Người thương binh nặng và những huy chương danh giá
Ngôi nhà của vợ chồng ông Vũ Văn Soan nằm ở đầu một con ngõ cạnh khu công nghiệp Nam Sách và Quốc lộ (QL) 5. Phía sau ông dành khoảng diện tích 30-40m2, để làm nơi tập luyện bóng bàn của câu lạc bộ mà ông thành lập từ nhiều năm nay. Khi chúng tôi đến, ông Soan đang tập luyện cùng với một thanh niên khuyết tật khác. Hai người chơi thật hăng say, nói cười vui vẻ, phấn khích.
Vừa ngồi xem hai người tập luyện, tôi vừa ngắm xung quanh căn phòng. Trên tường ông Soan treo các bức ảnh chụp cùng nguyên Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm, ảnh ông tuyên thệ khi tham gia các giải bóng bàn dành cho người khuyết tật. Bên cạnh đó là cả dãy bằng khen, giấy khen, giấy chứng nhận mà các cấp trao tặng. Ở giữa bức tường ông Soan có đóng một hộp to treo vài chục tấm huy chương các loại vàng, bạc, đồng đủ cả, từ trong nước đến quốc tế.
Ông Soan giới thiệu những chiếc Huy chương Vàng, Bạc, Đồng các loại với một niềm trân trọng |
Ông Soan có dáng người đậm, chắc, cánh tay phải của ông bị cụt đến quá khuỷu, chỉ còn tay trái cầm vợt, chân tập tễnh, nhưng ông vẫn làm chủ từng bước đi để tay trái đánh, đỡ bóng khá “ngọt”. Thậm chí những động tác ve, vuốt, đập bóng của ông khi khéo léo, mềm mại, khi mạnh mẽ, khoan thai khiến đối thủ bên kia bàn “hoa mắt” chống đỡ, vất vả.
Ông sinh năm 1948, tại xã Ái Quốc, huyện Nam Sách (nay là phường Ái Quốc, TP Hải Dương), là con cả trong gia đình nông dân nghèo, đông anh em. Năm 1968, khi đang học Trường Đông y Hải Phòng, chàng thanh niên trẻ Vũ Văn Soan hăm hở xếp bút nghiên lên đường nhập ngũ. Vào bộ đội một thời gian, do bị ốm, không đủ sức khỏe nên đơn vị cho anh ra quân. Về nhà chữa trị khỏi bệnh, người thanh niên trẻ tích cực tham gia lao động tại địa phương.
Năm 1970, một lần nữa theo tiếng gọi của Tổ quốc, Vũ Văn Soan tái ngũ. Sau thời gian huấn luyện, tháng 2-1971 Soan cùng đơn vị đi B. Vào trong đó, Soan được phân công về Trung đoàn 27, thuộc Mặt trận B5.
“Những năm đó, ở mặt trận B5 diễn ra vô cùng ác liệt. Đơn vị chúng tôi tham gia chiến đấu hầu hết các chiến trường, chiến dịch lớn như Quảng Trị, Thừa Thiên, Đường 9 Nam Lào… Kết thúc chiến dịch, đơn vị hai lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang. Trong quá trình chiến đấu, tôi hai lần bị thương. Lần thứ nhất vào năm 1971, chỉ bị thương nhẹ vào phần mềm, điều trị ít thời gian lại trở về chiến đấu. Lần thứ hai tưởng đã cầm chắc cái chết, chẳng ngờ vẫn được các cụ phù hộ !” - ông Soan kể.
Ông còn nhớ như in những ngày “hoa lửa” đó: “Tháng 7-1972 cuộc chiến bảo vệ Thành cổ Quảng Trị vào hồi ác liệt, địch nhiều lần “đổ” quân ào ạt nhằm chiếm lại nhưng bất thành bởi sự chiến đấu quả cảm của quân ta. Cuối tháng 7, quân ngụy tung một Lữ đoàn Thủy quân Lục chiến để tăng cường sức tấn công nhằm chiếm Thành cổ. Lúc đó, đơn vị của tôi chiến đấu ở khu vực chợ Sải, huyện Triệu Phong. Đại đội 71 của tôi chia làm 6 mũi chốt chặn, riêng tôi được giao chỉ huy một mũi. Đêm 27-7, tôi đi phân phát thuốc lá cho anh em, mỗi người được 3 điếu. Mũi của tôi có 6 người, chiến đấu cầm cự một ngày một đêm.
Nhận lệnh của chỉ huy đơn vị, 5 mũi đã rút quân, chỉ còn lại mũi của tôi chưa kịp rút, địch đánh “nống” vào. Do quân địch đông, hỏa lực mạnh khiến mũi của tôi hy sinh mất 3 người. Đêm 28-7, trời tối đen. Địch bắn rát quá, đạn bay vèo vèo trên đầu. Bỗng cánh tay bên phải cầm súng của tôi bị trúng đạn, cánh tay và khẩu súng văng ra, tiếng nổ của lựu đạn địch sát người. Chân tôi tê dại nhưng vẫn tỉnh kịp gọi đồng đội: “Hải ơi, tao bị bắn bay mất một tay rồi”. Đồng đội bò lại chỗ tôi nằm, rồi vừa trườn vừa kéo tôi rút quân.
Mặc dù mất cánh tay phải nhưng ông Vũ Văn Soan vẫn làm được mọi việc bằng tay trái |
Trận đánh đó, tôi bị 47 vết thương trên người, đầu bị thương, mắt không nhìn thấy, tay phải bị mất bàn tay, sau hoại tử phải tháo khớp khuỷu tay, tay trái bị gãy phần xương cánh tay, chân phải dập nát, chân trái cũng bị thương, rồi trên người phần lưng, hông đều dính mảnh đạn… Đến bây giờ trong người tôi vẫn còn mấy mảnh đạn nữa, tai phải điếc một thời gian. Sau khi được đồng đội cứu khỏi vòng vây, tôi được đưa về bệnh viện tiền phương. Mất vài tháng, tôi lại tiếp tục được điều chuyển ra các bệnh viện ngoài Bắc điều trị mất mấy năm trời và về an dưỡng tại các trại điều dưỡng thương binh từ năm 1972 đến năm 1976”.
Với những chiến công trong chiến đấu và những đóng góp công sức, xương máu trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, ông Soan đã được trao tặng nhiều danh hiệu “Dũng sĩ quyết thắng”, Huân chương Chiến công hạng Ba, Bằng chứng nhận thương binh có hành động dũng cảm…
Trở về quê hương với thân thể chằng chịt vết thương, hạng 1/4, mất 91% sức khỏe, trước mắt ông là những tháng ngày u ám. Nhưng Vũ Văn Soan không bi quan. Ông luôn nỗ lực hết mình để cải thiện cuộc sống.
Năm 1977, ông lấy vợ, một cô giáo trường làng tên là Nguyễn Thị Thoan. Niềm vui hạnh phúc qua mau, những chuỗi ngày khó khăn nhanh chóng bao trùm lấy cuộc sống của vợ chồng người thương binh này. Lần lượt ba người con (2 trai, 1 gái) ra đời cùng gánh nặng cơm áo đè lên đôi vai gầy của vợ ông và thân thể yếu đau đầy thương tích của ông.
Ngày đó, phụ cấp thương binh của ông chẳng đáng là bao. Còn vợ ông giáo viên trường làng được tính bằng công điểm, chứ không có lương. Vì vậy, ngoài thời gian dạy học, vợ ông còn cấy mấy sào ruộng. Ông Soan thì hằng ngày vẫn làm đủ mọi thứ việc như một người lành lặn, có sức khỏe như đi mò cua, bắt cá để cái thiện bữa ăn. Có thời điểm, cân nặng ông chỉ còn 29kg!
“Những năm đầu thực vô cùng gian truân vất vả, vợ vừa dạy học, vừa lo công việc đồng áng, chăm sóc con cái. Còn tôi làm đủ các công việc, mò cua, đơm đó bắt tôm, bắt cá và cùng vợ đồng áng cấy cày. Có lần, hai vợ chồng đi tát nước, do chỉ còn một tay, chân thì yếu, đứng không vững nên mất đà ngã cắm mặt xuống ruộng, toàn thân bê bết bùn đất. Vợ tôi lại xuống đỡ dậy, dìu về nhà tắm rửa. Bà ấy nói vui, nước để tắm cho ông còn nhiều hơn nước tát vào ruộng. Lần sau rút kinh nghiệm, tôi đóng một cây cọc, buộc đầu dây tát nước lại, vợ đầu kia cứ điều khiển tát nước”.
Ông Soan còn trực tiếp chỉ bảo, hướng dẫn và tập cùng với những người khuyết tật đến với CLB của ông |
Ông Soan nghĩ, nếu cứ ở làng và bám vào đồng ruộng, mò cua bắt cá đổi bữa qua ngày sẽ chẳng thể nuôi được các con. Ông quyết định chuyển gia đình ra gần ga Tiền Trung, thuộc thôn Tiền Trung (sau này là khu dân cư khi xã lên phường), gần điểm giao cắt giữa QL5 và QL37 để làm ăn buôn bán. Ra chỗ ở mới, vợ chồng ông buôn bán và làm đủ việc. Có thời ông còn đốt lò gạch bán, rồi đứng ra quy tụ anh em biết về nghề xây dựng để thành lập đội xây dựng. Ông đi chào mời và nhận thầu các công trình xây dựng, rồi kéo anh em trong đội đi làm. Được mấy năm, ông Soan lại chuyển sang công việc chuyên thu mua sản phẩm hàng thủ công mỹ nghệ thảm cói để bán cho các công ty để xuất khẩu sang Đông Âu.
Làm ăn được, ông huy động vốn mở rộng làm ăn, thu mua rộng, nhiều thảm cói xuất khẩu. Thời làm ăn thịnh vượng, có ngày ông thu cả vài cây vàng. Nhưng rồi vận đen đến khiến ông rơi vào cảnh lao đao, thất bát, vỡ nợ, thậm chí có nguy cơ phải đối diện với pháp luật. “Hồi đó là năm 1989-1990, lúc này vì đang làm ăn được nên tôi rất hào hứng và đầu tư rất nhiều tiền để mua thảm cói để phòng tình huống khan hàng. “Ủ” hàng nhiều nên tôi phải huy động lượng vốn lớn để trả cho khách hàng. Nhưng rồi, lúc này diễn biến chính trị ở Đông Âu diễn ra đột ngột, đồng loạt, khiến tôi không kịp trở tay. Các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu sụp đổ dây chuyền, khiến bao hàng thảm cói của tôi không thể xuất khẩu được, cuối cùng đổ bể, vỡ nợ hàng tỉ đồng và tôi khoanh nợ trả dần gốc. Các đối tác cũng chia sẻ rủi ro với tôi nên tôi cũng không bị kiện và phải ra tòa” - ông Soan cho biết.
Sau vụ đó, ông Soan lại bắt tay gây dựng từ đầu, vay mượn được ít vốn, ông mở cửa hàng rửa xe máy, ôtô. Dần lại chuyển qua bán hàng tạp hóa, đến bán bia hơi, kẻ vẽ dán biển quảng cáo, sản xuất đá lạnh giải khát… Ông bảo: “Do cuộc sống thúc bách nên vợ chồng tôi làm đủ các công việc, miễn là có tiền và không vi phạm pháp luật để nuôi con”. Các con dần khôn lớn cũng đỡ đần được bố mẹ khá nhiều việc. Cuộc sống của gia đình ông cũng dần qua đận khó khăn và có cuộc sống ổn định. Đến nay, các con ông đều đã trưởng thành yên bề gia thất.
Thời điểm năm 1996-1997, khi các vết thương tái phát ông Soan suy nghĩ phải tìm một môn thể thao nào đó chơi nhằm mục đích rèn luyện sức khỏe cho dẻo dai chống lại bệnh tật. Lúc đó, ở xóm dân cư ga Tiền Trung có một bàn bóng bàn, chiều chiều quy tụ khá đông người đến chơi. Ban đầu ông Soan chống nạng đến xem cho vui, chứ chẳng bao giờ nghĩ với hình hài, sức khỏe của mình như vậy sẽ chơi được bóng bàn.
Ra xem thấy mọi người đánh bóng bàn ai cũng dẻo dai khỏe mạnh, ông thích quá và ước ao có sức khỏe như họ. “Khi vắng người, tôi mạnh dạn cầm vợt nhờ người hướng dẫn. Có người giễu cợt, họ bảo tôi sức khỏe, tay chân như thế chơi làm sao được, ngã ra đấy lại khổ vợ, khổ con”. Mặc họ nói, ông vẫn cứ cầm vợt tập. Miệt mài tập, những buổi đầu cầm vợt để đánh trúng bóng cũng rất khó khăn. Tay trái cầm vợt, vung vợt mãi chẳng trúng bóng. Mất hàng tuần lễ luyện tập ông mới thuần thục mấy động tác cơ bản.
Ông bảo bóng bàn đã giúp ông linh hoạt hơn, sức khỏe hồi phục tốt hơn, dẻo dai hơn. Thậm chí môn thể thao này còn giúp ông không phải chống nạng nữa. Càng chơi càng hay, trình độ chơi bóng của ông tiến bộ từng ngày, hè năm 2002 ông được gọi vào đội tuyển bóng bàn của tỉnh tham gia giải bóng bàn toàn quốc dành cho người khuyết tật. Giải năm đó ông đoạt Huy chương Vàng. Tiếp đó, ông được gọi vào đội tuyển quốc gia để tập huấn và tham gia các giải quốc tế. Ông tâm sự: “Ra sân chơi lớn, gặp nhiều đối thủ có trình độ nên để giành được huy chương lắm khi cũng phải “bật máu mắt”.
Ông còn nhớ dịp cuối năm 2005, tham gia Đại hội thể thao người khuyết tật Đông Nam Á lần thứ 3 ở Philippines. Khi vào chung kết tranh Huy chương Vàng, ông gặp đối thủ Ken-gu mang quốc tịch Malaysia. Vận động viên này còn nguyên hai cánh tay, chỉ bị khuyết tật ở chân. Anh ta trẻ hơn ông khoảng 20 tuổi, mức độ khuyết tật cũng nhẹ hơn nên động tác của anh ta nhanh lắm. Trận này diễn biến khá kịch tính, ông Soan và đối thủ giằng co quyết liệt, giành giật từng điểm, từng ván.
Đối thủ này có thế mạnh là những quả bạt khá hiểm, bám bàn bạt tốt lắm, khiến ông nhiều phen chống đỡ cũng khá vất vả. Do tuổi cao, sức yếu hơn, không thể chơi đôi công với đối thủ được, ông Soan phải dùng mưu mẹo, kinh nghiệm để “đấu” với anh ta. Ông chọn cách đánh bóng đẩy điểm rơi, để “điều” đối thủ theo đường bóng của mình. Ông cũng tìm điểm yếu của đối thủ để xoáy vào đó khiến đối phương cũng phải vất vả chống đỡ.
Séc đầu tiên ông Soan thắng 11-9, còn séc 2 anh ta “ăn” lại với tỉ số 12-10, séc 3 ông thắng lại 11-8, séc 4 anh ta “ăn” lại 11-9. Đến séc thứ 5, khi đang 9-9 đều, đến lượt ông Soan giao bóng, ông đã cho anh ta mắc bẫy. Quả giao bóng đầu tiên, ông nắm được đặc điểm của đối thủ là chuyên bám bàn, vì vậy ông giao thẳng ngay vào điểm chỗ bụng anh ta khiến anh ta không đỡ được. Còn quả giao bóng cuối cùng ông giao vừa tầm qua lưới ngay ở đầu bàn khiến anh ta nhoài người đỡ bóng qua, ông liền đập ngay khiến anh ta không kịp trở tay. Kết quả séc đấu đó, ông giành chiến thắng với tỉ số 11-9. Chung cuộc ông thắng với tổng tỉ số 3-2 giành Huy chương Vàng. Khi kết thúc trận đấu, anh ta cứ gật gật đầu và giơ ngón tay cái tỏ lòng khâm phục.
Ông còn kể về những trận chung kết của các giải khác, hay những trận đấu, khi đang đánh, những vết thương ở lưng, chân, tay tái phát đau nhức tưởng chừng ngất xỉu ngay tại sàn đấu. Tuy vậy ông vẫn cắn răng chịu đau để thi đấu cho đến khi không thể cố được nữa thì thôi. Vì nếu cố đánh tiếp một cách quyết liệt ông Soan có thể “gục” ngay tại bàn đấu.
Hiện nay, dù đã gần thất thập nhưng niềm say mê với môn bóng bàn của ông vẫn không hề giảm, hằng ngày 2 buổi sáng chiều, ông vẫn cầm vợt tập cùng với những VĐV bóng bàn khuyết tật và người dân trong khu dân cư tại phòng tập bóng bàn của nhà mình. Ngoài ra, cứ mỗi khi ở đâu mời giao lưu, ông lại cầm vợt cùng các thành viên của câu lạc bộ đi giao lưu trong và ngoài tỉnh. Thấy ông đam mê với bóng bàn, vợ con ông cũng không ai phản đối và còn tạo điều kiện để ông có thời gian tập luyện, thi đấu. Họ chỉ lo lắng nếu ông chơi bóng bàn nhiều sẽ mệt, ảnh hưởng đến sức khỏe. Nhưng vợ con thấy ông khỏe ra, ít ốm đau, đặc biệt là bệnh tim của ông đã “ngủ yên” không còn tái phát nên rất vui.
Ông Soan cũng cho biết: Nhiều người khuyết tật trong câu lạc bộ bóng bàn cũng nhờ được ông hướng dẫn, dạy bảo miễn phí và có chỗ để tập luyện thường xuyên nên tay vợt của họ cũng tiến bộ trông thấy. Cũng nhờ tập luyện bóng bàn mà sức khỏe của họ cũng tốt hơn, ít ốm đau. Thậm chí một số người đã trở thành VĐV bóng bàn, nhiều người cũng đạt nhiều huy chương vàng, bạc, đồng trong nước và quốc tế.
Đến nay, sau 20 năm đến với bóng bàn, ông Vũ Văn Soan đã giành tổng cộng 43 huy chương các loại, trong đó có 17 Huy chương Vàng, 13 Huy chương Bạc, 13 Huy chương Đồng. Trong tổng số huy chương đó có 29 huy chương cấp quốc gia, 12 huy chương Đông Nam Á, 2 huy chương châu Á và hàng chục Bằng khen, Giấy khen do các cấp trao tặng. Nhiều lần người thương binh nặng kiêm VĐV khuyết tật này được bình chọn là VĐV tiêu biểu của tỉnh, toàn quốc.
Khi được hỏi, bao giờ ông dự định sẽ “gác” vợt nghỉ ngơi, người VĐV già cười tâm sự: “Tôi sẽ còn chơi bóng bàn, tham gia thi đấu đến khi nào không cầm nổi vợt nữa thì thôi”.
Minh Khang