"Mong giá phân bón giảm để nông dân chúng tôi có thêm thu nhập từ đồng ruộng"
Việt Nam là nước nông nghiệp với lao động nông thôn chiếm đến 70% tổng số lao động xã hội. Lao động ở nông thôn chủ yếu gắn với hoạt động ruộng vườn. Nhiều năm qua, Chính phủ luôn quan tâm đến phát triển nông nghiệp, với nhiều chính sách thuế để giảm đầu vào cho người nông dân, giảm chi phí cho sản xuất đã được ban hành, thực hiện.
Cụ thể, như chủ trương khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất phân bón trong nước nhằm mục tiêu chủ động nguồn phân bón phục vụ nông nghiệp, giảm dần phân bón nhập khẩu. Đây là một trong những chủ trương quan trọng giúp Chính phủ điều tiết cung cầu khi thị trường phân bón có biến động.
Nhiều nông dân vẫn chọn phân bón nội địa mặc dù giá cao hơn phân bón nhập khẩu |
Để thực hiện mục tiêu này, chủ trương của Đảng, Nhà nước là giảm giá bán phân bón cho nông dân thông qua việc giảm thuế đối với phân bón. Trên cơ sở đó, năm 2014 Luật thuế 71 ra đời và chính thức có hiệu lực từ 2015 đã quy định mặt hàng phân bón là đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng.
Tuy nhiên sau gần 5 năm thực hiện, Luật thuế 71 đã nảy sinh một số bất cập, do mặt hàng phân bón thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT nên không được khấu trừ thuế GTGT của nguyên vật liệu, dịch vụ dùng cho sản xuất phân bón, làm chi phí sản xuất phân bón trong nước tăng lên, doanh nghiệp phải tính phần thuế GTGT không được khấu trừ này vào chi phí giá thành sản phẩm để xây dựng giá bán nên không giảm được giá bán cho người nông dân. Hệ quả là nông dân vẫn phải mua phân bón nội với giá cao.
Bà Trần Thị Bình - Bí thư Chi bộ thôn Bình Tiến, xã Hương Bình, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh là hộ có diện tích đất nông nghiệp canh tác lớn của xã với 7 sào lúa và 4 sào hoa màu cho biết, gần 90% người dân của xã có ruộng, 100% hộ gia đình có vườn và tham gia trồng trọt nhiều loại cây ăn quả, rau xanh. Hiện trên địa bàn xã Hương Bình hầu hết các hộ nông dân đều sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật của các nhà máy sản xuất trong nước. Những loại phân bón như đạm Phú Mỹ, phân NPK, phân lân Lâm Thao… được nhiều người dân dùng để bón lúa, hoa màu trong nhiều năm nay.
Trước đây, bản thân bà cũng đã dùng phân bón nhập khẩu từ Trung Quốc, giá rẻ hơn nhưng do chất lượng không đảm bảo, sau nhiều vụ lúa và các loại hoa màu năng suất không cao, thậm chí có năm lúa bị hạt lép, nhiều sâu bệnh nên bà và nhiều hộ dân đã chủ động ra các đại lý bán phân bón sản xuất trong nước để mua. Vì theo bà, bao bì của phân bón sản xuất trong nước đều được viết bằng tiếng Việt nên dễ đọc, dễ hiểu, đồng thời những thương hiệu phân bón trong nước đã trở nên quen thuộc nên người dân rất tin dùng. Tuy nhiên, giá phân bón trong nước hiện cao so với một số phân bón cùng loại nhập khẩu nên sau khi trừ đi hết các chi phí, lợi nhuận còn lại cho người nông dân không còn là bao nhiêu.
Nói về chất lượng phân bón, bà Bình cho rằng, dù giá các loại phân bón trong nước cao hơn nhưng bà và nhiều hộ dân vẫn chọn hàng trong nước vì các loại cây trồng phát triển tốt, cho năng suất cao. “Mong giá phân bón giảm để nông dân chúng tôi có thêm thu nhập từ đồng ruộng. Làm nông, thu nhập không cao, giống, phân bón đã gần như chiếm hết lợi nhuận, nên giá đầu vào giảm được bao nhiêu thì đời sống chúng tôi càng đỡ khó khăn bấy nhiêu” - bà Bình nói.
Cũng là hộ nông dân gắn bó với sản xuất nông nghiệp, ông Phan Văn Minh, xã Hương Bình, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh cho hay, gia đình ông hiện đang canh tác 7 sào lúa (mỗi sào Trung Bộ tương đương 500m2) và 4 sào hoa màu. Nhiều năm gần đây, gia đình ông đều dùng phân bón và hóa chất của các doanh nghiệp nội địa.
Theo tính toán của ông Minh, 1 sào lúa thu hoạch được khoảng 1,5 - 2 tạ thóc, bán được khoảng 1,2 triệu đồng, trong đó chi phí để mua các loại phân bón như NPK, đạm, kali, hóa chất chiếm gần một nửa, còn lại là tiền mua giống, thuê máy móc và một số chi phí khác. Sau khi trừ đi tất cả các chi phí, tiền lãi còn lại rất ít.
Người dân mong có thêm thu nhập từ đồng ruộng |
“Tính ra, một sào lúa lãi không còn là bao, nếu tính cả công mình bỏ ra có khi còn lỗ. Làm nông dân bao đời vất vả, lấy công làm lãi. Nếu giá các nguyên liệu đầu vào như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật rẻ hơn thì chúng tôi thực sự vui mừng, vì như vậy đời sống của chúng tôi cũng sẽ tốt hơn, có tiền để nuôi con cái ăn học, bản thân tôi cũng đỡ vất vả ngược xuôi đi làm thêm đủ các nghề để kiếm thu nhập”, ông Minh chia sẻ.
Hiện nhu cầu tiêu thụ phân bón của Việt Nam là khoảng 11 triệu tấn/năm, trong đó chủ yếu là phân bón vô cơ với khoảng 10 triệu tấn. Trả lời về việc giá phân bón nội địa cao, người nông dân bị giảm lợi nhuận khi thường xuyên sử dụng phân bón trong nước, Hiệp hội Phân bón Việt Nam cũng thừa nhận, khi doanh nghiệp mua thiết bị hàng hóa, nguyên vật liệu (điện, than, khí) và các dịch vụ khác để sản xuất phân bón sẽ không được khấu trừ thuế GTGT mà phải tính vào chi phí giá thành sản xuất, làm giá thành phân bón tăng lên, giảm sức cạnh tranh với phân bón nhập khẩu. Nông dân sẽ phải mua phân bón giá cao hơn, vì phải chịu cộng thuế GTGT đầu vào. Cụ thể, từ năm 2015 khi thực hiện Luật thuế 71, giá thành phân đạm tăng 7,2% - 7,6%; phân DAP tăng 7,3% - 7,8 %, phân supe lân tăng 6,5% - 6,8%; phân NPK và hữu cơ tăng từ 5,2% - 6,1%... so với áp dụng thuế GTGT 5% đối với phân bón.
Trong khi phân bón trong nước không được khấu trừ thuế để mua thiết bị hàng hóa, nguyên vật liệu và các dịch vụ khác để sản xuất phân bón thì Hiệp định ATIGA có hiệu lực đã khiến các sản phẩm phân bón trong nước phải đối mặt với sự cạnh tranh rất lớn của hàng nhập khẩu, chủ yếu đến từ các nước như Trung Quốc, Nga, Indonesia, Malaysia… do lợi thế công nghệ sản xuất, và đa phần là các nước thuộc khối ASEAN được hưởng thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt 0%.
Trước tình hình trên, các chuyên gia kinh tế cho rằng, để tăng tính cạnh tranh cho hàng Việt thì việc đưa phân bón trở lại nhóm hàng chịu thuế GTGT không những sẽ tăng thu cho ngân sách nhà nước mà còn hạn chế được việc nhập khẩu ồ ạt phân bón ngoại với giá rẻ. Và quan trọng nhất là giúp người nông dân giảm bớt được chi phí, tăng lợi nhuận và đó cũng là cách để mỗi người dân tham gia tích cực Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động trong suốt những năm qua.
Minh Loan
- Chuyên gia thuế chỉ cách đo lường tác động áp 5% thuế GTGT đối với phân bón
- Người nông dân có đủ cơ sở để hưởng lợi từ chính sách thuế GTGT phân bón 5%
- “Nóng” từ nhà máy, đồng ruộng đến nghị trường
- Khác biệt ra sao giữa việc phân bón không chịu thuế và chịu thuế GTGT 5%?
- Nhiều đại biểu tán thành áp thuế 5% đối với phân bón