Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 15/3/2023
. Ảnh: AURACTIV |
Châu Âu tính đổi mới thị trường điện để khuyến khích năng lượng tái tạo
Ủy ban châu Âu (EC) ngày 14/3 đã đưa ra đề xuất thay đổi thị trường điện tại Liên minh châu Âu (EU). Theo đó, EU sẽ đại tu thị trường điện theo cách khuyến khích phát triển nhiều điện năng đến từ gió và mặt trời và không khuyến khích sản xuất nhiên liệu hóa thạch nhiều hơn. Theo đó, các nhà cung cấp điện sẽ có nghĩa vụ cung cấp cho khách hàng thuộc EU các phương án hợp đồng khác nhau, bao gồm hợp đồng có giá điện cố định, trong khi tỷ lệ các hợp đồng dài hạn nhằm góp phần ổn định giá điện cũng tăng lên.
Với đề xuất mới, EC kỳ vọng tác động của tình trạng biến động giá đối với người dân và các doanh nghiệp sẽ được ngăn chặn thông qua việc ký kết bắt buộc hợp đồng chênh lệch trong quá trình hỗ trợ công cho đầu tư sản xuất điện từ các nguồn tái tạo. Bước đi này cũng sẽ giúp giảm tác động của giá khí đốt đối với giá điện mà không làm thay đổi nguyên tắc sản xuất ra điện vốn bị một số quốc gia thành viên EU chỉ trích.
Đề xuất của EC không trực tiếp loại trừ khí đốt hay một nguồn tài nguyên hóa thạch khác là than đá khỏi hệ thống định giá điện. Tuy nhiên, EC hy vọng đề xuất sẽ giúp tăng cường hơn nữa vai trò của các nguồn rẻ hơn như năng lượng mặt trời, gió hoặc năng lượng hạt nhân, thông qua các hợp đồng mang tính dài hạn.
Ả Rập Xê-út tuyên bố không bán dầu cho các nước áp giá trần
Ngày 14/3, trả lời Energy Intelligence, Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Xê-út Abdulaziz bin Salman Al Saud bình luận về dự luật chống cartel NOPEC (dự luật Không liên kết các nhà sản xuất và xuất khẩu dầu). Theo đó giả định chính phủ Mỹ có thể đưa ra các tuyên bố chống độc quyền đối với Liên minh gồm các nhà sản xuất thuộc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đối tác (OPEC+).
"Nếu xuất khẩu dầu của Ả Rập Xê-út bị hạn chế, chúng tôi sẽ không bán dầu cho bất kỳ quốc gia nào áp đặt mức trần đối với giá cung cấp của chúng tôi và sẽ giảm sản lượng dầu. Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu các quốc gia khác cũng làm như vậy" - ông nói.
Theo Bộ trưởng, việc thông qua dự luật sẽ dẫn đến mất cân đối cung cầu trên thị trường xăng dầu. Ngoài ra, ông cũng chỉ trích chính sách hạn chế giá dầu vì nó gây ra sự biến động trên thị trường và kìm hãm sự phát triển của ngành. Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Xê-út cũng khẳng định, OPEC+ sẽ theo đuổi thỏa thuận cắt giảm sản lượng đã nhất trí hồi tháng 10 cho đến cuối năm nay.
EU sẽ sớm công bố các bước khởi động kế hoạch mua chung khí đốt
Ủy viên phụ trách năng lượng của Liên minh châu Âu (EU) Kadri Simson ngày 14/3 cho biết Ủy ban châu Âu (EC) sẽ công bố các biện pháp tiếp theo trong ngày 15/3 để khởi động kế hoạch mua chung khí đốt tại các thị trường toàn cầu nhằm đa dạng hóa nguồn cung năng lượng.
Phát biểu tại cuộc họp báo ở Brussels (Bỉ), bà Simson cho biết: “Ngày 15/3, các cơ quan của chúng tôi sẽ công bố các bước tiếp theo về kế hoạch mua chung khí đốt nhằm đa dạng hóa nguồn cung khí đốt. Nga sẽ có ít khả năng thao túng các thị trường của chúng tôi hơn".
Bà Simson còn cho biết thêm EC đang chuẩn bị đề xuất gia hạn thời gian áp dụng mục tiêu để các nước trong khối tự nguyện cắt giảm 15% lượng khí đốt tiêu thụ trong mùa Đông. Mục tiêu này được EU đưa ra hồi năm ngoái nhằm tránh tình trạng thiếu hụt khí đốt và ổn định mức giá của mặt hàng này, vốn đang tăng cao.
Dự án khai thác dầu mỏ tại bang Alaska (Mỹ) đối mặt thách thức pháp lý
Ngày 14/3, 6 nhóm môi trường đã đệ đơn kiện lên tòa án nhằm tìm cách ngăn chặn dự án khoan dầu Willow tại bang Alaska (Mỹ). Cụ thể, các nhóm môi trường đã đệ đơn kiện lên Tòa án khu vực tại bang Alaska với cáo buộc Bộ Nội vụ và các cơ quan liên quan đã vi phạm Đạo luật Chính sách Môi trường Quốc gia (NEPA), Đạo luật về các loài nguy cấp (ESA) và các luật khác khi cấp phép cho dự án.
Một ngày trước đó, Bộ Nội vụ Mỹ đã đồng ý cho tập đoàn năng lượng khổng lồ ConocoPhillips triển khai hoạt động khoan dầu tại 3 địa điểm trong Khu Dự trữ Dầu khí Quốc gia Alaska, nằm trong khuôn khổ dự án Willow. Nhiều nhóm môi trường đã hối thúc Tổng thống Joe Biden bãi bỏ dự án này.
Những nghị sĩ Alaska ủng hộ việc thông qua kế hoạch khai thác dầu, cho rằng đây là cơ hội tạo ra hàng nghìn việc làm và góp phần giúp Mỹ tự chủ về nguồn cung năng lượng, với sản lượng dầu đạt mức cao nhất là 180.000 thùng/ngày, tức khoảng 576 triệu thùng trong 30 năm. Tuy nhiên, theo tính toán của Bộ Nội vụ, dự án Willow sẽ thải 239 triệu tấn khí CO2 ra môi trường trong 30 năm tới, tương đương với lượng khí thải hằng năm của 64 nhà máy nhiệt điện than.
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 13/3/2023 |
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 14/3/2023 |
H.T (t/h)
-
Châu Âu diễn tập đối phó sự kết thúc của thỏa thuận vận chuyển khí đốt giữa Ukraine và Nga
-
Những bất ổn mới cho giá dầu thế giới?
-
Những sự kiện nổi bật trên Thị trường Năng lượng Quốc tế tuần từ 11/11 - 16/11
-
Hoa Kỳ sẽ không thực hiện các hợp đồng LNG trị giá hàng chục tỷ đô la cho châu Âu
-
Đánh giá điểm nổi bật của thị trường dầu mỏ toàn cầu trong tháng 10/2024