Người cựu chiến binh vật lộn trong "cuộc chiến" làm kinh tế
Trở về địa phương với muôn vàn khó khăn, cựu chiến binh Vũ Văn Hạt (68 tuổi) đã phải nỗ lực vượt khó vươn lên. Cuối cùng ông đã thành công với nghề "đưa đất nước vào khuôn khổ", tạo việc làm cho nhiều người.
Những ngày đầu tháng 7, chúng tôi tìm về cơ sở sản xuất gạch tuynel của cựu chiến binh Vũ Văn Hạt (68 tuổi, ở xã Đại Sơn, huyện Tứ Kỳ, Hải Dương) để nghe ông kể chuyện về một thời khói lửa của chiến tranh và nghị lực vươn lên làm kinh tế, tạo việc làm cho nhiều người ở địa phương.
Ông Hạt sinh ra và lớn lên ở xã Bình Lãng (Tứ Kỳ, Hải Dương). Năm 1975, ông tốt nghiệp THPT Tứ Kỳ, sau đó đi học đại học cơ điện ở tỉnh Bắc Thái (nay là tỉnh Thái Nguyên). Đến năm 1978, khi cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc nổ ra, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng Tổ quốc ông lên đường nhập ngũ. Đơn vị của ông Hạt đóng quân ở Cao Bằng.
Ngày 17/2/1979, 60 vạn quân Trung Quốc đồng loạt vượt biên giới kéo dài 1.400km tiến vào 6 tỉnh của Việt Nam gồm Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Tuyên (Hà Giang, Tuyên Quang), Hoàng Liên Sơn (Lào Cai và Yên Bái), Lai Châu.
Quân dân Việt Nam, trong đó có đơn vị của ông Hạt, đã kiên cường chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, loại khỏi vòng chiến đấu 62.500 tên địch, tiêu diệt và đánh thiệt hại nặng 3 trung đoàn, 18 tiểu đoàn; bắn cháy và phá hủy 550 xe quân sự; phá hủy 115 khẩu pháo và súng cối hạng nặng…
Năm 1980 ông Hạt được kết nạp Đảng.
Năm 1982, cựu chiến binh Vũ Văn Hạt xuất ngũ trở về địa phương. Lúc này, bố mẹ ông già yếu, nhà có 2 anh em trai, người anh vẫn công tác trong quân đội ở miền Nam.
Giai đoạn này, kinh tế của cả nước nói chung, của gia đình ông Hạt nói riêng rất khó khăn. Với bản lĩnh của người lính từng vào sinh ra tử trong khói lửa chiến tranh, ông Hạt không khoanh tay đứng nhìn mà tìm đủ mọi cách để làm kinh tế.
Ông kể, mới đầu ông buôn bán nhỏ để kiếm sống qua ngày. Sau khi đi nhiều nơi, ông thấy nhiều người làm kinh tế và có cuộc sống khá giả nên học theo.
Người cựu chiến binh năm đó đã sang huyện Thanh Hà (Hải Dương) học cách đắp lò để nung thành vôi. Ông đã thuê người đi mua đá về rồi nung thành vôi bán cho người dân địa phương để dùng cho xây dựng. Lúc này vật liệu xây dựng khan hiếm, vôi của ông nung ra đến đâu bán hết đến đó.
Có chút vốn liếng làm ăn từ việc nung lò vôi, năm 1994, ông Hạt mạnh dạn xuống tiền đấu thầu 1 lô đất rộng 50 mẫu ở xã Đông Kỳ (Tứ Kỳ, Hải Dương).
"Lúc đó tôi kêu gọi bạn bè ở Hưng Yên, TP Hải Dương làm cùng. Chúng tôi xây dựng khoảng 50 lò gạch thủ công tại lô đất đấu thầu này. Giai đoạn này lò gạch phát triển rất tốt, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương", ông Hạt kể.
Nhưng dường như khó khăn lại tiếp tục thử lòng người cựu chiến binh. Ông làm được mấy năm thì tỉnh Hải Dương có quyết định xóa bỏ lò gạch thủ công vì không đảm bảo môi trường. Khoảng năm 2005, Hải Dương quyết định chấm dứt vĩnh viễn lò gạch thủ công trên phạm vi toàn tỉnh, thay thế bằng công nghệ lò đứng đốt liên tục.
Công nghệ lò đứng đốt liên tục là sản phẩm của Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội với 2 Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Khoa học và Công nghệ của tỉnh Hải Dương.
"Tôi là người đầu tiên của tiếp nhận sản phẩm công nghệ lò đứng đốt liên tục. Thời điểm đó, công nghệ này là rất ưu việt, giảm thiểu rất tốt ô nhiễm môi trường so với lò gạch thủ công trước đó", ông Hạt chia sẻ.
Tuy nhiên, tiếp nhận và đưa vào sử dụng một thời gian, công nghệ này cũng bộc lộ khuyết điểm như: Kích thước nhỏ dẫn đến sản xuất manh mún; người lao động vẫn phải gánh gạch thủ công lên lò cao 6m, sau đó hạ gạch bằng tay kéo từ trên lò xuống rất vất vả.
Trước bất cập trên, người cựu chiến binh lại tìm cách cải tiến, khắc phục. Ông đã mời các kỹ sư điện đến bàn bạc và đi đến thống nhất, các công đoạn mà người lao động phải làm thủ công đều được thay thế tự động bằng điện.
Sau khi cải tiến thành công bất cập trên, tại tỉnh Hải Dương đã có nhiều chủ đầu tư tìm đến ông học hỏi và xin được chuyển giao công nghệ. Giai đoạn này, công nghệ lò đứng đốt liên tục ở Hải Dương phát triển rầm rộ, thuộc loại tốt nhất ở miền Bắc.
Chưa kịp thu hồi vốn khi bỏ ra số tiền nhiều tỷ đồng đầu tư công nghệ lò đứng đốt liên tục để sản xuất gạch, thì đến năm 2014 tỉnh Hải Dương lại có chủ trương xóa tất cả lò gạch thủ công, trong đó có cả lò đứng đốt liên tục.
Thời điểm trên, tỉnh Hải Dương và huyện Tứ Kỳ đã cho người xuống động viên ông Hạt xóa sổ lò gạch và ông là người đầu tiên gương mẫu chấp hành.
Dẫn tôi đi ra xem cơ sở sản xuất gạch hiện tại, ông Hạt kể, sau khi công nghệ lò đứng đốt liên tục bị xóa bỏ, ông đã quyết "tất tay" đầu tư gần 30 tỷ đồng để mua lại cơ sở sản xuất gạch bằng công nghệ tuynel.
Lò gạch tuynel về tay ông Hạt từ năm 2015, nhưng công nghệ, cơ sở vật chất đã có tuổi đời 12 năm nên xuống cấp, hư hỏng nhiều.
Năm 2016, ông Hạt xin giấy phép để xây dựng, làm mới lại hoàn toàn lò gạch tuynel này và hoạt động ổn định cho đến ngày hôm nay.
Cơ sở sản xuất gạch tuynel của ông Hạt đang tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động là người dân địa phương. Lao động chủ yếu là người có hoàn cảnh khó khăn, con em thương binh, gia đình chính sách.
"Lò gạch tuynel của tôi hoạt động đến ngày hôm nay cũng gần 10 năm rồi, mang lại hiệu quả kinh tế tốt. Bình quân lương của cán bộ, công nhân là 8,5 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, các mức lương cao, thấp áp dụng tùy từng bộ phận, từng người, năng suất lao động,… Có bộ phận lương cũng tới 14 triệu đồng/tháng. Lương chúng tôi trả cho người lao động thuộc top cao trong cụm công nghiệp ở đây", ông Hạt nói.
Gắn bó với cơ sở sản xuất gạch của cựu chiến binh Vũ Văn Hạt được 6 năm, anh Nguyễn Văn Miển (47 tuổi, ở xã Đại Sơn, Tứ Kỳ - Hải Dương) chia sẻ: "Tôi làm ở bộ phận tạo hình đóng gạch mộc. Công việc ở đây rất ổn định, lương bình quân của tôi cũng được hơn 10 triệu đồng/tháng. Với đồng lương như vậy tôi cũng đủ trang trải cuộc sống, lo cho gia đình".
Nói về yếu tố môi trường của nghệ tuynel, ông Hạt chia sẻ, trước kia công đoạn làm gạch mộc là từ đất nhão, viên gạch còn chứa nhiều nước bên trong, nên khi quá trình nung đất khói thoát lên không khí nhiều. Với công nghệ làm gạch tuynel, gạch mộc được đóng bằng ván khô, đóng xong viên gạch cứng hết, tỷ lệ nước còn lại rất nên không phải phơi.
Ngoài ra, với công nghệ tuynel, quá trình nung đốt gạch nhiệt thừa thay vì thải ra không khí sẽ được thu lại đưa vào lò để sấy gạch mộc (gạch chưa nung) nên đảm bảo an toàn cho môi trường.
"Cứ 6 tháng 1 lần, cán bộ của Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương đến khoan ống khói để lấy mẫu khói kiểm tra, đều cho kết quả ô nhiễm môi trường bằng 0. Chính vì vậy, mặc dù sản xuất gạch gần khu dân cư nhưng hoàn toàn không nhả khói ra môi trường, người dân không có ý kiến về vấn đề ô nhiễm môi trường", ông Hạt cho biết.
Hải Dương hiện có khoảng 35 cơ sở sản xuất gạch, cựu chiến binh Vũ Văn Hạt được bầu làm Chủ tịch Hiệp hội sản xuất gạch Hải Dương.
Vậy là, đến nay người chiến binh già đã gắn bó với nghề "đưa đất nước vào khuôn khổ" được gần 30 năm với bao thăng trầm. Ông tâm sự, ở cái tuổi gần thất thập, sức khỏe đã giảm sút nhiều, nhưng ông không cho phép mình nghỉ ngơi, bởi ông vẫn yêu nghề, nhiều người lao động vẫn cần đến ông.
Không chỉ có nghị lực vượt qua khó khăn để làm kinh tế giỏi, tạo việc làm cho nhiều lao động, cựu chiến binh Vũ Văn Hạt còn rất tích cực tham gia đóng góp cho các hoạt động xã hội của địa phương.
Nói về vấn đề này, Bí thư xã Đại Sơn Đoàn Văn Khẩn xác nhận, mối quan hệ giữa cơ sở sản xuất gạch của ông Hạt và địa phương luôn duy trì tốt. Cơ sở đã tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương, từ đó có thu nhập ổn định, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của xã.
"Ông Hạt rất tích cực tham gia các cuộc vận động của địa phương như: Quỹ đền ơn đáp nghĩa, Quỹ vì người nghèo, Quỹ khuyến học, Quỹ nạn nhân chất độc da cam…", ông Khẩn chia sẻ.
Theo Dân trí
"Được sống và trở về là điều quá may mắn và hạnh phúc" |
Cựu chiến binh nặng lòng với vùng đất lửa |