Nhịp đập năng lượng ngày 14/12/2023
Ảnh minh họa: Nguyễn Trường Sơn |
Yêu cầu bảo đảm cung cấp điện trong các dịp lễ, Tết sắp tới
Bộ Công Thương vừa có Chỉ thị số 14/CT-BCT về việc bảo đảm cung cấp điện trong các dịp lễ, Tết và các sự kiện chính trị, văn hóa lớn trong năm 2024. Theo đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có trách nhiệm lập phương án vận hành và huy động hợp lý các nguồn điện trong hệ thống điện quốc gia để bảo đảm cung cấp điện an toàn tuyệt đối cho các sự kiện, các dịp nghỉ lễ, Tết trong năm 2024; bảo đảm cung cấp đủ điện cho sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của người dân trong cả năm 2024, không để thiếu điện trong mọi tình huống...
Với các Tổng công ty Điện lực, Công ty Điện lực cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ Công Thương đề nghị phối hợp với Sở Công Thương tại địa phương có biện pháp bảo đảm vận hành an toàn hành lang lưới điện; rà soát, không thực hiện các kế hoạch ngừng, giảm cung cấp điện liên quan đến công tác bảo dưỡng, sửa chữa lưới điện trong các dịp nghỉ Lễ, Tết trong năm 2024.
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam được yêu cầu xây dựng phương án cung cấp nhiên liệu (than, khí, dầu) bảo đảm đầy đủ, liên tục và ổn định cho nhu cầu phát điện các nhà máy điện; chỉ đạo, đôn đốc bảo đảm vận hành tin cậy các nhà máy điện do Tập đoàn quản lý để bảo đảm cung cấp điện toàn hệ thống.
Các đơn vị phát điện tuyệt đối tuân thủ lệnh điều độ của cấp điều độ có quyền điều khiển; thực hiện chế độ trực ca vận hành và báo cáo tình hình vận hành, sự cố của nhà máy điện theo đúng quy định hiện hành; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị cung cấp nhiên liệu (than, khí, dầu) để bảo đảm cung cấp đầy đủ, liên tục và ổn định cho nhu cầu phát điện. Cùng đó, thường xuyên kiểm tra, củng cố các thiết bị của các nhà máy điện bảo đảm nâng cao độ tin cậy vận hành, nâng cao khả năng phát điện.
Địa phương ồ ạt đăng ký dự án điện sạch
Bộ Công Thương vừa có báo cáo Chính phủ về kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII. Báo cáo cho biết nhiều địa phương đề xuất công suất lớn hơn quy hoạch. Thống kê số liệu từ 61 tỉnh, Bộ Công Thương cho biết danh mục nguồn năng lượng tái tạo đề xuất có số lượng dự án và quy mô công suất rất lớn.
Cụ thể, có 779 dự án thủy điện nhỏ với tổng công suất 8.331MW; 651 dự án điện gió trên bờ với tổng công suất 74.609MW; 73 dự án điện sản xuất từ rác với tổng công suất 1.484MW; 74 dự án điện sinh khối với tổng công suất 2.711MW. Dẫn tới, công suất thủy điện nhỏ gấp 2 lần quy hoạch. Công suất điện gió trên bờ gấp 4,2 lần; công suất điện sản xuất từ rác gấp 1,3 lần; công suất điện sinh khối gấp 3,7 lần.
Theo Bộ Công Thương, danh mục đề xuất nguồn năng lượng tái tạo của các địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu của Thông báo số 453/TB-VPCP và Công văn số 7704/BCT-ĐL. Do vậy, Bộ Công Thương cho biết chưa thể xây dựng được danh mục các dự án nguồn điện năng lượng tái tạo như yêu cầu tại Thông báo số 453.
Đồng thời, do thiếu thông tin về hiệu quả đầu tư dự án, giá mua điện cũng như không có cam kết chắc chắn về tình trạng sai phạm, vì vậy Bộ Công Thương một lần nữa khẳng định chưa thể xây dựng được danh mục dự án nguồn điện năng lượng tái tạo trong Quy hoạch điện VIII.
OPEC dự báo nhu cầu dầu mỏ sẽ đạt kỷ lục mới vào năm 2024
Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) ước tính trong báo cáo hàng tháng công bố hôm 13/12 rằng nhu cầu dầu sẽ tăng trưởng “khỏe mạnh” và đạt mức kỷ lục mới vào năm 2024. Năm tới, thế giới sẽ tiêu thụ trung bình 104,36 triệu thùng dầu mỗi ngày, so với mức 102,11 vào năm 2023.
OPEC cho biết: “Nhu cầu dầu toàn cầu dự kiến sẽ tăng trưởng lành mạnh ở mức 2,2 triệu thùng mỗi ngày, nhiều như ước tính trước đây”. OPEC giải thích: “Sự gia tăng nhu cầu được hỗ trợ bởi sự tăng trưởng bền vững của GDP toàn cầu” trong bối cảnh tình hình kinh tế tốt hơn ở Trung Quốc.
Trong năm 2024, nhu cầu ở các nước OECD dự kiến sẽ không vượt quá năm 2019 và chỉ tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái lên 46,1 triệu thùng/ngày, trong khi nhu cầu từ các nước không thuộc OECD dự kiến sẽ tăng trung bình từ 2 triệu thùng lên 58,3 triệu thùng/ngày.
Mức đầu tư vào dầu khí Na Uy sẽ tăng vọt trong năm 2024
Ngành năng lượng ngoài khơi Na Uy đã công bố dự báo mới dựa trên cuộc khảo sát của các thành viên. Thông tin cho biết, các công ty dầu khí hoạt động tại Na Uy dự kiến sẽ đầu tư 240 tỷ Krone Na Uy (21,85 tỷ USD) vào năm 2024, tăng từ 220,5 tỷ vào năm 2023 và nhiều hơn dự kiến trước đó (là 194,3 tỷ Krone).
Trong những năm sau 2024, mức đầu tư sẽ giảm dần và đạt 166,5 tỷ USD vào năm 2028, khi các dự án lớn hoàn thành. Các công ty dầu khí chính ở Na Uy là Equinor, Aker BP, Vaar, Conocophillips và Shell.
Na Uy là nhà sản xuất dầu và khí đốt lớn nhất Tây Âu, với tổng sản lượng hơn 4 triệu thùng dầu tương đương mỗi ngày. Mặc dù quốc gia này đã đặt mục tiêu giảm lượng phát thải khí nhà kính xuống mức 0 vào năm 2050 nhưng nước này vẫn tiếp tục thăm dò và phát triển các mỏ dầu mới, đặc biệt là ở vùng Biển Barents thuộc Bắc Cực.
CIP bắt đầu xây dựng hệ thống pin lưu trữ năng lượng lớn nhất châu Âu
Tập đoàn Copenhagen Infrastructure Partners (CIP - Đan Mạch), đơn vị đang triển khai các dự án năng lượng tái tạo như dự án điện gió La Gàn nằm ngoài khơi tỉnh Bình Thuận (Việt Nam), vừa bắt tay vào xây dựng hệ thống pin lưu trữ năng lượng lớn nhất châu Âu.
Cụ thể, tháng 12/2023, CIP quyết định đầu tư cuối cùng (FID) và bắt đầu xây dựng hệ thống pin lưu trữ năng lượng (BESS) 500MW/1GWh tại Coalburn, Scotland. Đây là dự án đầu tiên do CIP và nhà phát triển pin lưu trữ năng lượng Alcemi hợp tác, nhằm phát triển hệ thống lưu trữ năng lượng với tổng công suất 4GW trên khắp Vương quốc Anh.
Đây cũng là dự án BESS lớn nhất ở châu Âu tính đến thời điểm hiện tại. Được biết, những kinh nghiệm từ việc triển khai dự án này cũng sẽ được đúc rút để có thể áp dụng vào các dự án khác của CIP, trong đó có các dự án tại Việt Nam.
Nhịp đập năng lượng ngày 12/12/2023 |
Nhịp đập năng lượng ngày 13/12/2023 |
H.T (t/h)
-
Giá dầu hôm nay (13/11): Dầu thô tăng nhẹ
-
OPEC tiếp tục hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu
-
Giới lãnh đạo ngành dầu mỏ thế giới coi xung đột ở Trung Đông là mối đe dọa lớn nhất
-
Nhiệm kỳ TT Mỹ thứ hai của ông Trump và tác động đến thị trường khí đốt Châu Âu
-
Bản tin Năng lượng Quốc tế 13/11: Giá dầu thế giới giảm nhẹ đầu phiên