Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ: "Không có kiệt tác nghĩa là không có gì"

14:29 | 22/10/2012

3,634 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Trong ngôi nhà nhỏ giản dị ở phố Khương Trung, nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ đang sống cùng gia đình và các con. Trên bàn làm việc ngổn ngang những bản nhạc viết dở và cả những bài hát đã thành danh của mình. Ông nói, ở tuổi 80 mà tôi vẫn sợ, đến một ngày nào đó, những bài hát của mình sẽ rơi vào hư không. Bởi với người nghệ sĩ, dù có viết hàng trăm tác phẩm mà không để lại một kiệt tác thì coi như không có gì...

PV: Thưa nhạc sĩ, hình như ông là người xứ Nghệ, cái chất Nghệ, những điệu hò, câu ví thấm đẫm trong âm nhạc, dù ông đã rời xa nơi chốn mình đang sống từ rất lâu rồi?

Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ: Tôi sinh ra trong một gia đình Nho Giáo ở Thanh Chương, Nghệ An. Dòng họ Nguyễn Tài có một người rất nổi tiếng là Giáo sư ngôn ngữ học Nguyễn Tài Cẩn. Các cụ có tư tưởng cấp tiến, rất chú trọng đến việc học của con. Lên 6 tuổi, bố mẹ đã gửi tôi vào Sài Gòn học văn hóa. Kháng chiến, tôi về học ở Huỳnh Thúc Kháng. Tốt nghiệp cấp 3, bố mẹ lại gửi tôi ra Hà Nội, theo học ngành sư phạm với mong muốn tôi sẽ trở về làm thầy giáo. Nhưng rồi, có lần tôi đi dự Đại hội Thanh niên ở Nhà Hát Lớn, tôi khám phá ra một chân trời mới mở ra trước mắt mình.

Lúc đó, tôi mới biết thế nào là Văn Cao, thế nào là Lưu Hữu Phước... và những tác phẩm âm nhạc đỉnh cao của nước nhà. Thế là tôi về làm diễn viên ở Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, cùng thời với nhạc sĩ Quốc Hương, Mai Khanh. Sau đó Bộ Văn hóa cử tôi đi làm cố vấn cho chương trình ca nhạc Lao - Hà - Yên để phục vụ kháng chiến.

PV: Vậy khởi nghiệp của ông là con đường ca hát chứ không phải sáng tác?

Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ: 13-14 tuổi, tôi đã tập sáng tác. Trong tôi luôn thấm đẫm những câu hát ví dặm. Tôi từng khóc hết nước mắt vì những cuộc tiễn đưa khi lẽo đẽo theo các anh các chị ra bến sông. Tôi vốn là người đa cảm. Bà cụ tôi nhiều lần cấm tôi đi theo đám hát vì sợ tôi khóc, thấy khổ quá. Nhưng tôi không chịu. Dù về làm ca sĩ ở nhà hát, nhưng trong tôi vẫn đau đáu tìm kiếm một điều gì đó khác. Cho nên năm 21 tuổi, tôi dứt khoát bỏ nghề hát. Đi lên miền núi để tiếp xúc với những hoàn cảnh mới. Bối cảnh miền núi thơ mộng đã thôi thúc tôi sáng tác. Lên đó, tôi đã viết “Mùa Xuân gọi bạn”.

Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ

PV: Trong thời gian đó ông đã học sáng tác bằng cách nào?

Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ: Việc đi học sáng tác của tôi cũng có nhiều chuyện. Năm tôi 29 tuổi, tôi được cử sang ở Học viện Âm nhạc Bình Nhưỡng, trong tay không có một tấm bằng sơ cấp, trung cấp. Các giáo viên ở đây ngạc nhiên vì từ trước đến giờ chưa có một học sinh nào “cá biệt” như vậy. Tôi bình tĩnh xin được kiểm tra trình độ. Hơn một tháng, nào hòa thanh, phối khí, cho đến những kiến thức cơ bản về lý luận, triết học, tôi đều trả lời một cách thấu đáo. Mọi người ngạc nhiên, hỏi học ở đâu. Tôi bảo rằng, tôi tự học, học từ sự thôi thúc của chính mình.

Sự nỗ lực đã giúp tôi chiến thắng mọi áp lực, có lúc đưa tôi đến đỉnh cao của sự sáng tạo. Tôi cho rằng, tài năng chỉ chiếm 1% thôi, còn lại 99% là sự nỗ lực của người nghệ sĩ. Sáu năm ở học viện âm nhạc Bắc Kinh, tôi tổng kết có 19 điểm 10, chỉ 2 điểm 9.

PV: Đối với ông, tài năng chỉ chiếm một phần khiêm tốn vậy sao?

Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ: Mỗi nghệ sĩ, trước hết là một nhà văn hóa - cái nền tảng cơ bản về tri thức cho mọi sự sáng tạo. Họ phải đứng vững trên cái nền tảng văn hóa của quê hương mình, dân tộc mình và biết tiếp thu những tinh hoa của văn hóa thế giới. Người nghệ sĩ phải được nuôi dưỡng và đắm chìm trong không khí truyền thống từ đó mới hình thành nên nhân cách và hun đúc những khả năng.

PV: Tôi được biết trong cuộc đời sáng tác của mình, ông chưa từng viết một ca khúc nào về chiến tranh. Sở trường của ông là những ca khúc trữ tình. Vậy thời đó, việc sáng tác của ông có gặp nhiều khó khăn không?

Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ: Nhiều chứ, mỗi bài hát của tôi đều có một số phận riêng trắc trở. Năm 1958, tôi viết “Lời ca gửi Nọng”, sau này đổi lại là “Mùa xuân gọi bạn”, có tên trong danh mục các tác phẩm được Giải thưởng Nhà nước của tôi đấy. Bài hát mang âm hưởng của dân ca Tày Nùng. Năm 1959, nhà nước tổ chức một chuyến đi biểu diễn tại Liên hoan Thanh niên Thế giới, người đứng ra tổ chức là nhạc sĩ Lưu Hữu Phước. Họ yêu cầu tìm bài hát nhưng không được nói về tiếng súng mà chỉ nói về hòa bình và yêu thương. Mọi người tìm mãi không có bài hát nào. Lúc đó, tôi từ Lào Cai về thăm đoàn ca múa nhạc.

Mọi người hỏi: Tuệ ơi, có bài dân ca nào hay không để cho Khánh Vân (tên một cô ca sĩ từ Miền Nam ra) hát. Tôi nói, tôi có “Lời ca gửi Nọng”. Mọi người nghe mê quá và chọn ngay. Nhưng họ gạt tên nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ ra ngoài, đề là dân ca Nùng, vì lúc đó tôi chỉ là “cỏ dại” mà thôi. Sau một thời gian, bài hát được biểu diễn rộng rãi. Tôi nói thật, đó không phải là dân ca đâu mà đó là sáng tác của Nguyễn Tài Tuệ. Tôi muốn lấy lại tên của mình. Thời đó là thời của Văn Cao, của Lưu Hữu Phước, tôi chỉ là cây cỏ thấp lè tè, không được ai để ý. Cuối cùng họ để tên tác giả như thế này: “Lời ca gửi Nọng”, sáng tác Nguyễn Tài Tuệ phát triển dân ca Tày Nùng.

Theo thời gian, tên tuổi của tôi cũng lộ dần ra. Hai năm sau, bài hát nổi tiếng và bị cấm ngay vì không phục vụ cho kháng chiến, kiến quốc. Ở hội diễn năm 1960 tại Việt Bắc, do nhà thơ Nông Quốc Chấn làm Giám đốc Sở Văn hóa, có 3-4 đơn vị hát “Bài ca gửi Nọng”. Họ bảo, không cho hát thì họ sẽ bỏ thi. Đến tận năm 1976, bài hát này mới được phổ biến trở lại. 

Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ nhận giải nhất trong cuộc vận động sáng tác ca khúc của TP Hải Phòng

PV: Vậy bài “Xa khơi” thì sao thưa ông, một bài hát trữ tình, lãng mạn trong không khí sục sôi chiến đấu, chắc hẳn cũng không tránh khỏi những phiền lụy?

Nguyễn Tài Tuệ (sinh năm 1936 tại xã Thanh Văn, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An - Ông nổi tiếng với dòng nhạc truyền thống cách mạng ở Việt Nam. Tác phẩm “Xa khơi” của ông được đánh giá là một ca khúc rất chuẩn mực về âm nhạc.  Rất nhiều ca khúc khác của ông đã sống mãi với thời gian như “Tiếng hát giữa rừng Pác Bó”, “Mơ quê”, “Suối Mường Hun chảy mãi”...

Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ: Bài “Xa khơi” của tôi bị đánh tơi bời. Năm 1963, Bộ Văn hóa - Đài Tiếng nói - Hội nhạc sĩ Việt Nam và Ban Thống nhất Trung ương đã tổ chức một cuộc thi sáng tác văn học - nghệ thuật. Bài “Xa khơi” lấy cảm hứng từ chuyến đi thực tế đến vùng đất đau thương Vĩnh Linh - Quảng Trị, tôi tận mắt chứng kiến sự chia lìa đau đớn của đất nước. Khóc hết nước mắt vì những cuộc chia ly.

Đi thực tế từ năm 1958 nhưng đến tận năm 1963, tôi mới viết “Xa khơi”. Khi tôi gửi bài “Xa khơi”, Hội đồng giám khảo vứt ra ngay, họ cho rằng nó là những giá trị tư tưởng thấp kém, tiểu tư sản, trong khi cả nước đang gồng mình lên chiến đấu. Nhưng trong Ban Giám khảo có một người rất giỏi, đó là Trung tướng Nguyễn Văn Vịnh, Chủ nhiệm Ủy ban Thống nhất Trung ương. Ông ấy bảo vệ bài này của tôi và cho phát bài này lên Đài Tiếng nói Việt Nam cho đồng bào cả nước nghe và tự họ đánh giá.

Hồi đó, tôi vào cuộc bằng tất cả niềm say mê, vừa làm vừa lo. Tôi nhờ chị Tân Nhân thu đầu tiên. Nhiều người khen hay nhưng bảo khó đấy. Nhưng “Xa khơi” được rất nhiều người thích. Trên những chặng đường hành quân Trường Sơn, có một vị tướng trên đường ra Bắc, ông đã bảo cả đoàn quân dừng lại để nghe. Sau đó, ông gửi thư về Đài Tiếng nói Việt Nam bảo rằng, nên có những bài hát như thế này, những người chiến sĩ cần được nghe những tiếng hát trữ tình, thân thương như vậy.

Tuy nhiên, cũng không ít ý kiến phản đối, hồi đó, ngay cả bài hát “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người” của nhạc sĩ Trần Kiết Tường cũng bị chê tơi bời. Nhưng cuối cùng, cả hai bài đều được giải. Và đến bây giờ, cũng chỉ hai bài đó sống được.

PV: Nhiều bài hát bị cấm, có lúc nào ông cảm thấy nhụt chí, nản lòng không?

Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ: Tôi viết nhiều bài, nào “Suối Mường Hun chảy mãi”, “Tiếng hát giữa rừng Pác Bó” đều bị cấm. Bài này tôi viết để mừng sinh nhật Bác Hồ 70 tuổi, đó cũng là bài hát duy nhất tôi viết mừng sinh nhật Bác. Hồi đó, tôi và Quốc Hương mua một chiếc xe đạp đi lên Pác Bó để lấy thực tế và cảm hứng sáng tác. Bài hát lấy chất liệu từ điệu Then của người Thái, hồi đó bị cho là mê tín này nọ. Thời đó, tôi cũng buồn, thấy mình lạc lõng với thời cuộc. Nhưng tôi luôn tự tin với chính mình. Tôi chưa bao giờ nản, bởi tôi tin, những giá trị đích thực sẽ ở lại với thời gian, đó là những giá trị nhân văn của tác phẩm.

PV: Tôi được biết nhiều nhạc sĩ ngày đó đã nhập vào phong trào sáng tác để mình không bị lạc lõng, vậy điều gì đã giữ cho ông sự bình tâm, không thỏa hiệp với chính mình, để đi con đường riêng của mình.

Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ: Đó là tâm mình luôn vững vàng trước những biến động của thời cuộc. Bởi trong tôi luôn thấm đẫm giá trị nhân văn của những kiệt tác thế giới. Tôi luôn tâm niệm có 4 chữ T, chữ T thứ nhất là tài năng. Đó là thứ năng khiếu trời cho. Có tài thì hẵng làm nghệ thuật. Chữ T thứ 2 là trí tuệ và tri thức của thời đại. Đó là những giá trị truyền thống của dân tộc, mỗi nghệ sĩ trước hết phải là một nhà văn hóa, cao hơn là một nhà tư tưởng. Nên trọng cái dân tộc trước khi tiếp thu những tinh hoa của văn hóa nhân loại. Văn hóa phải đi đầu trong mọi nhận thức, người nghệ sĩ cũng phải đọc và hiểu triết học, đó là ánh sáng dẫn đường cho mọi sự sáng tạo.

Chữ T thứ 3 là cái tâm của người nghệ sĩ. Nếu tâm không sáng, không yêu cuộc đời, yêu dân tộc mình thì không viết được gì đâu. Đó là sự dấn thân vào đời sống, tư trọng với xã hội, tự trọng với chính mình, biết gạt ra ngoài những bọn chen danh lợi. Và chữ T thứ 4, cũng vô cùng quan trọng, đó là tầm của người nghệ sĩ. Trong đời người nghệ sĩ, chỉ cần một tác phẩm để đời thôi, đó là hạnh phúc. Con số này, tôi nghĩ, chỉ chiếm 5% số lượng văn nghệ sĩ. Không có tuyệt tác nghĩa là không có gì. Có những người sáng tác hàng trăm bài hát, nhưng phải ôm mặt khóc vì không để lại một kiệt tác cho đời. Tôi 80 tuổi rồi, cũng có những bài hát được nhiều người nhớ mà vẫn sợ.

PV: Âm nhạc của ông mang đậm chất dân gian. Ông quan niệm thế nào về sự cách tân trong nghệ thuật?.

Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ: Vốn văn hóa dân gian nằm trong máu, trong huyết quản  của tôi. Nó thấm vào tôi từ những ngày còn bé, nhưng tôi cũng phải nỗ lực rất nhiều, học và đọc, tiếp thu những tinh hoa của văn hóa thế giới. Nhưng phải đi từ cái gốc dân gian, gốc dân tộc của mình thì mọi sự cách tân mới có ý nghĩa và không thành xa lạ. Có nhiều người đánh giá, tôi là một trong những nhạc sĩ gặt hái được nhiều thành công trong việc phát triển âm nhạc dân gian.

PV: Ông có quan tâm đến các nhạc sĩ trẻ và xu hướng âm nhạc hiện nay?

Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ: Tôi thỉnh thoảng nghe, nhưng không đọng lại điều gì. Nhiều nhà thơ trẻ đã gửi thơ cho tôi muốn tôi phổ nhạc cho họ, nhưng thú thật, đọc xong tôi không hiểu gì. Có trí tuệ đấy, nhưng nghệ thuật phải đi từ cảm xúc. Cách tân gì thì cách tân, viết gì thì viết nhưng phải đem lại những giá trị thẩm mỹ cho người đọc. Tôi đến giờ này vẫn còn trăn trở với từng chữ trong các bài hát. Tôi vừa sửa lại một chữ trong bài “Xa Khơi”, “chớp biển” thay cho “nắng biển”. Bài hát nào tôi cũng mất từ 10 đến 12 năm để hoàn thành. Năm 1994, tôi viết bài “Nhớ quê”, Thanh Thanh Hiền hát, nhưng không có tiếng vang. Năm 2002, tôi đổi lại thành “Hồn quê”, nhưng thực quá cũng vứt đi. Đến năm 2010, tôi sửa lại bài hát này, đổi thành “Mơ quê”, dung nạp cả những giá trị thực và ảo.

PV: Bài hát nào ông cũng mất một chặng đường dài từ 10 đến 12 năm để viết và trăn trở với nó. Một cuộc đời cống hiến cho nghệ thuật ông có bao giờ cảm thấy buồn và lạc lõng với thời cuộc.

Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ: Tôi giờ cũng đã hiểu các giá trị của cuộc đời rồi. Các giá trị trong nghệ thuật cũng đã thấm rồi. Tôi nghĩ mình là người tỉnh táo, tỉnh táo trong đời riêng và cả trong nghệ thuật, để giữ lại cho mình một chút gì đó. Cuộc đời tôi, niềm vui thì ít mà nỗi buồn thì nhiều. Tôi cũng đã từng trải cả những đau khổ tột cùng. Nhưng tôi chỉ buồn cho thời cuộc, chứ không hề tuyệt vọng. Những giá trị nghệ thuật đích thực sẽ luôn tồn tại. Nghệ thuật chạm tới những điều đó, sẽ ở lại bền lâu. Tôi luôn tin vào điều đó. Mình cũng chỉ là một hạt bụi trong tiến trình lịch sử dài lâu của dân tộc mà thôi.            

Tôi không quan tâm đến những thứ ngoài mình. Danh vọng, tiền bạc, cũng chỉ là phù du mà thôi. Chỉ có sự sáng tạo đích thực của người nghệ sĩ mới ở lại với cuộc sống này.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

“Cả đời tôi phấn đấu không mệt mỏi, ngay cả bây giờ khi đã ở tuổi cổ lai hy vẫn miệt mài với âm nhạc. Một nhạc sĩ phải duy trì được lòng yêu nghề bởi làm âm nhạc nghèo lắm. Tôi có thể đi viết thuê để kiếm tiền nhưng sẽ mất dần ý chí và ước vọng cho sự nghiệp. Tác phẩm nào tôi có thể viết được và tôi có thể viết hay, thì tôi sẽ làm, còn cái nào chỉ viết để lấy tiền thì dứt khoát tôi sẽ không bao giờ làm!”.

“Tôi vẫn nói rằng cả Hội Nhạc sĩ Việt Nam cứ mỗi người có một bài hay thì đã là tuyệt vời lắm rồi. Tôi luôn quan niệm: “quý hồ tinh, bất quý hồ đa”. Chớ có nghĩ nhiều là hay, là tốt nhé! Tôi ngấm sâu lời thầy tôi dạy ngày nào: “Nếu không có tác phẩm xuất sắc thì không có gì cả”. Tôi có khoảng 15 ca khúc và một số tác phẩm khí nhạc - giao hưởng thính phòng. Tôi rất tránh “lạc theo” con đường số lượng”.


Lâm Chi (thực hiên)