Mỹ liệu có "ra tay" trước quyết định cắt giảm lớn sản lượng dầu của OPEC+
Cờ OPEC tại cuộc họp OPEC+ tại Vienna, Áo ngày 5/10/2022. Ảnh: Reuters/ Lisa Leutner |
Động thái này đã làm gia tăng rạn nứt ngoại giao giữa OPEC+ và các nước phương Tây, là những nước lo ngại giá năng lượng cao hơn sẽ làm phương hại kinh tế toàn cầu mong manh và muốn ngăn cản nguồn thu từ dầu của Nga.
Giá dầu thô toàn cầu kỳ hạn tăng vọt trong tuần này, trở lại mức cao nhất trong ba tuần, sau khi OPEC+ nhất trí cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng/ngày ngay trước mùa đông cao điểm.
Những người trong ngành dầu khí cho biết việc cắt giảm sản lượng này có thể khiến giá giao ngay cao hơn, đặc biệt đối với dầu Trung Đông, là nguồn dầu đáp ứng khoảng 2/3 nhu cầu của châu Á, làm tăng thêm lo ngại lạm phát, khi các chính phủ từ Nhật Bản đến Ấn Độ nỗ lực cản chi phí sinh hoạt tăng và châu Âu dự kiến sẽ tiêu thụ nhiều dầu hơn để thay thế khí đốt của Nga trong mùa đông này.
Trong phát biểu với Reuters, Người phát ngôn của SK Energy, công ty lọc dầu lớn nhất Hàn Quốc, cho biết họ lo ngại về sự gia tăng của giá dầu quốc tế, trước đó đã có một số dấu hiệu lắng dịu kể từ Quý II.
Một nguồn tin lọc dầu khác của Hàn Quốc cho biết việc cắt giảm nguồn cung có thể đẩy giá tăng trở lại mức đã thấy trong Quý II.
Hàn Quốc, nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á và là cường quốc sản xuất, đã chứng kiến chi phí tăng chóng mặt do giá hàng hóa tăng vọt. Dầu Brent đạt 139,13 USD / thùng vào tháng Ba, mức cao nhất kể từ năm 2008.
Việc cắt giảm sản lượng trên thực tế
Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Xê-út Abdulaziz bin Salman cho biết việc cắt giảm nguồn cung thực tế sẽ vào khoảng 1 triệu đến 1,1 triệu thùng/ngày, là một phản ứng trước việc lãi suất toàn cầu tăng và nền kinh tế thế giới suy yếu.
Động thái của OPEC+ đã gây ra phản ứng gay gắt từ phía Washington, chỉ trích thỏa thuận OPEC+ là “thiển cận”. Nhà Trắng cho biết Tổng thống Joe Biden sẽ tiếp tục đánh giá về việc liệu có giải phóng thêm dự trữ dầu chiến lược (SPR) để hạ giá dầu hay không.
Tilak Doshi, Giám đốc điều hành của Doshi Consulting, người từng làm việc cho Saudi Aramco, cho biết Ả Rập Xê-út, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và Kuwait có thể sẽ là những nước đảm nhiệm phần lớn gánh nặng cắt giảm sản lượng.
Tilak Doshi cho rằng việc cắt giảm sản lượng của OPEC+ là một điều không tốt đối với Tổng thống Mỹ Biden, trong khi mối quan hệ giữa Nga và Ả Rập Xê-út dường như ngày càng chặt chẽ.
Hình ảnh từ trên không cho thấy một nhà máy sản xuất dầu của Công ty Idemitsu Kosan ở Ichihara, phía đông Tokyo, Nhật Bản. Kyodo/via Reuters/Tư liệu |
Trong khi Người phát ngôn của SK Energy hy vọng việc giải phóng dự trữ dầu chiến lược của Mỹ sẽ được tăng tốc trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ trong tháng 11, các chuyên gia phân tích của RBC Capital cho rằng có thể sẽ gia tăng các đợt bán tháo dầu tiếp theo trên thị trường, ít có khả năng diễn ra một đợt giải phóng dầu chiến lược mạnh mẽ trong thời gian tới.
Việc OPEC+ cắt giảm sản lượng càng làm phức tạp hơn các lo ngại về nguồn cung khi các biện pháp cấm vận của EU đối với dầu thô và các sản phẩm dầu của Nga sẽ lần lượt có hiệu lực trong tháng 12/2022 và tháng 2/2023, khiến cho Morgan Stanley nâng dự báo giá dầu.
Động thái của OPEC+ cũng dẫn đến các cảnh báo cho các thị trường mới nổi nhập khẩu dầu, một số thị trường trong số đó đã trở nên đặc biệt dễ bị tổn thương bởi các cú sốc giá trong bối cảnh nguồn cung toàn cầu suy giảm gần đây.
Một dẫn chứng là việc Sri Lanka đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ năm 1948, với sự lao dốc về tiền tệ, lạm phát tăng cao và thiếu hụt đồng đô la trầm trọng để chi trả cho việc nhập khẩu thực phẩm, nhiên liệu và thuốc men thiết yếu.
Tổng thống Ranil Wickremesinghe cảnh báo Sri Lanka sẽ phải trả nhiều hơn cho nhiên liệu khi các nước giàu hơn dự trữ dầu cho nhu cầu của chính nước mình.
Hôm thứ Năm, Tổng thống Sri Lanka phát biểu trước Quốc hội nước này rằng đây không chỉ là vấn đề của riêng Sri Lanka mà cả một số quốc gia Nam Á khác cũng đang phải đối mặt. “Lạm phát toàn cầu sẽ tấn công chúng ta trong năm tới."/.
Thanh Bình