(PetroTimes) - Nhà máy nước mặt sông Đuống đi vào hoạt động từ ngày mai (13/10), bắt đầu cung cấp cho 3 triệu người dân Hà Nội.
Nhà máy nước mặt Sông Đuống nằm trên địa bàn huyện Gia Lâm, Hà Nội được khởi công tháng 3/2017 và có quy mô lớn nhất miền Bắc. Hiện giai đoạn một của dự án đã hoàn thành với công suất 150.000 m3 nước mỗi ngày đêm; giai đoạn 2 công suất đạt 300.000 m3 sẽ được xây lắp xong vào cuối năm 2019; giai đoạn 3 đến năm 2025, quy mô cấp nước của nhà máy sẽ đạt công suất từ 600.000 m3 đến 900.000 m3.
Trạm lấy nước từ sông Đuống của nhà máy. Nước thô từ sông Đuống được thu qua kênh dẫn nước hở với công suất lên đến 1,2 triệu m3 mỗi ngày đêm, dẫn về nhà máy xử lý hoặc hồ sơ lắng tùy theo chất lượng nước nguồn để tiết kiệm điện năng.
Tổng chiều dài tuyến ống truyền dẫn cấp một của nhà máy lên đến 76 km, đường kính ống lớn nhất 1.800 mm, hình thành một mạng lưới dẫn nước rộng khắp tới 168 xã phường của Hà Nội và một số tỉnh lân cận. Giai đoạn 1A của dự án nhà máy đã hoàn thành mạng lưới hơn 63 km tuyến ống.
Chuyên gia Ấn Độ vận hành mở cửa tiếp nhận nước từ kênh dẫn sông Đuống vào hồ sơ lắng. Ngoài các kỹ sư công nhân Việt Nam, dự án có sự tham gia của các chuyên gia đến từ Ấn Độ, Đức.
Cụm xử lý chính nước thô gồm ngăn tiếp nhận, bể trộn có sử dụng phèn nhôm và polyme có chức năng tạo bông cặn trợ lắng sau đó dẫn sang các bể phản ứng.
Các kỹ sư, công nhân đang kiểm tra thông số kỹ thuật trong khu vực đặt hệ bơm tăng áp trước khi nhà máy đi vào hoạt động.
Hệ thống bể lọc chính của nhà máy. Nước từ hệ thống hồ sơ lắng được dẫn lên hệ thống bể lọc chính và trải qua các công đoạn xử lý tiếp theo trước khi đưa qua các bể phản ứng.
Hồ sơ lắng có dung tích 650.000 m3 sẽ lắng sơ bộ khi nguồn nước sông Đuống có lượng cặn cao hơn thông số thiết kế. Hồ cũng bao gồm chức năng dự trữ nước; nước sau lắng được bơm lên dây chuyền xử lý.
Một công nhân đang vận hành thiết bị tại cụm xử lý chính. Nhà máy được thiết kế vận hành tự động hóa hoàn toàn, áp dụng công nghệ xử lý nước tiên tiến và tái sử dụng nước sản xuất, không xả thải ra môi trường. Dự án có tổng vốn đầu tư gần 5.000 tỉ đồng, được triển khai trên diện tích 62 ha, thuộc địa bàn hai xã Phù Đổng và xã Trung Màu (huyện Gia Lâm).
Khi đi vào vận hành, nhà máy đảm bảo đủ cung cấp nguồn nước sạch cho 1/3 dân số Hà Nội (khoảng 3 triệu dân, tại 168 xã, phường thuộc 8 quận, huyện ở khu vực Đông Bắc và phía Nam thành phố, các khu đô thị, khu công nghiệp trên đường 179 và một số vùng phụ cận như Bắc Ninh, Hưng Yên…). Chất lượng nước sau xử lý của Nhà máy nước mặt sông Đuống sẽ đảm bảo theo các quy chuẩn Việt Nam và thế giới, nước sau khi xử lý có thể uống ngay được tại vòi.