Người gây giống linh chi Việt Nam
Gọi PGS.TS Nguyễn Thị Chính là “bà chúa nấm” cũng không sai khi khắp nơi trong không gian rộng mà lại chật hẹp do được ngăn chia thành nhiều khu vực nghiên cứu, sản xuất… của ngôi nhà nằm cuối con hẻm trên đường Nguyễn Trãi của bà đều có hình ảnh của nấm. Từ sách trên giá đến các chai rượu trưng bày ngay trong phòng khách hay đồ lưu niệm… đều liên quan trực tiếp đến nấm. Thậm chí bước vào nhà bà là đã thấy mùi hương thoang thoảng của sinh khối nấm linh chi, một sản phẩm thu được trong quá trình trồng nấm. Nấm là lẽ sống và cũng là sự sống của bà.
PGS.TS Nguyễn Thị Chính trong phòng thí nghiệm cấy giống đông trùng hạ thảo |
Bà kể, thuở tóc còn xanh, cuộc đời bà đã gắn với sinh học một cách tự nhiên như “nó phải thế”. Bởi đối với một người phụ nữ gốc Hà thành như bà, sinh học là một môn khoa học mà càng học, nghiên cứu sâu càng thấy hấp dẫn, thú vị giống như mở ra một chân trời mới, một thế giới khác vô cùng sinh động với nhiều điều kỳ diệu. Như loài nấm dược liệu, thoạt nhìn trông khô khốc đúng như gỗ, chỉ khác là nó tròn, dày giống như một chiếc ô trổ ra từ thân cây với nhiều kích cỡ khác nhau. Nhưng bên trong đó lại là hàng loạt hoạt chất vô cùng bổ ích vừa phòng bệnh vừa trị bệnh cho con người. Thế nhưng trước khi “bén duyên” với nấm dược liệu, PGS.TS Nguyễn Thị Chính đã một thời gian dài chỉ nghiên cứu nấm ăn. Thời gian dài chỉ nghiên cứu loại nấm mang tính thực phẩm ấy tưởng chừng đơn giản nhưng hóa ra sau này lại là nền tảng vững chắc kết hợp với kiến thức chuyên ngành mà bà đã bảo vệ luận án tiến sĩ sinh học ở Séc (xưa gọi là Tiệp Khắc) trong thập niên 80 của thế kỷ trước đã trở thành cơ sở để bà phát triển nấm dược liệu ở trong nước.
Năm 1993, sau khi tham dự một hội nghị về nấm quốc tế ở Hồng Kông, trở về nước bà quyết tâm chuyển sang nghiên cứu nấm dược liệu, trong đó có nấm linh chi và đông trùng hạ thảo. Bởi ở đó bà đã nhận ra nấm dược liệu quá quý đối với sức khỏe con người, đặc biệt qua hình ảnh người phụ nữ - nhân chứng sống tại Hội nghị nấm quốc tế Hồng Kông cho thấy những hữu hiệu của chúng. Người phụ nữ đó suốt 15 năm dòng rã ốm đau, bệnh tật đi khắp các bệnh viện để chữa trị nhưng không khỏi. Tuy nhiên, sau khi sử dụng nấm linh chi như một “cứu cánh” cuối cùng thì lạ thay bệnh tật lại lui, hồi phục sức khỏe cho người phụ nữ đó.
PGS.TS Nguyễn Thị Chính tâm sự: “Thời kỳ đầu nghiên cứu cấy giống và nhân giống nấm linh chi cũng như đông trùng hạ thảo ở trong nước, tôi rất lo lắng. Bởi cái khó nhất trong kỹ thuật trồng là làm sao phải bảo đảm các hoạt chất của loài dược liệu này đồng thời năng suất phải đạt như mình mong muốn. Vậy điều kiện đầu tiên phải lựa chọn là cấy giống như thế nào, chọn nguyên liệu trồng cũng như môi trường dinh dưỡng, nhiệt độ ra sao để đạt kết quả ít nhất bước đầu là mức độ “tổn thất” ít”.
Thế nhưng theo PGS.TS Nguyễn Thị Chính rất may là ngay “mẻ” thử nghiệm đầu tiên, với kinh nghiệm và kiến thức đã lĩnh hội được trong quá trình nghiên cứu, khi áp dụng bà đã thành công, thậm chí hơn cả mong đợi, đặc biệt là với nấm linh chi khi trồng cây nào sống cây ấy, nấm ra quả thể 100%. Và quan trọng hơn nữa các hoạt chất trong nấm linh chi do bà nuôi cấy đạt chỉ số vượt trội. Để được như vậy, bà kể bà đã phải kỳ công chọn lựa từng loại mùn cưa để lấy loại tốt nhất có thể thích ứng với cây và giúp cây phát triển tốt cả về số lượng và chất lượng. Rồi bà cân nhắc, lọc, lựa từng loại dinh dưỡng để trộn lẫn vào mùn cưa nuôi sống cây; Duy trì nhiệt độ thích hợp cho cây v.v… Đó là cả một quá trình lao động khoa học cực nhọc nhưng cũng là thành tựu của một thời gian dài say sưa nghiên cứu, học hỏi của PGS.TS Nguyễn Thị Chính.
Tuy nhiên, sự thành công đó của bà chưa phải là lớn nhất nếu so sánh với thành quả sau đó. Bởi bắt đầu từ đó bà tìm ra cách trồng khác để có thể thu được sản phẩm nấm linh chi cho hoạt chất tốt hơn bội lần so với nuôi linh chi dạng quả thể ấy là nuôi linh chi dạng sinh khối sợi, nghĩa là trồng theo hình thức lên men rồi chỉ thu hoạch linh chi khi còn ở dạng sợi chứ không để nó phát triển thành quả thể (quả thể là do các sợi nấm kết bè tạo thành) và kỹ thuật thu hoạch bào tử linh chi. Với linh chi dạng sinh khối sợi, sau khi kiểm nghiệm đã cho thấy hoạt chất protein lên tới 16,4%; đường 20,5%; lipit gần 2,3%, các enzym như xenlulaza, amylaza, proteaza… khá mạnh. Đặc biệt thành phần Glucan để chống ung bướu đạt 36%, khả năng chống oxy tự do đạt khoảng 60%. Các nhà khoa học đã thử nghiệm trên chuột thì khả năng chống tế bào ung thư của sinh khối sợi linh chi của PGS.TS Nguyễn Thị Chính là hơn 87%, gấp 10 lần so với quả thể (chỉ đạt 8,7%).
Nông dân ở Phúc Thọ, Hà Nội thăm trang trại trồng nấm của PGS.TS Nguyễn Thị Chính |
Với bào tử linh chi thì có thể nói đó cũng là bước đột phá của TS Chính khi với bào tử chính là lớp phấn phủ trên mặt ngoài của nấm linh chi, bà đã thu hoạch được để làm dược liệu quý nhằm phòng chống ung thư rất hiệu quả. Nếu bình thường cứ 1 tấn quả thể khô mới thu được 1kg bào tử linh chi thì với kỹ thuật của bà chỉ 3-5kg quả thể khô đã thu được 1kg bào tử. Bà khẳng định đây là dược liệu quý nhất của linh chi bởi so với quả thể, hiệu quả của bào tử tốt gấp 75%. Và mỗi năm, dù chỉ trồng được một 1 vụ duy nhất vào dịp hè-thu, PGS.TS Nguyễn Thị Chính cũng thu hoạch được 10 tấn quả thể/vụ, 30-40 tấn sinh khối sợi/vụ…
Không chỉ ở nuôi trồng nấm linh chi mà PGS.TS Nguyễn Thị Chính cũng đã thành công với đông trùng hạ thảo.
Tuy nhiên, điều đáng nói hơn cả trong nuôi trồng đông trùng hạ thảo của PGS.TS Nguyễn Thị Chính chính là đã phân lập được giống đông trùng hạ thảo của Việt Nam bên cạnh chủng giống của Trung Quốc. Theo bà đông trùng hạ thảo có 2 loại, một loại như con sâu chít thì hiện chưa nuôi trồng nhân tạo được. Còn loại đông trùng hạ thảo có màu cam vàng như cà rốt thì bà đã nuôi trồng được. Chính màu cam vàng ấy bà khẳng định là hoạt chất Caroten, một chất kìm hãm sự phát triển của tế bào ung thư, nhằm hỗ trợ điều trị ung thư rất tốt. Ngoài ra, năng lượng mà đông trùng hạ thảo cung cấp đạt chỉ số vượt trội hơn hẳn so với nhiều loại dược liệu khác.
PGS.TS Nguyễn Thị Chính đã được trao tặng nhiều giải thưởng uy tín như Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ năm 2002, giải thưởng Tinh hoa Việt Nam năm 2006, Giải thưởng Nữ doanh nhân Mê Kông và “Phụ nữ sáng tạo Việt Nam” năm 2013… Đó là niềm vui, niềm hạnh phúc, ghi nhận sự lao động, sáng tạo không biết mệt mỏi của bà. Nhưng với bà niềm vui, hạnh phúc ấy còn lớn hơn nhiều khi kỹ thuật nuôi trồng nấm dược liệu do bà sáng tạo được chuyển giao cho nhiều hộ nông dân trên khắp đất nước từ miền ngược đến miền xuôi, từ miền Nam ra miền Bắc để giúp họ nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo…
Bà tâm sự: “Thật là vui khi thành quả của tôi lại trở nên có ý nghĩa không chỉ về khoa học mà còn về cả kinh tế, xã hội như vậy. Đó sẽ là động lực để giúp tôi nỗ lực hơn nữa, sáng tạo hơn nữa nhằm đóng góp tiếp tục vào sự nghiệp phát triển khoa học và đất nước”.
Tú Anh
Năng lượng Mới 462
-
Thủ tướng gặp mặt đại diện các nhà giáo tiêu biểu năm 2024
-
Chiến thắng Bình Giã: Sức mạnh toàn dân làm nên mốc son lịch sử
-
Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam - Những vấn đề lý luận và thực tiễn
-
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo gỡ khó cho doanh nghiệp hóa dầu
-
Kỷ nguyên vươn mình của Việt Nam trong thời đại mới