Mỹ cứu ngành dầu đá phiến thông qua xử lý khủng hoảng tiền mặt
Trong cuộc trả lời phỏng vấn mới đây với hãng tin Reuters, Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Dan Brouillette nói rằng, Washington sẽ tháo gỡ khủng hoảng tiền mặt đang ngày càng nghiêm trọng của ngành khai thác dầu mỏ bằng việc tăng giới hạn cho vay theo gói kích thích kinh tế, cũng như cấm các tổ chức cho vay phân biệt đối xử với doanh nghiệp dầu mỏ.
Các biện pháp nhằm “hạ nhiệt” cơn khát tiền mặt của ngành dầu mỏ Mỹ được đưa ra trong bối cảnh các doanh nghiệp dầu đá phiến từ bang Texas đến Utah đang đứng trước nguy cơ phá sản do giá dầu giảm sâu và nhu cầu dầu toàn cầu sụt giảm nghiệm trọng vì đại dịch Covid-19.
Trước đó, Trung Quốc đã đồng ý chi hơn 50 tỷ USD nhập khẩu dầu mỏ, khí thiên nhiên hóa lỏng… theo thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung. Tuy nhiên, Bộ trưởng Brouillette cho rằng, nhu cầu dầu của Trung Quốc sụt giảm mạnh vì dịch bệnh cũng đang tác động tiêu cực tới các doanh nghiệp năng lượng Mỹ.
Ông Brouillette nói: “Khả năng để Trung Quốc tuân thủ các cam kết theo thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 đang bị cản trở bởi dịch Covid-19 ở một góc độ nào đó”, cũng như cho biết, ông đang phối hợp với Bộ trưởng Tài chính Steve Mnuchin để tăng gấp đôi trần khoản vay dành cho các doanh nghiệp năng lượng nhỏ và vừa theo gói kích thích kinh tế lên tới 200 - 250 triệu USD nhằm giúp các doanh nghiệp này vượt qua khủng hoảng.
Theo đó, ông Brouillette và ông Mnuchin đã lên kế hoạch hợp tác với ngành ngân hàng và các cơ quan khác của Mỹ để yêu cầu các tổ chức tín dụng không phân biệt cho vay đối với doanh nghiệp khai thác dầu đá phiến.
“Chúng tôi chỉ muốn đảm bảo rằng các ngân hàng không phân biệt đối xử cho vay”, người đứng đầu ngành năng lượng Mỹ nhấn mạnh.
Được biết, ngành công nghiệp dầu mỏ của Mỹ hiện phải chịu khoản nợ hơn 200 tỷ USD được thế chấp bằng nguồn dự trữ dầu khí. Nhiều doanh nghiệp dầu khí Mỹ cho hay, họ không còn khả năng trả nợ trong bối cảnh doanh thu giảm mạnh và tài sản mất giá trị.
Whiting - một trong những công ty dầu mỏ đá phiến lớn nhất của Mỹ hoạt động tại khu vực Bakken ở Bắc Dakota trở thành nhà sản xuất đầu tiên nộp đơn phá sản vào ngày 1/4, trong khi, các doanh nghiệp như Chesapeake Energy, Denbury Resources và Callon Chemicals cũng đang nhờ tới các bên tư vấn nợ.
Một số tổ chức tín dụng lớn ở Mỹ được cho là đang đẩy nhanh quá trình tịch thu tài sản của các công ty dầu mỏ để tránh thua lỗ và nợ xấu.
Bình An
-
Đầu tư hydro phát thải thấp: Thách thức cũng là cơ hội cho doanh nghiệp
-
Tìm giải pháp thúc đẩy phát triển ngành năng lượng Việt Nam
-
Singapore mong muốn hợp tác với Bà Rịa - Vũng Tàu phát triển điện gió ngoài khơi
-
CIP chuẩn bị xây dựng hệ thống pin lưu trữ năng lượng quy mô lớn đầu tiên tại Chile
-
Việt Nam có tiềm năng hứa hẹn trở thành trung tâm điện gió ngoài khơi ở châu Á - Thái Bình Dương