Những bãi biển đột nhiên được “cải tử hoàn sinh”
Sự trở lại đầy bất ngờ
Bãi cát trắng ở vịnh Ashleam, trên đảo Achill ngoài khơi hạt Mayo, Ireland bị cơn bão cuốn đi vào năm 2005. Tuy nhiên, do thời tiết có diễn biến khác thường thời gian qua đã cuốn cát trở lại đây chỉ sau một đêm và người ta lại có thể đi dạo trên bờ biển tuyệt đẹp này, Long Room ngày 20-11 đưa tin.
Ông Sean Molloy, người quản lý trang du lịch AchillTourism.com cho biết, thời tiết mưa bão gần đây đã quét sạch những tảng đá và đá cuội trên bãi biển Ashleam. Sau đó, cơn bão có tên Brian đã đổ một lượng cát lớn thay thế vào đó.
Ông Molloy nói: “Bãi biển đã xuất hiện trở lại sau bão Brian. Cơn bão mang lượng lớn cát tới và dọn sạch đá cuội trên bãi biển. Lần cuối cùng, bãi biển xuất hiện là vào năm 2005 và nó hiện diện khoảng vài tháng trước khi bị cuốn trôi lần nữa. Tôi không biết lần này bãi biển sẽ ở lại đây trong bao lâu. Có lẽ, mọi người nên tranh thủ tới đây ngắm nhìn trước khi nó lại biến mất”.
Người dân địa phương ai cũng vui mừng khi bãi biển xuất hiện trở lại |
Theo người dân địa phương, truyền thuyết dân gian nơi đây kể rằng, bãi biển này thường xuất hiện 7 năm 1 lần rồi lại biến mất.
Anh Malcolm Cooney, một cựu cư dân đảo Achill vui mừng chia sẻ: “Chúng tôi giờ lại có thể quay lại vịnh Ashleam và đi dạo trên bờ cát. Mỗi lần tôi tới đây, nó lại đổi khác”.
Được biết, vịnh Ashleam chỉ cách Doonagh, một bãi biển nổi tiếng khác cũng thuộc đảo Achill, khoảng 9,6km. Hồi tháng 4 năm nay, bãi biển dài 300m ở làng Doonagh cũng xuất hiện trở lại, sau khi bị cuốn trôi hoàn toàn trong một trận bão cách đây 33 năm. Cơn bão năm 1984 đã cuốn sạch cát đi và chỉ để lại những vũng nước nhỏ trên bãi đá. Điều đặc biệt là bãi biển Doonagh không có ghi nhận nào về sự biến mất thường xuyên như Ashleam.
“Trong trí nhớ của nhiều người, bãi biển Doonagh vẫn tồn tại ở đây cho tới năm 1984-1985. Sau đó, một cơn bão lớn đã phá tan bãi biển và nó hoàn toàn bị cuốn trôi. Đến tháng 4 năm nay, chúng tôi lại đón nhận một cơn bão vào dịp lễ phục sinh cùng đợt thủy triều mạnh. Gió bắt đầu thổi từ phía bắc, vận chuyển vật liệu bị xói mòn từ nơi khác tới và thật tuyệt vời, bãi biển đã xuất hiện trở lại”, ông Molloy cho hay.
Đáng nói, Ashleam không phải là hiện tượng kỳ thú duy nhất trên thế giới. Bãi biển Wadden của Hà Lan cũng là địa điểm du lịch vô cùng thú vị.
Bãi biển “mất tích” 2 lần 1 ngày
Bãi biển Wadden trải dài từ Den Helder ở phía tây bắc của Hà Lan, qua các cửa sông lớn tại Đức, tới ranh giới phía bắc ở Skallingen - nơi thuộc phía bắc Esbjerg Đan Mạch, với tổng chiều dài khoảng 500km, tổng diện tích lên tới 10.000km2.
Đây là một khu vực rộng lớn bao gồm những bãi biển phẳng, đầm lầy... được hình thành từ sự tương giao phức tạp giữa các yếu tố sinh học và vật lý và là nơi cư trú của nhiều loại sinh vật biển và thực vật. Ngoài ra, nơi đây cũng là nơi trú đông và sinh sản của khoảng 12 triệu cá thể chim mỗi năm.
Thông thường, biển Wadden ngập nước, cứ 2 lần trong 1 ngày, khi thủy triều rút xuống, phần thềm bùn rộng lớn trải dài tới 15km lại lộ ra. Đây chính là một trong những đới gian triều (vùng đất ngập nước biển khi thủy triều lên) còn lại ít ỏi trên trái đất.
Chính vùng đới gian triều đặc biệt này trở thành một trong những điểm du lịch được ưa thích của du khách tới Hà Lan. Thú vui của nhiều người khi tới đây là đi chân trần trên lớp bùn tại biển khi nước rút đi. Kiểu “thư giãn” với bùn này được gọi là “Wattwandern” trong tiếng Đức và “Wadlopen” trong tiếng Hà Lan.
Thống kê cho thấy, hằng năm có cả chục nghìn du khách tới Hà Lan để trải nghiệm “Wadlopen”. Song hoạt động này đôi khi cũng gây nguy hiểm, lượng bùn quá nhiều có thể gây mất kiểm soát. Bởi vậy, chính quyền Hà Lan đã cho hướng dẫn cụ thể và cảnh báo du khách chỉ được lội bùn ở những khu vực được phép.
Năm 2009, các phần của biển Wadden thuộc Đức và Hà Lan đã được UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản Thế giới và được mở rộng thêm phần thuộc Đan Mạch vào năm 2014.
Kể từ năm 1978, chính quyền 3 nước Hà Lan, Đan Mạch và Đức chính thức hợp tác với nhau trong vấn đề bảo tồn biển Wadden. Năm 1982, 3 nước đã ra “Tuyên bố chung về bảo hộ biển Wadden” nhằm phối hợp với nhau trong vấn đề này. Năm 1997, 3 nước cùng phê chuẩn “Kế hoạch biển Wadden”. |
Trần Quân
-
Quảng Ninh: Thúc đẩy phát triển kinh tế biển bền vững
-
Bất chấp hạn hán, lợi nhuận của kênh đào Panama tăng mạnh
-
Gỡ "thẻ vàng" IUU: Xóa bỏ toàn bộ tàu “3 không”, xử lý dứt điểm “tàu ma”
-
Cảng biển Việt Nam có 22 tuyến dịch vụ tàu mẹ đi thẳng Hoa Kỳ, châu Âu
-
Khánh Hòa: Xem xét đầu tư tuyến đường ven biển tại Khu Kinh tế Vân Phong