Năm 2013 thử thách quyết tâm tái cơ cấu nền kinh tế
Từ năm 2013 – 2015, dự đoán kinh tế thế giới phục hồi khá chậm và khó đoán do phụ thuộc nhiều vào tình hình kinh tế châu Âu và Mỹ. Tình hình trong nước cũng còn nhiều khó khăn, tăng trưởng kinh tế sẽ tương đối thấp, mặc dù có thể kỳ vọng mức tăng trưởng sẽ cao hơn một chút so với năm 2012.
Theo GS. Đào Nguyên Cát, sở dĩ nền kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn trong năm 2012 và vẫn còn khó khăn, thách thức trong năm 2013 do có các điểm nghẽn lớn cản trở tốc độ tăng trưởng kinh tế: Thứ nhất là nợ xấu ở mức khá cao đã cản trở tốc độ tăng trưởng tín dụng. Tồn kho vẫn lớn là điểm nghẽn thứ hai và điểm nghẽn thứ ba của nền kinh tế là tình trạng đóng băng lâu dài của thị trường bất động sản. Vì vậy, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính cùng các bộ ban ngành đã có nhiều chủ trương và giải pháp để tháo gỡ các điểm nghẽn bằng các giải pháp hạ lãi suất, gia hạn thời gian nộp thuế, đưa ra những giải pháp “làm ấm” thị bất động sản…
Tuy nhiên, thách thức lớn nhất là hiệu quả các chính sách được đưa ra, vì bài học năm 2012 cho thấy nếu thiếu quyết tâm chính trị thì những quyết định, chủ trương chỉ mang tính hình thức, không chuyển tải được đến thị trường, thiếu hiệu quả thực thi. Nếu tình trạng này tiếp diễn trong năm 2013 thì có lẽ tình hình kinh tế sẽ không có nhiều cải thiện so với năm 2012.
Cần quyết tâm chính trị lớn hơn để các chính sách đi được vào thực tiễn
TS. Nguyễn Anh Dương - Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhận định: Năm 2013, chúng ta đặt quyết tâm nhiều hơn đối với vấn đề cải thiện chính sách tầm vĩ mô, trong đó các vấn đề chính là xử lý nợ xấu, tái cơ cấu nợ ngân hàng, bất động sản, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước. Các vấn đề này được đưa ra nhằm mục tiêu thực hiện tái cơ cấu kinh tế trong dài hạn. Tuy nhiên, điều đó không dễ thực hiện vì thách thức ở đây là môi trường kinh doanh trong ngắn hạn đang chịu nhiều áp lực của vấn đề lạm phát và nguy cơ tăng giá các mặt hàng, có thể sẽ gây bất ổn cho kinh tế vĩ mô trong thời gian tới.
Do đó, trong năm 2013, các quyết tâm chính trị thực hiện các chính sách cần phải lớn hơn; cần có chính sách thông thoáng, bảo đảm môi trường kinh doanh bình đẳng hơn giữa doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Các chính sách cũng cần ổn định hơn, để các doanh nghiệp dễ tiên lượng và có thể đề ra định hướng phát triển lâu dài.
Có thể nói, năm 2012 kinh tế Việt Nam đã phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, bước sang năm 2013 kinh tế Việt Nam đã và đang xuất hiện những tín hiệu lạc quan, tích cực, xuất phát từ quá trình tái cấu trúc của doanh nghiệp. Vì bên cạnh chính sách hỗ trợ của Chính phủ yếu tố quan trọng nhất quyết định vận mệnh của các doanh nghiệp vẫn là doanh nghiệp phải tự cứu mình, chủ động tái cấu trúc, khai phá thị trường và có những giải pháp phù hợp “vượt bão”.
TS. Trần Du Lịch cho rằng: chúng ta có nhiều điều kiện để lạc quan vào quá trình tái cấu trúc kinh tế trong năm 2013 vì niềm tin của thị trường đang có xu hướng phục hồi nhờ Chính phủ can thiệp vào chính sách đầu tư công, sắp xếp lại nền sản xuất, vấn đề lạm phát dần được kiểm soát, chính sách tiền tệ, ngoại hối cũng tương đối ổn định. Chính phủ đang nỗ lực đưa ra giải pháp khắc phục tình trạng đình đốn sản xuất, hỗ trợ thị trường, nhanh chóng phục hồi sản xuất, song song với quá trình thực hiện ổn định kinh tế vĩ mô.
Mai Phương
-
Giá dầu hôm nay (23/10): WTI tăng, Brent giảm trong phiên
-
Điện Kremlin: BRICS không có mục tiêu đánh bại đồng đô la
-
Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia: Tạo cơ hội tiếp cận vốn cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ
-
BRICS "nhấn ga" tái thiết tài chính toàn cầu, đẩy nhanh phi USD hóa, SWIFT lung lay, giá vàng lên 150.000 USD/ounce
-
Giá vàng hôm nay (23/10): Đồng loạt tăng