạo nên những giai điệu đẹp. Mỗi dự án đều có quá trình khảo sát đánh giá, lập báo cáo nghiên cứu khả thi, đánh giá tác động môi trường, rồi ký kết đầu tư, đấu thầu, triển khai thi công và hoàn thành đưa vào sử dụng. Cán bộ quản lý dự án được coi như những y bác sĩ, chăm sóc, phòng bệnh, chữa bệnh trong suốt quá trình đó với mục tiêu để làm sao dự án như đứa con được sinh ra khỏe mạnh nhất, an toàn nhất và chất lượng tốt nhất”.
Dự án Nhà máy ĐMT Điện lực miền Trung với công suất 50MW sẽ là "đứa con đầu lòng" và tiên phong trong khai thác, sử dụng năng lượng sạch của ngành điện miền Trung. Dự án được quan tâm đầu tư đúng mức và kỳ vọng sẽ cho ra đời những kWh điện sạch, bổ sung nguồn điện quý báu cho hệ thống điện quốc gia. Dự án được xây dựng trên vùng đất rộng 70 hecta, chủ yếu là đất đồi trung du khô cằn năng suất cây trồng thấp. Chính vì vậy nên bà con trong vùng chỉ trồng được cây sắn, tràm, cây điều và chăn thả gia súc. Trong vùng dự án là nơi sinh sống của dân di cư vùng kinh tế mới sau năm 1975 và xen kẽ đồng bào dân tộc Raglai, do điều kiện thời tiết khắc nghiệt nên đời sống còn nhiều khó khăn. Hy vọng rằng, sau khi được cấp điện ổn định từ nhà máy, sẽ giúp cho người dân trong vùng mở mang sản suất và tưới tiêu cải thiện năng suất cây trồng, nâng cao đời sống cho bà con.
Bao giờ cũng vậy, những ngày đầu triển khai dự án là dấu ấn cho những chuỗi khó khăn thật sự đối với cán bộ quản lý dự án. Dự án Nhà máy ĐMT Điện lực miền Trung có quy mô lớn, các quy định pháp luật ngày càng khắt khe, do vậy vai trò của kỹ sư quản lý dự án ngày càng trở nên quan trọng và cần thiết. Người làm quản lý dự án phải nắm vững quy định pháp luật, quy chuẩn quy phạm áp dụng, có khả năng tổng hợp tốt, nắm bắt được hết các mặt liên quan để đảm bảo công trình được hoàn thành theo các yêu cầu được đề ra, cũng như có khả điều phối tốt để các bên liên quan phối hợp hiệu quả.
Cũng trên công trình này, kỹ sư Nguyễn Đình Tuấn - lính mới của CPCCREB lần đầu tiên được tham gia quản lý, giám sát một dự án lớn cảm thấy lo lắng nhưng cũng rất đỗi tự hào tâm sự: “Được thực hiện quản lý dự án lớn như Nhà máy ĐMT Điện lực miền Trung đó là niềm vinh dự, là hoài bão cống hiến cho cộng đồng xã hội. Làm nhiệm vụ quản lý dự án phải dựa trên sự tôn trọng pháp luật, đạo đức, lương tâm nghề nghiệp, làm bằng tất cả niềm đam mê, yêu nghề, năng lực sáng tạo của mình, hướng tới lợi ích của cộng đồng, của xã hội. Đây cũng là phẩm chất quan trọng của những kỹ sư quản lý dự án hiệu quả”.
Đo chiều cao cổ trụ tại vị trí 23 đường dây 110kV đấu nới với nhà máy |
"Nắng như rang, gió như phang" ở Cam An Bắc
Cam An Bắc những ngày đầu năm mà đã nắng như đổ lửa, rong ruổi hàng ngày trên những cung đường đất đầy bụi đỏ, nơi các nhà thầu đang tất bật thi công tuyến đường dây 110kV đấu nối từ TBA 110kV Cam Ranh, đến TBA 110kV Nhà máy ĐMT Điện lực miền Trung. Kỹ sư Nguyễn Lê Thuận cho biết: "Chịu nắng, chịu gió miết rồi cũng thành quen anh ạ. Tại mỗi vị trí thi công, anh em phải giám sát chặt chẽ chất lượng, tiến độ, bản vẽ thiết kế. Kiểm tra đo đạc kích thước, chủng loại vật tư thiết bị thực tế từ sắt, cát, sỏi, xi măng và đối chiếu với quy chuẩn để làm báo cáo và cập nhật hình ảnh gửi về đơn vị, những trường hợp không đúng sẽ tạm dừng thi công và báo cáo lãnh đạo có biện pháp xử lý phù hợp. Tuy nhiên khi số lượng công việc ít thì việc kiểm soát sẽ dễ dàng. Song khi số lượng công việc lên đến hàng nghìn và nhiều đối tượng tham gia thì điều này không phải là đơn giản”.
Làm việc theo nhóm và chịu tác động đa chiều của nhiều nhà thầu là đặc thù của nghề này. Mỗi dự án có những thành viên tham dự khác nhau, mục tiêu khác nhau, phạm vi khác nhau… do đó việc quản lý xung đột thường rất khó khăn. Khi xảy ra sự bất đồng giữa các thành viên về một vấn đề trong dự án thì người quản lý dự án cần phải giải quyết ngay. Để quản lý xung đột hiệu quả thì đòi hỏi người quản lý dự án cần phải tìm hiểu nguồn căn của sự bất đồng, thiết lập các cuộc họp để lắng nghe và thảo luận từ các góc nhìn khác nhau với những người trong cuộc để tìm kiếm sự đồng thuận, và có giải pháp cụ thể để cho phép tiến trình của dự án được tiếp tục.
Địa bàn xã Cam An Bắc là nơi đặt đại bản doanh của Nhà máy ĐMT Điện lực miền Trung. Đây là vùng đất thừa nắng, thiếu mưa và ít giông bão. Nơi đây được đánh giá có tiềm năng cao về khai thác năng lượng mặt trời để sản xuất điện năng với cường độ bức xạ mặt trời trung bình đo được 5,34kWh/m2/ngày là khá cao, hướng mặt trời lên xuống không bị đồi núi che khuất các tấm pin, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng thấp, vị trí đấu nối vào hệ thống điện quốc gia rất thuận lợi để triển khai thực hiện dự án. Nhà máy ĐMT Điện lực miền Trung có tổng mức đầu tư hơn 1.300 tỷ đồng. Trên diện tích hơn 70ha, Nhà máy sẽ lắp đặt hơn 190.000 tấm pin quang điện, với sản lượng điện tạo ra hàng năm ước tính đạt 83 GWh/năm, tương đương 83 triệu kWh/năm.
Nói cho dân hiểu, làm cho dân tin, lan tỏa niềm tin và tình thương trong nhân dân là rất quan trọng đối với mỗi cán bộ làm công tác quản lý dự án. Thật vậy, để làm cho dân tin và dân hiểu họ phải nắm vững kiến thức pháp luật để tuyên truyền vận động nhân dân, khi người dân đồng thuận thì việc khó thành dễ. Với mỗi dự án, họ thường là những người “đi trước về sau”, thực hiện “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” và sống gần gũi, gắn bó với người dân địa phương nơi triển khai dự án đã trở thành kỹ năng sống, là phẩm chất của họ. Mỗi dự án đều có vướng mắc nhất định, làm cho người dân hiểu và chia sẻ lợi ích của gia đình với cộng đồng xã hội và ngành điện là việc làm chưa bao giờ dễ dàng. Bởi vậy, với mỗi kỹ sư quản lý dự án luôn được xem là cán bộ tuyên truyền thực thụ, là sứ giả tình yêu kết nối dòng điện đến với những miền đất xa xôi, nơi dự án bắt đầu và tình yêu dòng điện không bao giờ kết thúc.
Ngọc Phúc (EVNCPC)
-
Thủ tướng: Tính toán giá điện khí phù hợp theo thị trường, tình hình cụ thể, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân
-
Sửa đổi Luật Điện lực: Yêu cầu xuất phát từ thực tiễn
-
EVNHANOI đảm bảo điện phục vụ kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV
-
Đóng điện nhánh rẽ đường dây 220kV đấu nối từ trạm biến áp 500kV Chơn Thành
-
EVNSPC thực hiện nhiều hoạt động ý nghĩa trong công tác an sinh xã hội