Nắng nóng làm Việt Nam tổn thất khoảng 236 nghìn tỷ đồng mỗi năm
Theo một nghiên cứu từ các nhà nghiên cứu tại Đại học Duke, được công bố trên Tạp chí môi trường Environmental Research Letters ngày 13/1, hiện nay, nắng nóng (trong điều kiện độ ẩm cao) gây thiệt hại 677 tỷ giờ lao động, trị giá tới 2,1 nghìn tỷ đô la hằng năm và biến đổi khí hậu do con người gây ra đang làm trầm trọng thêm những thiệt hại này.
Hà Nội nắng nóng khiến người lao động mất hàng trăm giờ làm việc mỗi năm. |
Nắng nóng, đặc biệt là khi kết hợp với độ ẩm cao, có thể khiến hoạt động của con người chững lại, đặc biệt khi họ đang làm những công việc nặng nhọc trong ngành nông nghiệp hoặc xây dựng. Khi khí hậu ngày càng nóng lên do phát thải khí nhà kính, mỗi mức tăng nhiệt độ nhỏ sẽ khiến thời gian làm việc bị thất thoát nhiều hơn vì các lý do liên quan đến nhiệt độ. Trong bốn thập kỷ qua, tổn thất lao động liên quan đến mức nhiệt đã tăng ít nhất 9% (> 60 tỷ giờ hàng năm) khi nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng khoảng 0,4°C do các hoạt động của con người.
Ước tính mới về mất việc làm do nắng nóng và độ ẩm cao này nhiều hơn khoảng 400 tỷ giờ so với các ước tính được sử dụng rộng rãi khác - gần bằng với khối lượng công việc bị mất trong đại dịch Covid-19 - do có nhiều dữ liệu cập nhật hơn về mức độ ảnh hưởng của nhiệt và độ ẩm đối với những người làm các công việc nặng. Dữ liệu mới cho thấy năng suất lao động có thể bị giảm, chậm lại ở mức nhiệt và độ ẩm còn thấp hơn so với giả định trước đây.
Một số quốc gia đặc biệt bị ảnh hưởng nặng nề bởi tổn thất lao động do nắng nóng. Ví dụ, Ấn Độ hiện mất khoảng 259 tỷ giờ làm việc mỗi năm do tác động của nhiệt độ và độ ẩm đối với lao động, cao hơn gấp đôi so với ước tính trước đây. Thiệt hại tính theo sức mua tương đương (PPP) ước tính là 624 tỷ USD. Trong khi đó, giá trị PPP mà Hoa Kỳ thất thoát là 98 tỷ đô la mỗi năm. Nếu không cắt giảm khí thải nhanh chóng, biến đổi khí hậu có thể sẽ làm trầm trọng thêm thiệt hại ở các nước vốn đã nắng nóng và các quốc gia có khí hậu mát hơn trong thời gian trước sẽ bắt đầu chịu nhiều tổn thất lao động đáng kể hơn.
TS Luke Parsons cho biết: "Nếu những người lao động ngoài trời bị giảm năng suất ở mức nhiệt độ và độ ẩm thấp hơn này, thì tổn thất lao động ở các vùng nhiệt đới có thể lên tới 500 đến 600 giờ/người/năm, cao hơn gấp đôi so với ước tính trước đây. Hơn nữa, tổn thất lao động đáng kể - tổn thất hơn 1 tuần làm việc/người/năm liên quan đến điều kiện nhiệt độ và độ ẩm - đã có thể xảy ra ở nhiều nơi có vĩ độ trung bình, khí hậu nóng và ẩm ướt, chẳng hạn như vùng đông nam Hoa Kỳ.
"Những kết quả này cho thấy rằng chúng ta không cần phải đợi đến khi trái đất ấm lên 1,5°C để thấy được tác động của biến đổi khí hậu đối với lao động và nền kinh tế - sự ấm lên toàn cầu mà chúng ta đã trải qua có thể có liên quan đến vấn đề tổn thất lao động trên quy mô lớn. Sự ấm lên của trái đất trong tương lai sẽ làm trầm trọng hơn những tác động này. Do những nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng tổn thất lao động diễn biến một cách khó lường do biến đổi khí hậu, chúng ta cần nghiêm túc đặt trọng tâm vào việc hạn chế sự nóng lên trong tương lai" - TS Luke Parson nhấn mạnh.
Từ năm 2001 đến năm 2020, Việt Nam ước tính thất thoát khoảng 19 tỷ giờ lao động mỗi năm do điều kiện nhiệt độ và độ ẩm cao. Điều này khiến Việt Nam tổn thất khoảng 236 nghìn tỷ đồng mỗi năm. Con số này lớn hơn khoảng 18,77 nghìn tỷ đồng mỗi năm so với giai đoạn 1981-2001, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
Thành Công
-
Bão Kong-rey diễn biến khó lường, dự báo sẽ đổ bộ Biển Đông
-
Tuyệt đối không chủ quan, sẵn sàng công tác ứng phó với bão Trami
-
Bão Trami giật cấp 14, di chuyển nhanh về vùng biển Trung Trung Bộ
-
Quảng Ngãi: Tạm dừng tàu thuyền hoạt động từ 26/10 để phòng tránh bão số 6
-
Bão Trami có thể gây mưa đến 700mm, cảnh báo ngập lụt diện rộng