Trưa một ngày cuối tháng 8, bà Vi Thị Nhiên (41 tuổi, ở bản Poọng, xã Tam Chung, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa) nhễ nhại mồ hôi, đầu gùi sọt măng, vất vả vượt con dốc trơn trượt từ bìa rừng ra quốc lộ để bán cho thương lái.
Mùa măng rừng bắt đầu từ tháng 6 đến tháng 9 Âm lịch hằng năm. Thời điểm măng rừng ngon và nhiều nhất là tháng 7, tranh thủ khi đồng ruộng chưa đến vụ thu hoạch, cả gia đình bà Nhiên vào rừng từ sáng sớm để hái măng kiếm thêm thu nhập.
|
Công việc hái măng rừng mang lại thu nhập cho bà con nơi rẻo cao xứ Thanh (Ảnh: Hạnh Linh). |
"Nửa ngày vào rừng, 3 người trong gia đình hái được 1,5 tạ măng. Măng hái về là có thương lái thu mua tận nhà hoặc dọc quốc lộ. Măng tươi hiện nay được bán với giá 8.000 đồng/kg, hôm nay cả nhà tôi kiếm hơn 1 triệu đồng", bà Nhiên nói.
Bà Nhiên chia sẻ, măng rừng xuất hiện nhiều ở khu vực gần suối, độ ẩm cao. Công việc hái măng đơn giản nhưng rất vất vả. Muốn bẻ được nhiều măng ngon, đòi hỏi phải có kinh nghiệm và sức khỏe để băng qua những cánh rừng rậm rạp, vượt nhiều con dốc cao, trơn trượt.
|
Số măng rừng người dân hái được sau nửa ngày vất vả vào rừng (Ảnh: Hạnh Linh). |
Cùng nhóm người đi hái măng rừng với bà Nhiên có ông Vi Văn Thiếp (45 tuổi, trú bản Poọng). Ông Thiếp là người đã có thâm niên trong nghề, từ nhỏ đã được theo bố mẹ vào rừng lấy măng nên ông tường tận từng khu rừng, từng địa hình hiểm trở.
"Càng vào rừng sâu thì măng càng nhiều. Để hái được măng đòi hỏi phải chịu khó. Có đợt đi hái mất nửa ngày, mỗi lần như vậy chúng tôi phải mang theo cơm nắm và nước uống", ông Thiếp cho hay.
Theo ông Thiếp, măng rừng có nhiều loại, nhưng chủ yếu là măng sặt, bương, nứa và măng đắng. Trong đó, măng nứa, bương có giá 8.000 - 10.000 đồng/kg; măng sặt, măng đắng 15.000 - 20.000 đồng/kg.
|
Từng tốp người vượt qua con dốc vào rừng hái măng (Ảnh: Lò Quyến). |
Là người có kinh nghiệm, sau mỗi chuyến vào rừng, ông Thiếp thu hoạch được 60kg măng nứa. Tuy nhiên, do giá măng ở thời điểm này còn rẻ nên ông Thiếp không bán, mang về bóc vỏ, loại đi đoạn măng già, bỏ nồi luộc rồi đem phơi khô.
"Măng phơi khô đóng gói bảo quản được lâu, khi được giá thì bán, bán với giá cao hơn nhiều lần so với măng tươi", ông Thiếp nói.
Theo ông Thiếp, 20kg măng tươi sẽ phơi được 1kg măng khô. Với măng đã tước nhỏ, nếu trời nắng to chỉ cần phơi 2 - 3 ngày là khô, còn măng để miếng (măng lưỡi lợn) phải phơi 5 - 7 ngày.
|
Măng thu hái về được thương lái đến tận nhà thu mua (Ảnh: Hạnh Linh). |
Ông Vi Văn Thuật, Bí thư Chi bộ, kiêm Trưởng bản Poọng, cho biết vào mùa măng trong bản chỉ toàn là người già và trẻ nhỏ, còn lại những người có sức khỏe đều vào rừng đi lấy măng.
Song, công việc không phải lúc nào cũng thuận lợi, nơi "rừng thiêng, nước độc" có nhiều tai nạn luôn rình rập như sạt lở, gai, gốc nứa cứa làm chân tay bị trầy xước, chảy máu...
"Trước đây bà con thường dựng lán trong rừng sâu ở cả tháng để thu hái. Tuy nhiên ở trong rừng nguy hiểm, không quán xuyến được công việc gia đình, con cái nên giờ đây bà con dậy sớm đi hái măng và về trong ngày", ông Thuật cho hay.
|
Măng nứa có giá rẻ nên người dân không bán mà để phơi khô (Ảnh: Hạnh Linh). |
Cũng theo ông Thuật, mặc dù công việc hái măng mang lại thu nhập cao nhưng người dân địa phương luôn ý thức và có phương án bảo vệ rừng, tuân thủ quy ước chung là không thả trâu bò vào khu vực có măng rừng.
Ngoài ra, khi hái măng không được hái tận diệt, mỗi bụi măng phải trừ lại 2 - 3 búp để tạo điều kiện cho măng phát triển thành cây, tiếp tục sinh trưởng ở những lứa sau.
"Đối với bà con nơi đây, măng không chỉ là lương thực dự trữ lâu nay mà còn là sản phẩm mang lại nguồn thu nhập chính cho gia đình vào mùa mưa. Kết thúc mỗi vụ măng, nhà nào ít cũng để ra được vài chục triệu đồng, nhà nhiều cũng 50 - 60 triệu đồng", ông Thuật cho biết thêm.
Theo Dân trí