Nhân “Ngày đọc sách” - bàn về văn hóa đọc
Văn hóa nghe nhìn lấn át văn hóa đọc?
Cuối năm 2012, nhiều người mừng vì trong Hội chợ sách Quốc tế tổ chức tại Hà Nội có 30 triệu ấn phẩm. Đó là điểm mừng cho ngành xuất bản nước nhà, nhưng sách nhiều mà văn hóa đọc lại không cao như mong đợi. Sau đó, hội thảo về “Văn hóa đọc và Ngày đọc sách” tiếp tục hâm nóng câu chuyện xuống cấp của văn hóa đọc. Tại hội thảo, PGS.TS Phan Trọng Thưởng, Phó chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học - nghệ thuật Trung ương cho rằng: “Không phải tất cả công chúng đều có thái độ thờ ơ, quay lưng lại với sách, xem nhẹ việc đọc. Nhưng hiện tượng ít đọc, ngại đọc, thậm chí không đọc thì rất dễ nhận thấy. Hiện tượng đó có người gọi là sự xuống cấp của văn hóa đọc, có người gọi là sự lép vế của văn hóa đọc so với văn hóa nghe - nhìn”.
Chưa kể thị trường xuất bản hiện nay có khá nhiều tác phẩm, nội dung kém chất lượng, xào xáo, cóp nhặt từ nhiều cuốn sách khác nhau. Nhiều độc giả cho rằng, muốn tìm một cuốn sách hay để đọc trong rừng sách mênh mông như hiện nay là điều không dễ. Chưa kể nạn ăn cắp bản quyền, in lậu, những sai phạm trong các đơn vị liên kết xuất bản… cũng là một căn nguyên góp phần làm cho văn hóa đọc xuống cấp chăng?
Nói về sự lép vế của văn hóa đọc so với văn hóa nghe - nhìn thì thực tế chúng ta thấy rằng, các phương tiện như tivi, phim ảnh, máy tính, Iphone, Ipad… dường như góp phần làm cho nhiều người lười đọc sách. Có người một ngày có thể ngồi trên mạng xã hội hay chơi game 4 đến 5 giờ đồng hồ nhưng không hề đọc một trang sách. Tôi từng gặp nhiều em sinh viên có thể ngồi mạng xã hội 5 đến 6 giờ một ngày nhưng nói đến chuyện đọc sách thì lảng sang chuyện khác. Đó là điều rất đáng buồn, nhưng cũng khó trách vì từ nhỏ các em có được dạy mê sách đâu mà ham đọc.
Để “chấn hưng” văn hóa đọc, nguyên Cục trưởng Cục Xuất bản Nguyễn Kiểm có ý kiến là nên chọn ngày 21-4 hằng năm là “Ngày đọc sách” Việt Nam. Nhưng câu chuyện một ngày, một tuần, thậm chí là một tháng đọc sách cũng chưa thể khẳng định rồi mọi người sẽ hào hứng với sách, quay lại với văn hóa đọc.
Cách đây hơn 60 năm, học giả Nguyễn Hiến Lê từng dẫn lại một câu rất hay của một nhà xuất bản Mỹ: “Sách phải đi kiếm độc giả, chứ đừng mong độc giả đi kiếm sách”. Nghĩa là chính phủ phải đem sách đi gí vào tay quốc dân thì quốc dân may ra mới chịu đọc. Ở Mỹ mà còn vậy, ở nước ta chính phủ chẳng những phải phát không sách cho dân chúng mà còn phải năn nỉ hay bắt buộc dân chúng đọc cho nữa”.
Đây là những dòng mà học giả Nguyễn Hiến Lê viết dưới chế độ cũ từ thập niên 50 của thế kỷ trước nhưng đến nay vẫn còn rất giá trị. Thiết nghĩ rằng, dù dưới một chính thể nào thì nhu cầu học, tự học và đọc sách là nhu cầu cần thiết nhất đối với mỗi người. Quan trọng hơn là định hướng cho trẻ biết đọc sách, thích đọc sách ngay từ nhỏ, để khi lớn lên không đọc sách thì thấy thiếu như không được ăn cơm, ăn nước mắm hằng ngày.
Chấn hưng văn hóa đọc!
Cách đây gần 5 năm, một giáo sư văn học ở nước ta than rằng, một cuốn sách nghiên cứu ở Việt Nam, in mỗi lần chỉ 500 cuốn mà bán gần 5 năm chưa hết. Còn TS Nguyễn Thị Từ Huy thì ca thán rằng: “Hiện nay ở nước ta quá thiếu các tác phẩm dịch có giá trị dành cho giới nghiên cứu. Nhiều lý thuyết khoa học xã hội ra đời trên thế giới đã mấy chục năm thì nay ở nước ta mới bắt đầu dịch và xuất bản”. Qua đó, cho thấy chúng ta tụt hậu đến mức nào. Đó cũng là nỗi trăn trở của TS triết học Bùi Văn Sơn Nam khi ông cho biết, có nhiều học thuyết, tác phẩm, hay trào lưu tư tưởng đương đại trên thế giới đã tranh luận nát ra rồi thì ở Việt Nam nhiều sinh viên, giảng viên, nhà nghiên cứu thấy mới toanh.
Giới trí thức còn thế thì chuyện văn hóa đọc đại chúng còn tụt hậu đến mức nào. Vùng quê tôi, cả xã không có lấy một tủ sách, dù rằng người biết đọc, biết viết cũng chiếm trên 90%. Và tôi cũng đoán chắc rằng, còn rất nhiều vùng quê khác ở Việt Nam đang trong tình trạng như vậy.
Người dân nông thôn lâu nay chủ yếu xem truyền hình, nghe đài là chính, giờ thì có thêm cái điện thoại di động. Vì thế mà sáng kiến của ông Nguyễn Hiến Lê cách đây 50 năm đâu có cũ khi ông nói nên lập một tủ sách cho mỗi nhà, mỗi tỉnh, mỗi quận, rồi lần lượt cho mỗi làng, tại các sở, phân phối sách cho mỗi nhân viên đọc; tại mỗi làng, có một cán bộ thanh niên đưa sách cho từng gia đình đọc, tùy trình độ mỗi người; có tạo nên được một “chiến lược đọc sách” như vậy thì quốc dân mới mau tiến bộ.
Chuyện đọc sách không nên làm theo phong trào mà phải có chiến lược hẳn hoi. Giờ đây chúng ta hãy phát động phong trào, mỗi nhà có một tủ sách; mỗi trường có một thư viện từ cấp tiểu học và hoạt động có hiệu quả chứ không chỉ là hình thức. Trong nhà, người lớn đọc sách thì trẻ con sẽ bắt chước đọc. Lên trường, thầy cô giáo đọc sách thì học sinh sẽ bắt chước đọc. Ngành giáo dục phải có những chiến lược thiết thực để dạy cho trẻ biết yêu sách từ nhỏ, ham đọc sách từ nhỏ. Nói đến đây, tôi lại nhớ đến câu chuyện cậu bé Đỗ Nhật Nam đang bị cộng đồng mạng “ném đá” trong những ngày vừa qua. Em là một trong những tấm gương về niềm đam mê đọc sách, yêu sách mà nhiều bậc phụ huynh nên lấy đó mà cổ súy cho con em mình học hỏi.
Bên cạnh những thực trạng không vui thì trên thực tế cũng có những tín hiệu đáng mừng là trong mấy năm qua, ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP HCM có những ngày hội sách thu hút hàng trăm nghìn lượt người tham gia. Mà sau mỗi hội sách, ban tổ chức đều thống kê có bao nhiêu cuốn sách được bán ra với con số không hề nhỏ.
Năm nay, hưởng ứng “Ngày đọc sách 21-4” thì tại TP HCM sẽ có 12 đơn vị gồm các nhà xuất bản, công ty sách, nhà sách cũng tham gia. Đây cũng là dịp phát động chương trình “Góp sách hay, gieo mơ ước” quyên góp sách để chuyển tặng cho người dân ở vùng nông thôn khó khăn, xa xôi, vùng biển đảo. Hy vọng, những việc làm có ý nghĩa như thế này sẽ được phát huy trong cả năm, để ngày càng nhiều người dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, hải đảo được đọc sách; ngày càng nhiều người yêu sách. Đây cũng là một cách chấn hưng văn hóa đọc, chính là góp phần chấn hưng nền văn hóa dân tộc.
Thiên Thanh