Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Nhạc sĩ An Thuyên - Hết một đời không ra khỏi những câu hò

01:35 | 04/07/2015

2,644 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Người cả đời nặng lòng với dân ca, với xứ Nghệ - nhạc sĩ An Thuyên cuối cùng đã “neo đậu bến quê”. Ông ra đi đột ngột vì căn bệnh nhồi máu cơ tim và để lại nỗi tiếc thương cho bao người đã trót yêu Ca dao em và tôi, Khúc hát sông Thương hay Em chọn lối này.

Sự ra đi đột ngột

Con gái ông, ca sĩ Bông Mai chia sẻ, buổi chiều ngày 3/7, nhạc sĩ bị đau ngực nên gia đình đưa ông vào Bệnh viện Quân Y 108. Lúc đến phòng bệnh, cô chạy ra ngoài gọi bác sĩ, quay trở lại ông đã nằm co quắp. Ông ra đi đột ngột nhưng cũng nhẹ nhàng, ở tuổi 67. Trước đó vài năm ông đã từng một lần bị triệu chứng tương tự phải nhập viện điều trị một thời gian.

Nghệ sĩ Thanh Hiền, người từng thể hiện thành công rất nhiều ca khúc của nhạc sĩ An Thuyên nói trong xúc động: “Tôi rất sốc và đau đớn. Tôi biết, anh An Thuyên ra đi, anh không cần gì cả, vì những việc anh đã làm là những điều tôn vinh anh ấy đẹp đẽ nhất rồi. Anh ấy là một nghệ sĩ, một người chỉ huy tuyệt vời. Tôi nghĩ không ai có thể làm tốt hơn nhiều vai trò như anh ấy đâu”.

Trong khi đó, nhạc sĩ, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo thì bàng hoàng: “Quá đột ngột. Hôm kia An Thuyên còn gọi điện cho tôi gửi gắm vài điều. Trưa qua tôi cũng vừa báo tin vui cho Thuyên là 2 bài hát của Thuyên tham dự liên hoan ca múa nhạc CĐVCVN đạt giải Vàng, và hẹn cuối tuần gặp nhau. Vậy mà đã kẻ âm người dương…”

Người thì đi đấy, nhưng những bài hát của ông chắc sẽ còn lưu cùng dương thế, trong tim của những người đã trót yêu những bài ca nặng đẫm ân tình của ông dài dài.

Nhạc sĩ An Thuyên
Nhạc sĩ An Thuyên

Đi dọc sông Lam - tìm thấy chính mình ở đó

Nhạc sĩ An Thuyên sinh ra trong một gia đình mà cả bố mẹ đều làm kịch sĩ, từ nhỏ, nhạc sĩ An Thuyên đã ngấm tính “nghệ”, nên cậu chàng 11 tuổi đã biết kéo nhị cho mọi người hát hội. Lớn lên cùng những sinh hoạt văn hóa ấy, nên nhạc sĩ An Thuyên sớm trở thành người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Hơn 20 tuổi, tác giả “Khúc hát sông Thương” đã cùng nhiều nhà nghiên cứu dân gian, đi dọc sông Lam từ Anh Sơn, Đô Lương, Thanh Chương, Nam Đàn, Hưng Nguyên về Cửa Hội, Quỳnh Lưu, Nghi Lộc… Năm năm với hàng nghìn cuốn băng được ghi lại những câu hò, giọng ca của các nghệ nhân của những làng quê họ đã đi qua, An Thuyên từ lúc nào thấm đẫm trong mình những khúc hát từ đất bùn nhưng đầy triết lý và da diết buồn. Sau này nhạc sĩ đã đưa ra kết luận rằng: “Dân ca ví, dặm thực chất là nỗi buồn thăm thẳm tận đáy của con người Nghệ Tĩnh”, có lẽ vậy, ẩn sâu trong các sáng tác của An Thuyên luôn là rất nhiều những nỗi niềm. Ông thực tế đã thấm đẫm tinh thần Nghệ Tĩnh từ rất nhỏ và rất trẻ.

Vì thế, những ca khúc nổi tiếng nhất của ông đều liên quan đến vùng đất đặc biệt này: Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác (1974), Neo đậu bến quê (1993), Ca dao em và tôi… Tuy nhiên, bên cạnh đó, nhạc sĩ An Thuyên còn say mê nghiên cứu dân ca các vùng miền trên khắp đất nước, nơi ông có dịp đi qua. Ông từng có ca khúc đầu tay, viết từ thủa 20, khi chưa từng học qua nhạc lý - Em chọn lối này với âm hưởng dân ca Thái. Bài hát đó cũng là bài An Thuyên thích nhất, dù sau này ông viết được nhiều tác phẩm nổi tiếng hơn. Hay những bài ca “Chiều sông Thương”, “Khi xe tăng qua miền quan họ” cũng đều bắt nguồn từ cảm hứng ở những vùng quê khác.

Tuy vậy, nhạc sĩ An Thuyên luôn cho rằng, vùng đất nghèo vật chất là xứ Nghệ đã cho ông tất cả, từ cuộc sống, đến sự nghiệp và dạy cho ông cách làm người. Lớn lên trong khó khăn với những bữa cơm độn sắn, nhạc sĩ tự tìm một lối đi riêng. Và ngay cả khi viết, ông cũng cho rằng, mình có một ý chí riêng, đó là: “trèo lên vai cha ông để nói tiếng thời đại mình”. Đó là lý do, các sáng tác của nhạc sĩ An Thuyên, dù bắt mạch từ những câu ca, câu hò của một vùng quê nào đó, vẫn là để chia sẻ tâm tư, tiếng nói của người sống giữa hiện tại. Ông từng gây xúc động khi viết Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác (1974) hay Mẹ Việt Nam anh hùng (1995). Và cũng chính ông đã cho ra đời một ca khúc viết về tình yêu lứa đôi gắn với quê hương vào loại hay nhất là “Ca dao em và tôi”

Nhạc sĩ đã rút những lời ca đã ăn vào huyết mạch, từ thủa nằm nôi để viết thành ca khúc riêng của mình. Vì thế, âm nhạc của ông vừa có nét riêng, lại có nhiều nét chung với nhiều người, khiến bất cứ ai nghe những khúc ca ấy cũng rưng rưng.

Ngoài những bài hát, ông còn là một người thầy được nhiều học trò yêu quý, trong vai trò cựu Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội. Bên cạnh đó, ông là cha của hai nghệ sĩ – ca sĩ Bông Mai và nhạc sĩ An Hiếu. Nhưng trên tất cả, An Thuyên là một nhạc sĩ đi ra từ những câu ca, và hết một đời ông cũng không đi ra khỏi những câu ca đó. Điều đó tạo cho gia tài sáng tác của ông một đặc sản riêng, khó bề trộn lẫn với bất cứ nhạc sĩ nào.

Nhưng rồi ai cũng phải về với đất mẹ, về “neo đậu với sông quê” theo một cách nào đó. Cầu chúc ông sẽ có được sự bình an khi trở về với tận cùng lời ru từ đất mẹ.

Nhạc sĩ An Thuyên qua đời Nhạc sĩ An Thuyên qua đời
Nhạc sĩ An Thuyên: “Tiếng Đàn là một nén tâm nhang” Nhạc sĩ An Thuyên: “Tiếng Đàn là một nén tâm nhang”

PV

Năng lượng Mới