"Mua sắm thiết bị y tế, nếu kiểm toán vào, tôi sợ không có đường ra"
Chiều 8/12, UB Thường vụ Quốc hội xem xét việc cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách trong lĩnh vực y tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Trình bày tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, trên cơ sở tiếp thu ý kiến góp ý trong quá trình chuẩn bị thẩm tra, Chính phủ đã tiếp tục hoàn thiện nghị quyết.
Chính phủ báo cáo và đề nghị Thường vụ Quốc hội cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách tập trung vào 4 nhóm vấn đề, trong đó có việc thanh toán chi phí và chế độ chống dịch.
Đề cập đến yêu cầu bóc tách viện phí điều trị bệnh Covid-19 và bệnh nền, Bộ trưởng Y tế nêu rất nhiều khó khăn. Theo ông Nguyễn Thanh Long, có những thời điểm dịch Covid-19 bùng phát mạnh dẫn đến số lượng người bệnh Covid-19 phải điều trị tại các cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 tăng mạnh.
"Điều này dẫn đến tình trạng nhân viên y tế không thể có thời gian để thực hiện việc lập các biểu mẫu, hồ sơ thống kê chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế nên không thể thực hiện việc bóc tách chi phí điều trị bệnh Covid-19 do ngân sách nhà nước chi trả và chi phí khám bệnh, chữa bệnh nào điều trị bệnh nền hoặc bệnh khác do Quỹ bảo hiểm y tế chi trả", ông Long nói.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long. |
Cạnh đó, nhiều người bệnh khi nhập viện không mang giấy tờ tùy thân, không mang theo tiền hoặc nhiều người bệnh vào nằm điều trị rồi đến lúc tử vong cũng không thể liên hệ với người nhà nên không thể thực hiện việc thu viện phí….
Vì vậy, Chính phủ kiến nghị vẫn tiếp tục thực hiện việc thanh toán chi phí theo quy định tại Nghị quyết số 268/NQ-UBTVQH15 nhưng cho phép bổ sung quy định trường hợp không bóc tách được chi phí thì ngân sách sẽ chi trả toàn bộ.
Đồng thời, cho phép Chính phủ quyết định việc sử dụng kinh phí từ nguồn quỹ dự phòng của Quỹ bảo hiểm y tế để cùng với nguồn ngân sách nhà nước chi cho hoạt động khám bệnh, chữa bệnh Covid-19 trên nguyên tắc bảo đảm an toàn.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng nói rõ, nguồn chi trả gồm có ngân sách, quỹ bảo hiểm y tế, thu từ dịch vụ y tế và các nguồn thu khác. Trong đó, ngân sách trung ương đảm bảo cho các cơ sở thu dung, điều trị do trung ương lập; ngân sách địa phương đảm bảo cho các cơ sở do địa phương lập. Ngân sách trung ương cũng sẽ hỗ trợ cho các địa phương khó khăn.
"Chúng tôi nhất trí với Bộ Y tế trình theo hướng ngân sách nhà nước đảm bảo chi phí thực tế khám chữa bệnh Covid-19. Với bệnh khác, trong trường hợp không bóc tách được thì sẽ chi trả toàn bộ", ông Hưng cho hay.
Đồng quan điểm, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn cho biết, qua khảo sát chi phí khám chữa bệnh cho bệnh nhân Covid-19 đến ngày 9/11/2021 thì bình quân ở TPHCM khoảng 4,1 triệu đồng, toàn quốc là 1,26 triệu đồng.
"Tính theo tỷ lệ chung thì quỹ bảo hiểm y tế chi khoảng 20 - 25%, nằm trong khả năng quỹ dự phòng bảo hiểm y tế", ông Sơn cũng nói và cho rằng, khó bóc tách chính xác tuyệt đối các chi phí điều trị bệnh nhân Covid-19. Vì vậy, BHXH Việt Nam thống nhất với phương án chi trả mà Chính phủ đề xuất.
Về việc này, theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, không giao Chính phủ điều hòa giữa ngân sách nhà nước và quỹ bảo hiểm y tế. "Trường hợp nào không bóc tách được thì chi bằng ngân sách, không thể lấy từ quỹ bảo hiểm y tế đưa vào ngân sách", ông Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Rất khó đảm bảo chính xác
Liên quan đến chế độ cho lực lượng phòng chống dịch Covid-19, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cơ bản đồng ý vì lực lượng ngành y vừa rồi rất vất vả. "Nhiều người đã bỏ nghề", ông nói.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị làm rõ việc xem xét chế độ chính sách này áp dụng cho những lực lượng nào hay chỉ ngành y tế? "Tham gia phòng chống Covid-19 có rất nhiều lực lượng, cán bộ cơ sở bây giờ cũng bức xúc lắm, nhiều người "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng" cũng muốn thôi không làm nữa. Vậy đã tính đến cái này chưa?", ông Phương đặt vấn đề.
Với việc mua sắm trang thiết bị y tế, từ góc độ kiểm toán, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Vũ Văn Họa nhìn nhận, giờ nếu tính toán, soi kỹ để bảo đảm chính xác thì rất khó; đồng thời cho rằng, nếu không có chính sách gỡ vướng thì sẽ rất khó mua sắm trang thiết bị y tế.
"Chúng tôi biết có nhiều khoản kinh phí chuyển từ Mặt trận Tổ quốc về Bộ Y tế không chi tiêu được vì vướng cơ chế chính sách mua bán thiết bị y tế", ông Họa thông tin.
Tại phiên họp, ông Họa xin ý kiến Chủ tịch Quốc hội sẽ mời một số Ủy ban của Quốc hội và các bộ tham gia có ý kiến về đề cương kế hoạch kiểm toán năm tới.
"Kiểm toán xin ý kiến là chúng tôi giới hạn không kiểm toán việc mua sắm này. Nói thật khi vào kiểm toán, chúng tôi sợ không có đường ra, vì mua sắm mỗi nơi mỗi kiểu. Vì dịch, lúc đó mua được là mua thôi", Phó Tổng Kiểm toán nói.
Nêu quan điểm về việc này, Chủ tịch Quốc hội Vương Định Huệ cho rằng Chính phủ và Thủ tướng cần có quyết sách mạnh mẽ hơn vì Nghị quyết 30 của Quốc hội đã cho phép cao hơn Luật Đấu thầu. Ông đề nghị, Bộ Tài chính xem xét để có hướng dẫn cụ thể.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị tiếp tục rà soát các nội dung, tiếp tục hoàn thiện bổ sung hồ sơ, giải trình các vấn đề cơ quan thẩm tra, các ý kiến đã đặt ra.
Theo Dân trí
-
Quốc hội bắt đầu phiên chất vấn vào sáng mai (4/6)
-
Vì sao lợi nhuận Lộc Trời giảm gần 94% sau kiểm toán?
-
Bộ Tài chính: Xử phạt 21 doanh nghiệp kiểm toán, đình chỉ loạt kiểm toán viên
-
Yêu cầu sớm thực hiện chủ trương chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém
-
Ngành y tế năm 2023: Những sự kiện đáng chú ý
-
Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau thảo luận tổ về tình hình phát triển kinh tế - xã hội tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV
-
Thủ tướng đề nghị 4 tập đoàn hàng đầu của UAE đầu tư vào các lĩnh vực chiến lược của Việt Nam
-
Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh sự cần thiết phải sửa đổi Luật Điện lực
-
Bổ sung chính sách thu hút nhà đầu tư khảo sát dự án điện gió ngoài khơi
-
Bay chặn, ép hạ cánh với tàu bay vi phạm vùng trời Việt Nam