Nhiều ngân hàng đặt mục tiêu vượt mốc 70.000 tỷ đồng vốn điều lệ
Cụ thể, ĐHĐCĐ thường niên Techcombank đã thông qua kế hoạch tăng gấp đôi vốn điều lệ từ 35.225 tỷ đồng lên 70.450 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu mới từ nguồn vốn chủ sở hữu. Như vậy, tỷ lệ cổ phiếu thưởng Techcombank lên tới 100%, là mức chia cao nhất được ghi nhận của ngành ngân hàng trong năm nay. Bên cạnh đó, sau 10 năm giữ lại lợi nhuận để tái đầu tư, Techcombank cũng chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 15%.
Vietcombank dự kiến tăng vốn điều lệ lên 102.558 tỷ đồng/Ảnh minh họa. |
Nhóm ngân hàng quốc doanh cũng tiếp tục trình cổ đông kế hoạch giữ lại lợi nhuận để tăng vốn điều lệ. Vietcombank cũng có kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu. Lợi nhuận còn lại sau khi trích các quỹ của Vietcombank năm 2023 là 24.987 tỷ đồng. Ngân hàng dự kiến dùng toàn bộ để chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.
Tháng 2/2024, HĐQT Vietcombank cũng đã phê duyệt phương án phân phối lợi nhuận năm 2023 theo nguyên tắc phê duyệt. của NHNN, sẽ dùng 21.680 tỷ đồng lợi nhuận còn lại để chia cổ tức bằng cổ phiếu. Trước đó, nhà băng này cũng đã dùng nguồn lợi nhuận còn lại năm 2019-2020 để chia cổ tức bằng cổ phiếu.
Hiện vốn điều lệ Vietcombank ở mức 55.891 tỷ đồng. Nếu thực hiện thành công các kế hoạch tăng vốn kể trên, vốn điều lệ Vietcombank sẽ tăng lên 102.558 tỷ đồng, trở thành ngân hàng có vốn điều lệ cao nhất Việt Nam. Hiện nay Vietcombank là ngân hàng có vốn chủ sở hữu cao nhất (hơn 173 nghìn tỷ đồng), vốn hoá lớn nhất thị trường chứng khoán (510.000 tỷ đồng).
Tương tự, VietinBank, ĐHĐCĐ năm 2024 đã thông qua phương án giữ lại 13.927 tỷ đồng lợi nhuận còn lại năm 2023 để chia cổ tức bằng cổ phiếu. Trước đó, ĐHĐCĐ năm 2023 Vietinbank cũng thông qua việc dùng toàn bộ lợi nhuận còn lại năm 2022 (11.521 tỷ đồng) để chia cổ tức bằng cổ phiếu, tuy nhiên đến nay kế hoạch này chưa được triển khai. Hiện vốn điều lệ của VietinBank ở mức 53.700 tỷ đồng. Như vậy, nếu được giữ lại lợi nhuận năm 2022-2023 để chia cổ tức bằng cổ phiếu, vốn điều lệ của ngân hàng sẽ tăng lên 79.148 tỷ đồng.
ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 của BIDV cũng thông qua kế hoạch tăng vốn "khủng". Ngân hàng cho biết vốn điều lệ hiện tại là 57.004 tỷ đồng và dự kiến tăng lên 70.624 tỷ đồng.
Cụ thể, BIDV sẽ dùng 11.970 tỷ đồng lợi nhuận còn lại năm 2022 để chia cổ tức bằng cổ phiếu (tương đương tỷ lệ 21%). Bên cạnh đó, ngân hàng phát hành thêm gần 165 triệu cổ phiếu bằng hình thức chào bán riêng lẻ để tăng vốn điều lệ thêm 1.649 tỷ đồng. Thời gian thực hiện trong năm 2024 - 2025, sau khi nhận được sự chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Ngoài ra, BIDV cũng đề xuất giữ lại một phần lợi nhuận còn lại năm 2023 để chia cổ tức bằng cổ phiếu. Cụ thể, lợi nhuận còn lại sau khi trích các quỹ năm 2023 là 15.491 tỷ đồng, ngân hàng muốn giữ lại 12.347 tỷ đồng để chia cổ tức bằng cổ phiếu. Đề xuất này cần được NHNN phê duyệt. Như vậy, trong vài năm tới, vốn điều lệ của BIDV có thể tăng lên hơn 86.000 tỷ đồng.
Huy Tùng (t/h)
-
Tín dụng tăng trưởng ổn định, lợi nhuận 3 quý của VPBank tăng 67% so với cùng kỳ
-
Giá vàng hôm nay (29/10): Tiếp tục tăng mạnh
-
Giá vàng hôm nay (28/10): Giảm trong phiên giao dịch đầu tuần
-
Giá vàng trong tuần (21/10-27/10): Kết thúc tuần tăng giá
-
Giá vàng hôm nay (26/10): Thị trường thế giới tiếp đà tăng mạnh