Nhạc sĩ Thanh Bùi: “Nhạc Việt đang mất dần chất Việt!”
PV: Anh từng nói rằng có một dự định lớn đó là giành giải thưởng âm nhạc danh giá, giải Grammy. Anh có lo lắng và bị áp lực về điều đó?
Thanh Bùi: Ước mơ thì hoàn toàn không có gì là áp lực cả. Điều áp lực lớn nhất là sống mà không biết mình đang ước mơ điều gì. Vì mình không biết sống hay chết vào ngày mai, nên tôi nghĩ mỗi ngày hãy sống tốt nhất có thể, đó là sống phải có định hướng và biết mình muốn gì. Như thế mình mới biết nên bỏ tâm huyết, thời gian và công sức ra làm gì để đạt được điều mình mong muốn.
Tôi luôn cố gắng trên con đường của mình, như năm trước là bài với Tata Young, năm nay sáng tác của tôi được các ngôi sao, ban nhạc nổi tiếng TVXQ, DSBK, J-KWON... thể hiện. Có ước mơ thì cùng với thời gian điều gì cũng có thể xảy ra, điều áp lực lớn nhất đó là không có gì để áp lực cả!
PV: Với khả năng diễn đạt và sử dụng ngôn từ tiếng Việt chưa tốt. Điều đó có làm khó anh trong việc cảm nhận, sáng tác và thể hiện ca từ trong âm nhạc Việt không?
Thanh Bùi: Tôi thấy không khó, cái gì mình không giỏi thì sẽ được hỗ trợ từ những người giỏi hơn, quan trọng nhất là mình phải biết mình giỏi cái gì và không giỏi cái gì. Tiếng Việt của tôi dĩ nhiên không giỏi như những người sinh ra và lớn lên ở Việt Nam, nhưng âm nhạc thì không có ngôn ngữ. Âm nhạc là cảm xúc, được thể hiện qua giai điệu, qua hòa âm phối khí và phần ngữ điệu lời có thể truyền tải những gì tôi muốn nói. Dĩ nhiên con đường nào cũng có những khó khăn thử thách nhưng nếu không có thử thách thì có gì vui đâu.
Nhạc sĩ Thanh Bùi
PV: Hiện nay có nhiều nhạc sĩ trẻ sáng tác những ca khúc với giai điệu và ca từ dễ dãi, thậm chí không ít những ca khúc quá nhảm. Nhưng điều đáng nói hơn hết là dòng nhạc ấy vẫn đang được đón nhận bởi một bộ phận rất đông công chúng trẻ. Anh trăn trở gì về điều này?
Thanh Bùi: Tôi nghĩ khán giả là những người nhận xét nhiều nhất. Có một điều đáng buồn là con nít bây giờ không thích nghe nhạc Việt. Hiện nay, Soul Music Academy có khoảng 350 lớp, từ 5 đến 15 tuổi. Bé nào cũng nói không muốn nghe nhạc Việt, đó là điều mà không chỉ mình tôi thấy buồn! Tôi không nghĩ nhạc Việt dở mà chỉ nghĩ là nhạc Việt đang mất dần chất Việt trong các ca khúc. Một phần bởi vì nhạc sĩ trẻ Việt bây giờ nhiều người thực sự còn chưa biết rõ được xuất xứ của từng dòng nhạc để mà viết cho đúng chất.
Ví dụ như dòng nhạc R&B, nó có xuất xứ từ những người nô lệ da đen Mỹ, họ dùng âm nhạc để nói lên nỗi buồn nhưng họ không được học để viết và cũng không được học nhạc cho nên họ thể hiện âm nhạc theo cách riêng của họ. Vậy nên các bé khi chọn giữa một bản R&B của nước ngoài và bản Việt R&B, dĩ nhiên các bé sẽ chọn R&B của nước ngoài để nghe hoặc thể hiện.
PV: Vậy trong vai trò người thầy đào tạo âm nhạc cho thế hệ trẻ, anh truyền cho học trò của mình lòng tự tôn với tình yêu âm nhạc Việt như thế nào?
Thanh Bùi: Tiếng Việt của tôi không giỏi như nhiều người nhưng trong rất nhiều sáng tác của tôi cũng có tiếng Việt trong đó. Để có thể tìm được sự cân bằng giữa thế giới hiện đại với ngôn ngữ tiếng Việt của mình, mỗi năm tôi chỉ ra một vài bài nhạc Việt, vì thể hiện lời Việt vô cùng khó. Không như tiếng Anh, tiếng Việt nhẹ nhàng, trầm bổng và có dấu nên phải thể hiện đúng ngữ điệu với các nốt nhạc và vẫn phải “phiêu” theo ý nghĩa của bài hát. Nhưng nếu lên xuống trầm bổng nhiều thì con nít bây giờ nói rằng quá sến. Vì vậy cách để tìm điểm hòa hợp giữa nhạc hiện đại và nhạc Việt phải cần thời gian.
Như bài “Tìm về nơi đâu” là cả một công trình vì từ bản demo cho đến khi thu xong là 4 tháng với hơn 40 phiên bản. Khi bản nhạc này được quảng bá ở Thái Lan, họ nói cảm thấy “phiêu” và muốn nghe với phiên bản tiếng Việt, điều đó làm tôi vô cùng tự hào. Khán giả nghe nhạc đôi khi họ không cần hiểu lời, mà quan trọng hơn họ muốn được “phiêu” theo âm nhạc.
PV: Trong quá trình đào tạo âm nhạc cho các em nhỏ, anh có mong muốn và yêu cầu họ phải đạt được trình độ nào? Và anh sẽ hướng học trò của mình theo sở trường của từng em hay theo “gu” âm nhạc của người thầy?
Thanh Bùi: Tôi muốn các học trò của Soul Music Academy phải có căn bản, vì căn bản là tất cả, không có căn bản là không có gì cả. Tôi không muốn học trò của mình bị áp đặt, bởi vì tôi hiểu cảm giác bị học áp đặt rất khổ sở và cực kỳ khó chịu. Điều tôi đưa cho học trò của mình là căn bản để các bé có thể tiếp tục phát triển theo điểm mạnh và sở trường của mình.
Hiện nay, tôi có một mong muốn là trong tương lai tất cả trẻ em Việt Nam có thể có điều kiện để học một bộ môn âm nhạc. Tôi thấy cuộc sống được thay đổi qua âm nhạc như thế nào, sức mạnh của âm nhạc lớn không tưởng tượng được. Nhưng vì Việt Nam chỉ mới bắt đầu phát triển nên trẻ em Việt chưa có điều kiện để tiếp xúc nhiều. Tôi muốn có thể lập quỹ quyên góp và tạo điều kiện cho các bé ở vùng quê được học nhạc, đây thực sự là điều tôi muốn thấy và là ước mơ lớn hơn cả giải Grammy.
Bản thân tôi thấy mình cũng cần học nhiều hơn. Tôi là thầy của các bé nhưng cũng cần những người thầy khác vì không ai biết được tất cả, tôi cần làm việc và học ở những người giỏi hơn. Với lại, tôi muốn khán giả Việt say sưa theo nhạc của mình, bởi vì nhạc tiếng Việt của tôi chưa đạt được sự truyền cảm 100% như mong muốn, tôi phải cố gắng hơn.
PV: Có nhiều cơ hội tiếp xúc, đào tạo các gương mặt âm nhạc nhí. Anh có nhận xét, đánh giá gì về tài năng và sự phát triển của thế hệ này trong tương lai?
Thanh Bùi: Nếu chú ý theo dõi, chúng ta sẽ thấy sự khác biệt rõ ràng giữa “The Voice Kids” và “The Voice” về cả giọng ca và biểu diễn. Thí sinh “The Voice” khi biểu diễn không được tự nhiên như “The Voice Kids”. Một phần bởi vì Internet vào Việt Nam chỉ mới khoảng chục năm thôi, các bạn từ 20 tuổi trở lên có điều kiện cập nhật tin tức chưa lâu. Còn các bé hiện nay từ khi còn nhỏ đã được cập nhật mọi thứ, được nghe nhìn và có sự ảnh hưởng từ đó. Các bé tự tin vì cảm thấy mọi người làm được thì mình cũng làm được, nên khi biểu diễn các bé tự nhiên thể hiện như mình muốn. Thế hệ nhí bây giờ là tương lai rực rỡ của âm nhạc Việt Nam, tôi tin chắc trong tương lai không xa sẽ có những bé tỏa sáng không chỉ ở Việt Nam mà là cả thế giới!
PV: Trong giới showbiz hiện nay, nhiều nhân vật bất chấp tất cả, kể cả những cách phản cảm và suy đồi đạo đức để được nổi tiếng. Các nhà quản lý văn hóa cũng đã có những biện pháp xử lý, song sự thật thì tình trạng ấy vẫn chưa có điểm dừng. Anh nghĩ gì về điều này?
Thanh Bùi: Tôi nghĩ đó là vai trò và bổn phận của nghệ sĩ. Những người có tài thì sẽ tồn tại lâu dài qua thời gian, còn chuyện scandal, chuyện tiêu cực thì ở đâu cũng có, nhưng qua thời gian họ sẽ bị đào thải. Chỉ cần thời gian để lập lại sự cân bằng bởi vì khán giả ngày càng khó tính và họ sẽ không cho phép điều đó diễn ra lâu.
PV: Cảm ơn và chúc anh thành công!
Anh Lê(thực hiện)
-
NSND Hoàng Cúc - Biểu tượng của nhan sắc và tài năng
-
Angelina Jolie thuê con làm trợ lý để đích thân rèn giũa kỹ năng làm việc
-
MC Quyền Linh: "Tôi đi đâu, làm gì cũng chụp ảnh báo cáo vợ con"
-
Ngôi sao ca nhạc Charlie Puth xác nhận trình diễn tại Nha Trang trong tháng 7
-
NSƯT Chí Trung tiết lộ quá khứ buôn vải mưu sinh, đủ mua hộp sữa cho con