Nghị quyết số 41-NQ/TW: Doanh nhân phải biết điều tiết sự cạnh tranh
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh chia sẻ với PV về Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới.
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh. |
- Nghị quyết số 41 yêu cầu nâng cao ý thức, trách nhiệm của doanh nhân, doanh nghiệp đối với xã hội, nhất là trong cung ứng sản phẩm, dịch vụ bảo đảm chất lượng. Ông bình luận về vấn đề này như thế nào?
Để phát triển bền vững, ngoài việc nâng cao chất lượng sản phẩm, doanh nghiệp, doanh nhân phải có trách nhiệm bảo vệ người tiêu dùng theo quy định của pháp luật. Nhu cầu và đòi hỏi của người tiêu dùng về chất lượng dịch vụ, hàng hóa ngày càng cao.
Điều này buộc các doanh nghiệp cung ứng hàng hóa, nhà cung cấp dịch vụ phải biết tôn trọng khách hàng và thỏa mãn nhu cầu đó. Những sản phẩm không rõ ràng về nguồn gốc, nhãn mác, chất lượng và hạn sử dụng sẽ bị tẩy chay, thậm chí không thể tồn tại.
Nếu muốn chiếm lĩnh niềm tin của người tiêu dùng, doanh nhân, doanh nghiệp cần chú trọng đến sản phẩm và chất lượng dịch vụ thay vì quảng cáo quá mức về công dụng của sản phẩm.
Trách nhiệm của doanh nhân đối với người tiêu dùng phải được biểu hiện trên các phương diện, đó là đảm bảo phẩm cấp, chất lượng của sản phẩm, dịch vụ khi đưa ra thị trường, minh bạch hóa thông tin, giúp người tiêu dùng phân biệt, lựa chọn đúng sản phẩm, dịch vụ theo nhu cầu của họ.
Cùng với đó, doanh nhân phải có trách nhiệm định hướng để người tiêu dùng sử dụng hiệu quả sản phẩm, dịch vụ do doanh nghiệp mình cung cấp, cảnh báo cho khách hàng biết về những sản phẩm không đạt yêu cầu về độ an toàn hay không đảm bảo vệ sinh thực phẩm đang hiện hữu trên thị trường.
- Nghị quyết số 41 cũng yêu cầu việc giữ gìn uy tín, thương hiệu doanh nghiệp, chú trọng bảo vệ môi trường, thưa ông?
Với mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận và sự sáng tạo những thủ pháp cạnh tranh trong kinh doanh, các doanh nghiệp khi tham gia thương trường đã không ngừng tiến hành cải tiến và nâng cao trình độ công nghệ, trình độ quản lý lao động, quản lý sản xuất kinh doanh để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của khách hàng.
Tuy nhiên, bên cạnh những chiến lược nâng cao khả năng kinh doanh chính đáng, thì vẫn còn phát sinh nhiều “toan tính” không lành mạnh nhằm tiêu diệt đối thủ để chiếm lĩnh vị trí thống lĩnh thị trường, giảm bớt sức ép của cạnh tranh, nhiều thủ đoạn chiếm đoạt thị phần của người khác một cách bất chính, lừa dối khách hàng để trục lợi…
Những biểu hiện không lành mạnh này ngày càng phát triển cả về số lượng lẫn độ phức tạp trong biểu hiện, làm ô nhiễm môi trường kinh doanh của thị trường.
Để đảm bảo thị trường cạnh tranh lành mạnh, trong sạch, xã hội công bằng góp phần thúc đẩy các thành phần kinh tế cùng phát triển, các doanh nhân phải biết điều tiết sự cạnh tranh nhằm tạo ra một sân chơi công bằng cho tất cả mọi người.
Thực tế, nhiều doanh nghiệp mải chạy theo doanh thu và lợi nhuận nên đã không chú trọng đến công tác bảo vệ môi trường, để lại nhiều tác động tiêu cực tới môi trường.
Đơn cử, khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của hoạt động sản xuất, kinh doanh, với những dây chuyền công nghệ lạc hậu, sử dụng kém hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên là hệ quả tất yếu.
Lượng chất thải công nghiệp từ hoạt động sản xuất, kinh doanh gây suy thoái, ô nhiễm môi trường xung quanh, ảnh hưởng tới sức khỏe của con người, nhập khẩu những sản phẩm hàng hóa không thân thiện với môi trường cũng gây ô nhiễm môi trường.
Do đó, trách nhiệm của doanh nhân với cương vị là người quản lý doanh nghiệp có trách nhiệm điều hành, chỉ đạo doanh nghiệp của mình thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường.
- Đặc biệt, Nghị quyết 41 nhấn mạnh phải lên án, ngăn chặn, kiên quyết xử lý doanh nhân, doanh nghiệp vi phạm đạo đức, văn hoá kinh doanh, vi phạm pháp luật. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Ngày nay, kinh tế thị trường tác động đến đạo đức doanh nhân, làm đạo đức doanh nhân có thể thay đổi theo hai hướng tích cực và tiêu cực. Những doanh nhân chân chính luôn tôn trọng đối tác, tôn trọng người lao động, giữ chữ tín, cạnh tranh bình đẳng, trung thực, tương trợ lẫn nhau, coi trọng trách nhiệm xã hội.
Đối lập với họ là những doanh nhân luôn dùng thủ đoạn để kiếm lời, coi thường đối tác, bóc lột quá mức người lao động, xem thường trách nhiệm xã hội, vi phạm các chuẩn mực đạo đức kinh doanh.
Để có một cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân văn hóa, trước hết phải có hệ thống pháp luật xử lý những doanh nghiệp vi phạm, tuyên dương các doanh nhân điển hình, kêu gọi doanh nghiệp hành xử có văn hóa.
Đạo đức doanh nhân được kết hợp hai khía cạnh, đó là giáo dục về mặt đạo đức và kiện toàn hệ thống pháp luật để các hành vi kinh doanh đi theo khuôn khổ pháp luật và quỹ đạo của các chuẩn mực đạo đức xã hội.
Không một pháp luật nào có thể quy định được tất cả các chuẩn mực cho mọi hành vi kinh doanh có đạo đức và cũng không có cách thức giáo dục nào có thể ngăn ngừa được tư tưởng dẫn đến hành vi sai trái trong thực tiễn. Thực tế, pháp luật càng đầy đủ, chặt chẽ thì đạo đức càng được đề cao và ngăn chặn hành vi phi pháp có hiệu quả.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Theo Diễn đàn Doanh nghiệp
Nhiều cơ chế, chính sách đang làm… khó ngành Dầu khí Sự chậm trễ trong việc đưa ra các giải pháp, chính sách cụ thể để hiện thực hóa các mục tiêu được đề ra trong Nghị quyết 41-NQ/TƯ ngày 23-7-2015 về định hướng chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2035 đang đặt ngành Dầu khí trước những khó khăn, thách thức cũng như rủi ro vô cùng lớn. |
-
Chân chạy VPI phá kỷ lục ở VPBank Hanoi International Marathon 2024
-
Tin tức kinh tế ngày 18/10: Standard Chartered nâng mức dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam lên 6,8%
-
Giá dầu hôm nay (18/10): Dầu thô tăng trở lại
-
Tăng trưởng tín dụng đạt 9%, kỳ vọng bứt phá những tháng cuối năm
-
Giá vàng hôm nay (18/10): Tiếp đà tăng mạnh