“Người dân mất niềm tin vào nhà thầu Trung Quốc cũng dễ hiểu!”
Đại biểu Bùi Thị An cho rằng, người dân mất niềm tin vào nhà thầu Trung Quốc cũng là điều dễ hiểu. |
Liên quan đến việc nhà thầu Xingxing của Trung Quốc vừa trúng gói thầu cung cấp đường ống gang dẻo dẫn nước sạch từ sông Đà về Hà Nội, ngày 25/3, bên hành lang Quốc hội, nhiều đại biểu đã “mổ xẻ” làm rõ những vấn đề liên quan.
Đại biểu Bùi Thị An (TP Hà Nội) cho rằng, đường ống nước sông Đà rất quan trọng vì nó ảnh hưởng đến cuộc sống của dân, an sinh xã hội. Nếu như mất nước sẽ có hàng vạn người TP Hà Nội bị ảnh hưởng.
“Vì sao họ (công ty Xingxing của Trung Quốc) thắng, tôi không ở trong hội đồng xét thầu nên không biết. Vì vậy, tôi đề nghị người chọn thầu phải công bố công khai toàn bộ tiêu chí về mặt kỹ thuật của đường ống nước sông Đà”, đại biểu Bùi Thị An nói.
Theo đại biểu Bùi Thị An sau hàng loạt sự cố đường ống số 1 dẫn nước sạch sông Đà từ Hòa Bình về Hà Nội, đường ống số 2 phải công khai tất cả những vấn đề liên quan đến cộng đồng giám sát. Lý do đại biểu đề nghị như vậy vì sau này nếu có sự cố gì xảy ra thì căn cứ vào đó các vị chấm thầu và chọn thầu chịu trách nhiệm trước dân, trước Quốc hội, trước TP Hà Nội.
Bà An cũng cho biết thêm, với dự án đường ống nước sông Đà giai đoạn 1, đường ống đã dùng công nghệ Trung Quốc, 3 năm 17 sự cố. Vì thế, giai đoạn 2 chúng ta lại tiếp tục lựa chọn nhà thầu Trung Quốc, thì cũng nên tham khảo ý kiến của các chuyên gia về ngành cấp thoát nước, vật liệu.
“Có quá nhiều công trình do nhà thầu Trung Quốc thi công khiến người dân lo lắng. Do vậy, người dân mất niềm tin vào năng lực nhà thầu Trung Quốc cũng là điều dễ hiểu. Vì thế, cần có những cam kết công khai, rõ ràng từ phía chủ đầu tư và nhà thầu cung cấp vật liệu”, đại biểu Bùi Thị An nói.
Đại biểu Trần Du Lịch cho rằng, nhiều dự án giá rẻ nhưng chất lượng kém . |
Cùng vấn đề trên, đại biểu Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, lâu nay, chúng ta bị “lệch lạc” khi chỉ xem xét đến vấn đề giá và ngay trong Luật Đấu thầu. Đại biểu Lịch cho biết, ông đã nêu ý kiến về việc “tiền nào của ấy, dự án giá rẻ nhưng cuối cùng lại đắt”.
“Dự án giá rẻ nhưng cuối cùng chất lượng kém, kéo dài thời gian thành đắt và đây là bài học nhãn tiền. Nếu đấu thầu những công trình mà chỉ dựa vào giá sẽ là lợi bất cập hại. Còn trong đấu thầu, giá chỉ là một điểm tham khảo còn yếu tố quan trọng hơn, đó là thời gian và đây chính là tiền bạc”, đại biểu Trần Du Lịch phân tích rõ.
Lý giải cho việc, vì sao cứ nhắc đến nhà thầu Trung Quốc thắng thầu dân lại có vẻ lo lắng, ông Lịch bày tỏ, đó chính là do lâu nay, chất lượng của nhiều công trình nhà thầu Trung Quốc thi công quá kém dẫn đến tâm lý của người dân cảm thấy sợ.
“Từ xi măng lò đứng tới nhà máy điện, đường sắt trên cao rồi bao nhiêu công trình do nhà thầu Trung Quốc làm giá rẻ nhưng cuối cùng lại kéo dài thời gian thi công, đội giá lên... đã làm cho người ta mất cảm tình”, ông Lịch nói rõ.
Tuy nhiên, ông Lịch cũng nhìn nhận, ở đây có một sự hơi ác cảm với nhà thầu Trung Quốc nhưng quan điểm của ông thì không nên như vậy. Theo đại biểu nên nhìn từng cái cụ thể, xem công nghệ của đơn vị đó sử dụng như thế nào. Nếu như chất lượng, công nghệ tốt, thời gian thi công tốt thì không nên ác cảm.
Quang Phong
Dân trí
-
Những ‘lo ngại’ thiếu định lượng sẽ làm hiểu sai tác động thuế GTGT phân bón 5% với nông dân
-
Tin tức kinh tế ngày 29/10: Giá vé máy bay Tết 2025 tăng 8 - 10%
-
Tín dụng tăng trưởng ổn định, lợi nhuận 3 quý của VPBank tăng 67% so với cùng kỳ
-
Hoa Kỳ tiếp tục tìm mua 3 triệu thùng dầu dự trữ khẩn cấp
-
Áp thuế GTGT 5% không có nghĩa sẽ làm tăng giá phân bón