Miền Tây - một thời xa nhớ!
Cái thiếu trầm trọng, đó là... tiền. Vì vậy các nhu yếu phẩm cần thiết không thể tự sản xuất, đánh bắt trong thiên nhiên, phải mua bằng tiền trở nên rất khan hiếm. Nồi canh bỉnh bỉnh rau, có khi chỉ nêm ít muối cho gọi là... có chút gia vị.
Gần như các giao dịch đều là sự “đổi chác”: Vật chất lấy vật chất, công đổi công. Thường là quy ra lúa, tinh theo đơn vị giạ.
Ghe hàng tạp hóa năm khi mười họa mới chèo ngang qua nhà một lần. Trước mũi treo lủng lẳng bịch cốm, cái bánh in… làm cho lũ trẻ thòm thèm.
Buổi trưa, ông bán cà rem đi ngang nhà. Nghe tiếng "leng keng" huyền thoại, như bao đứa trẻ quê khác, người viết bài này chạy ra sau nhà gom mớ lông vịt, chiếc dép tổ ong rách nát, cái nồi gang bể... ra đổi được cây cà rem mát lạnh, trong đó đầy đường hóa học. Ăn xong, cả mấy giờ sau đầu lưỡi còn dư âm vị ngọt.
Một cảnh tuốt lúa ở miền Tây Nam Bộ |
Thịt khan hiếm, quanh năm người dân gần như không biết đến. Lâu lâu trong làng có nhà giết con trâu, con heo… xẻ thịt chia cho nhiều nhà, đợi mùa lúa chín, đong lúa trả. Gà, vịt nuôi trong nhà, chỉ khi nào có đám tiệc người ta mới dám ăn.
Đi cắt lúa mướn, cũng không được trả tiền. Ngày công được trả bằng lúa. Hoặc người này qua cắt lúa cho nhà kia, đến lúc ruộng nhà mình gặt thì chính người đó đích thân đi trả lại đúng số lượng công việc đã nhận trước đó, gọi là “dằn công”.
Lúa đầy bồ, gạo đầy khạp. Lúa trồng chẳng xịt thuốc sâu, thuốc rầy như bây giờ. Gạo sạch nhưng đầy bông cỏ. Trước giờ vo gạo nấu cơm, các bà phải dành cả buổi trời, lụi cụi lượm những hạt bông cỏ li ti lẫn trong gạo.
Nhà tranh vách lá, đèn dầu lù mù, không tivi… nhưng cuộc sống thanh bình. Trời gần sáng, cả vùng quê văng vẳng tiếng học bài ê a của trẻ nhỏ.
Thiếu thốn trăm bề, nhưng trời thương ban cho người miền Tây nhiều miếng ăn dân dã khác, dễ bắt nên không sợ đói.
Cá lội đầy sông
Cá dưới sông rạch nhiều vô kể. Sau bữa cơm, bưng chén bát ra sàn nước rửa, nhìn xuống có thể thấy từng đàn cá rô, cá chốt… tung tặn bu lại ăn thức ăn thừa. Chúng dạn dĩ như không sợ người.
Muốn có con cá quấy quá bữa ăn, chỉ cần tìm một tổ kiến vàng chọc lấy trứng non, vác cần đi câu cá. Chừng một buổi thả câu ở các bờ mương, ruộng là đã được vài chục trự cá rô mề. Nếu bạn là người “sát cá”, sau buổi câu, mang về cả thùng cá là chuyên rất bình thường.
Đơn giản hơn, đợi nước ròng cạn, người dân lội dọc bờ sông “giậm dấu” bắt cá. Dấu chân ịn xuống sình non chìm dưới nước, rải dài vài trăm mét. Kết thúc giậm dấu, người ta quay ngược trở lại nơi xuất điểm, vừa đi vừa đánh nước đùng đùng. Những con cá lóc, cá trê, cá rô… hoảng hồn chúi xuống những dấu chân in sẵn lúc nãy ẩn nấp. Chỉ việc thò nhẹ tay xuống bắt.
Bông súng mọc rất nhiều ở các ao hồ, ruộng đồng. Bên dưới là nơi trú ngụ của cá, tôm |
Những miệt quê như Cái Bè (Tiền Giang), An Giang, Vĩnh Long… nước ngọt, phù sa quanh năm, tôm từ sông lớn bơi vào mương sinh sống. Nhảy xuống mương, dùng sức quậy đục nước, là có thể bắt tôm. Tôm ngộp, nổi cặp mé, lô nhô râu đỏ, búng tanh tách, có mương bắt được cả đựng cả khạp da bò. Tuy nghèo khó, nhưng trong mâm cơm có dĩa tôm càng xanh nướng thơm lừng, rau dại hái trong vườn, thêm xị rượu đế quên đời thì còn gì bằng.
Giăng lưới bắt cá trên đồng |
Ở Đồng Tháp có những hố bom sâu hoắm, tàn tích từ thời chiến tranh còn sót lại. Nước mênh mông, bông súng, lau sậy mọc um tùm. Dùng gàu giai tát, phải gần cả ngày mới cạn nước. Bù lại sự vất vả, người ta hả hê bắt những con cá trê, cá lóc, cá thác lác, rắn. Tát một hố bom, bắt được vài chục ký cá đen, trắng là chuyện bình thường ở thời đó.
Dọc bờ sông, người ta còn chất chà. Chà giở để thu hoạch cá mỗi tháng một lần, lúc nước ròng, là ngày vui của cá xóm. Thanh niên trai tráng ở trần trùng trục, lặn ngụp thả lưới vây quanh, quăng chà ra bắt cá. Bị động, những con cá hô, cá ngựa nhảy tung khỏi mặt nước, có khi nhảy vào những chiếc xuồng đậu gần. Cá tôm nhiều vô số kể, đủ loại lớn nhỏ. Chủ chà lớp mang bán, lớp chia cho chòm xóm, những người phụ giở chà mang về cho vợ con.
Một cảnh giở chà bắt cá của người dân miền sông nước Nam Bộ |
Ngày đó, dọc các con sông lớn, dễ dàng bắt gặp hình ảnh quen thuộc: hai cột cây lắc lư giữa dòng, trời chạng vạng leo loét hai ánh đèn dầu. Đó là những rượng đáy. Lưới được may thành hình ống, dài hàng chục mét. Một đầu bịt kín, đầu còn lại làm miệng hứng cá. Từng đàn cá linh, cá cơm, tôm, tép theo dòng nước chui vào ống lưới, không ra được. Chủ ghe đáy đợi cá nặng dây, kéo lưới lên, thổi tù và báo hiệu cho cả xóm biết để đến mua cá tươi. Những con cá trắng bạc nhảy xoi xói trong mâm, chủ đáy bơi xuồng con vào bờ, không cần cân, hào phóng hốt mớ bán. Vừa bán vừa cho, rất thoải mái.
Vào mùa nước lũ, cá linh lội trắng sông. Ăn không hết, người ta bỏ vào khạp ủ nước mắm, làm mắm.
Rượng đáy ở miền Tây |
Chim bay đầy trời; chuột, rắn đầy đồng
Người viết bài trải qua tuổi thơ ở vùng kinh tế mới thuộc xã Thanh Mỹ (huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp) vào những năm 80. Đây là thủ phủ của loài cây tràm, nước phèn trong xanh nhìn thấy tận đáy sông, đỉa lội như “bánh canh”.
Do còn hoang sơ, chim chóc bay về đây sống, sinh sôi nảy nở. Mỗi buổi sáng, quanh các gốc cây, phân chim trắng đất.
Chim nhiều đến nỗi, người dân muốn kiếm cái ăn, chỉ việc vác sào tre ra ruộng, đập vào các bụi cỏ lau um tùm. Gà nước, bìm bịp, cò, cu đất... bay ra tứ tán. Nhanh tay quơ sào tre một phát, thế nào cũng có vài con rơi xuống.
Người ta còn giăng câu, giăng lưới để bắt…chim. Ngày nay, nếu ai mang cần câu, miếng lưới đi thả trên bờ, chắc chắn sẽ bị cho là bị thần kinh. Nhưng vào những năm 80, đây là cách bắt chim phổ biến của người dân vùng Đồng Tháp Mười.
Hái bông điên điển mùa nước lũ |
Chọn một bãi đất cỏ mọc cao hơn đầu người, người dân đào hố rộng ở chính giữa. Trai tráng cầm gậy gộc đập cỏ, hò hét xung quanh. Chuột, rắn trú ngụ trong đám cỏ bị dí dần vào trong, chạy xuống hố sâu trốn. Rắn hổ, rùa, chuột đồng… bò lổm ngổm, tha hồ bắt bỏ vào bao. Nếu làm biếng, người ra còn chọn cách nhẹ nhàng hơn: đốt cho cỏ cháy từ ngoài vào miệng hố. Thư thả hút thuốc đợi đám cỏ cháy hết, chắc mẻm có cái ăn cho cả nhà.
Lê Ngọc Dương Cầm
(Ảnh: Internet)