Nhiệt độ đại dương tiếp tục đạt kỷ lục: Lo ngại cho tương lai của Trái đất
Chuỗi nhiệt độ đại dương tiếp tục đạt kỷ lục chưa từng có. Các nhà khoa học cho rằng điều này có thể là biểu hiện một thay đổi lớn trong hệ thống hoạt động của Trái đất đang diễn ra và không thể đảo ngược.
Những điều đang diễn ra trong đại dương hiện nay "không hợp lý" - Gavin Schmidt, Giám đốc Viện Nghiên cứu Không gian Goddard của NASA, nói với The Washington Post.
"Một hành tinh ấm lên đã thay đổi cơ bản cách hệ thống khí hậu hoạt động, sớm hơn nhiều so với những gì các nhà khoa học đã dự đoán", ông viết trong tạp chí Nature.
Nhiệt độ đại dương tăng vọt "vượt khỏi biểu đồ"
Sự ấm lên đã mở rộng xa ra ngoài một vùng ảnh hưởng của El Niño trên Thái Bình Dương.
Khắp phần lớn lưu vực Đại Tây Dương, nhiệt độ bề mặt đã cao hơn 1 đến 2 độ Celsius (1,8 đến 3,6 độ Fahrenheit) so với năm 1971-2000. Ở một số vùng biển ngoài khơi Nam Phi, Nhật Bản và Hà Lan, nhiệt độ tăng bất thường hơn 3 độ Celsius (5,4 độ Fahrenheit) theo dữ liệu vệ tinh của Cơ quan Quản lý Đại dương và Khí quyển Quốc gia.
Các đợt sóng nhiệt đại dương trùng khớp với điều kiện ấm nhất từng được quan sát trong khí quyển. Năm ngoái, nhiệt độ không khí trung bình toàn cầu đã tăng cao chưa từng thấy, có thể đưa hành tinh đến mức nóng nhất trong hơn 100.000 năm. Các nhà khoa học khí hậu dự đoán năm 2024 có thể còn ấm hơn.
Nhưng việc ấm lên đáng kinh ngạc trên khắp các đại dương của Trái đất còn đáng báo động hơn, vì việc nước ấm lên còn mất nhiều năng lượng hơn so với không khí, Celeste Saulo - Tổng thư ký của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cho biết.
"Khung thời gian của đại dương không nhanh như khí quyển", Saulo nói tại một cuộc họp báo. "Một khi một thay đổi được thiết lập, nó gần như không thể đảo ngược trong các khung thời gian từ trăm năm đến ngàn năm".
Trong báo cáo Tình trạng khí hậu hàng năm được công bố vào thứ Ba, WMO cho biết nhiều chỉ số khí hậu năm ngoái "đã mang ý nghĩa mới đáng báo động cho cụm từ 'vượt qua biểu đồ'". Điều này bao gồm sự tan chảy của băng hà chưa từng có, băng tan ở Nam Cực và mực nước biển dâng cao khi các đợt sóng nhiệt đại dương lan rộng trên hơn 90 phần trăm bề mặt đại dương trong năm 2023.
Kể từ tháng 4/2023, nhiệt độ bề mặt biển trung bình toàn cầu đã đạt kỷ lục mỗi tháng, với các kỷ lục vào tháng 7, tháng 8 và tháng 9 "với một khoảng cách đặc biệt rộng", WMO cho biết.
Ảnh hưởng sâu rộng - nhưng không thể dự đoán
Sự ấm lên của các đại dương trên thế giới đã gây ra hậu quả thảm khốc cho các rạn san hô. Mức nhiệt độ tăng đã ảnh hưởng đến một phần của rạn san hô Great Barrier của Úc. Các tác động khác sẽ mất nhiều thời gian hơn để phát hiện.
Có lo ngại việc ấm lên đang đẩy một hệ thống dòng chảy quan trọng của Đại Tây Dương đến bờ vực sụp đổ. Điều này sẽ có ảnh hưởng lớn đến các hệ sinh thái dưới nước và các mô hình thời tiết. Và có khả năng sẽ có các tác động dây chuyền đối với đời sống biển.
Tại vịnh Maine, nơi nước ấm lên nhanh hơn nhiều so với đại dương thế giới nói chung, các nhà nghiên cứu đã thấy các loài quan trọng như cá tuyết và cá trích đang vật lộn để tìm nước mát trong phạm vi địa lý bình thường của chúng. Nhiều loài cá phát triển nhanh chóng, nhưng sau đó dừng lại ở kích thước nhỏ hơn, một dấu hiệu cho thấy chúng không nhận đủ thức ăn hoặc nhiệt độ đang làm căng thẳng cơ thể chúng, Katherine Mills, một nhà khoa học cấp cao tại Viện Nghiên cứu vịnh Maine, cho biết.
Nhiệt độ được quan sát trong năm qua quá cực đoan so với điều kiện trước đây, việc dự đoán đáng tin cậy về hậu quả có thể trở nên khó khăn hơn, Mills nói. Dữ liệu về thay đổi hệ sinh thái đang trở nên lỗi thời quá nhanh.
Không có dấu hiệu của sự hạ nhiệt
Các nhà khoa học không biết liệu sự ấm lên cực đoan của đại dương sẽ giảm bớt khi nào.
Sự chuyển đổi từ La Niña sang El Niño, được biết đến với việc làm tăng nhiệt độ hành tinh, có thể giải thích phần lớn sự nhảy vọt trong nhiệt độ đại dương, theo Boyin Huang, một nhà đại dương học tại NOAA tập trung vào phân tích nhiệt độ đại dương.
Vì vậy, có thể nhiệt độ đại dương sẽ điều chỉnh vào cuối năm nay với dự báo điều kiện La Niña trở lại.
Nhưng vẫn cần phải xem liệu sự chuyển đổi từ El Niño trở lại La Niña có đủ để đối phó với sự ấm lên hay sức mạnh của khí nhà kính hay không. Điều này có thể trở nên rõ ràng vào cuối mùa hè, nếu nhiệt độ đại dương tiếp tục lập kỷ lục, Huang nói.
Nếu sự ấm lên kỷ lục tiếp tục dưới điều kiện La Niña, Schmidt viết, "thế giới sẽ bước vào giai đoạn chưa từng được ghi nhận" với nhiều bất ổn hơn về khí hậu trong tương lai.
Duy Tiến
-
Tìm ra phương pháp tự đo lường carbon của các loài cây rừng ngập mặn
-
Cần luật hóa chi tiết các mục tiêu bảo vệ môi trường trong hoạt động điện lực
-
ADB: Biến đổi khí hậu có thể khiến GDP khu vực châu Á - Thái Bình Dương giảm 17% vào năm 2070
-
Vì sao mưa lũ ngày càng nghiêm trọng?
-
Bài cuối: Hướng tới một Hà Nội "thích ứng" với biến đổi khí hậu
-
Siêu bão Man-yi giảm cấp khi vào Biển Đông, diễn biến khó lường
-
Siêu bão Man-yi giật trên cấp 17, di chuyển nhanh hướng vào Biển Đông
-
Thúc đẩy các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí tại đô thị lớn
-
Dự báo tiếp tục có bão số 10 đổ bộ vào Biển Đông
-
PVMR và Trung tâm QCC hỗ trợ bồi dưỡng kiến thức về kiểm kê phát thải khí nhà kính cho doanh nghiệp Bà Rịa - Vũng Tàu