Mẹ “thần đồng” Đỗ Nhật Nam bật mí cách dạy con
Trên trang cá nhân, chị Phan Hồ Điệp chia sẻ, ngay từ khi Nhật Nam còn nhỏ chị đã áp dụng phương pháp dạy tích hợp cho con.
Chị Phan Hồ Điệp giải thích: Hiểu một cách đơn giản nhất, dạy học tích hợp nghĩa là cùng với một ngữ liệu, có thể dạy được nhiều môn học, nhiều nội dung khác nhau. Khi thấy biện pháp khá hiệu quả, chị Điệp đã viết để chia sẻ cách dạy con với các bà mẹ khác.
Chị Phan Hồ Điệp cùng con trai Đỗ Nhật Nam
Câu chuyện về phương pháp dạy tích hợp bằng những câu thơ mà chị Phan Hồ Điệp sáng tác được chia sẻ như sau:
Phần Ngữ liệu
Thỏ nhảy tung tăng
Trong xe thần gỗ
Rủ nhau ăn cỗ
Chuột chạy lăng xăng
Bánh xe quay nhanh
Nhấp nhô vun vút
Sóc cười toe toét
Lộn nhào, lộn nhào
Mèo giơ nanh cào
Móng như gai nhọn
Lợn ta ụt ịt
Mắt híp vì cười
Vừa ngã vừa mời
Vào xe Thần gỗ
Ếch kêu “bị dột”
Lộp độp trời mưa
Cừu hét be be
Cho tôi quay với
Rồi hổ, rồi cáo
Sư tử, gà gô
Tất cả quay vòng
Trong xe Thần Gỗ
Đây là đoạn thơ mình viết rồi dán trên bảng cho Nam khi con có một đồ chơi mới hình chiếc bánh xe, trên có gắn những con vật. Mình đặt tên cho đồ chơi đó là Bánh xe của Thần Gỗ. Mọi người có thể tự làm được đồ chơi này, chỉ cần một vật có hình tròn, dán giấy vẽ hình một vòng quay lên đó, xung quanh cắt dán các hình con vật (có thể là hình sticker) lên, thế là đã có một “Thần Gỗ” kì diệu rồi. Đồ chơi sẽ chỉ có tác dụng nếu mình “biết chơi” chứ không căn cứ là đắt hay rẻ mà. Và bây giờ là những nội dung mình sẽ dạy.
1. Cùng nhau kể tên các con vật được nhắc đến trong đoạn thơ đó.
2. Hãy cùng mẹ điền vào bảng, bao gồm các cột: Tên con vật - Nơi sống - Cách di chuyển. Kể tên thêm các con vật sống trên cạn. Các con vật này ăn thức ăn gì? Chúng di chuyển bằng gì?
3. Em chọn một con vật em thích nhất trong đoạn trên? (Nam thích mèo nên chọn mèo)
Bây giờ mẹ sẽ có hình con mèo (dán hình con mèo lên bảng)
4. Bây giờ hãy miêu tả về con mèo xem con mèo sống ở đâu? Mèo ăn gì? Mèo có điểm gì đặc biệt? Em có thể so sánh con mèo với các con vật khác không?
(Những câu miêu tả của Nam là: Con mèo sống ở trong nhà. Mèo ăn cơm với cá. Mèo có điểm đặc biệt là móng vuốt rất sắc nhọn. Em so sánh mèo với con cá và thấy mèo không biết bơi như cá).
Một đoạn miêu tả rất buồn cười, nhưng không sao, mình sẽ khen Nam và thưởng cho Nam bằng việc ra quay bánh xe Thần Gỗ.
Và mình sẽ sửa lại:
Con mèo sống trong nhà. Có cả mèo sống ở trong rừng nhưng chúng thường dữ tợn hơn mèo nuôi trong nhà. Mèo thích ăn cơm với cá. Móng vuốt của mèo sắc nhọn nên bạn cẩn thận kẻo bị mèo cào đau. Bạn thấy mèo khác cá ở điểm nào? À tất nhiên rồi, mèo biết chạy còn cá thì lại biết bơi. Bạn nào cũng giỏi cả. Và cả bạn Nam nữa, bạn cũng rất giỏi.
Nam nghe xong sẽ cười tít mắt và mình đã giúp Nam biết cách khi trả lời không cần nhắc lại câu hỏi mà chỉ cần diễn đạt được đúng ý của mình. Đây là đặc điểm mà mình thường thấy ở các bạn nhỏ khi trả lời ý của cô giáo. Ví dụ cô hỏi: Con cho cô biết, hoa sen có màu gì? Các bạn thường trả lời: Con thưa cô, hoa sen có màu là màu hồng, màu trắng...
Trả lời thế là rất tốt rồi nhưng mình thích những câu trả lời sáng tạo hơn, ví dụ: Con thưa cô, hoa sen có hai màu là màu hồng và màu trắng. Thậm chí có thể nói thêm: Con thích màu hồng vì con thấy đẹp hơn. Đó, chỉ cần thay đổi một chút thôi cũng là thể hiện đầu tiên của việc tư duy sáng tạo rồi phải không nào.
5. Bây giờ hãy trả lời các câu hỏi để miêu tả các con vật khác nữa như: cá, chim bồ câu, ngựa...
6. Hãy vẽ một bức tranh trong đó có cả những con vật sống dưới nước, con vật sống trên cạn và con vật đang bay trên trời. (Đây là yêu cầu khó nên mẹ phải gợi ý nhé: ví dụ có thể vẽ một mặt ao có cá bơi dưới nước, có gà đang đi trên bờ nhặt thóc và có chuồn chuồn đang bay là là trên mặt ao).
7. Hãy làm một cuốn sổ, sưu tầm hình ảnh các con vật sống trên cạn, dưới nước, bay trên trời để dán vào từng loại.
8. Thử xem có thể viết một đoạn thơ về một con vật nào đó mà em thích (Nam thường cùng làm với mẹ, chủ yếu là bài thơ cùng một vần cho dễ và lại vui nữa)
Ví dụ:
Có con mèo
Rất hay trèo
Lại hay leo
Mắt trong veo
Bé tí teo
Kêu ngoeo ngoeo
9. Thử tưởng tượng xem Thần Gỗ sẽ nói gì cùng các con vật. (Trẻ em rất thích những yếu tố thần bí nên hầu hết các ngữ liệu của mình đều có liên quan đến một nhân vật tưởng tượng. Ở bài này, Nam tưởng tượng một ông Thần cai quản ở vương quốc gồm các con vật. Vì các con vật vô cùng nghịch ngợm nên ông đã phạt bằng cách để chúng lên một chiếc bánh xe và quay mãi. Những con vật ưa nghịch ngợm như sóc, thỏ... thì rất thích nhưng các con vật ục ịch, to béo như lợn, sư tử thì rất mệt. Tuy nhiên, Thần Gỗ vẫn quay cho đến khi các con vật kêu lên: Ôi tôi mệt quá! Cho tôi xuống đi nào! Thần Gỗ bấy giờ mới hạ bánh xe xuống. Ôi chao, thật là một chuyến du hành bất đắc dĩ!)
10. Hãy đọc lại đoạn thơ và thử đếm xem số chân của các con vật (không dễ đâu bởi Nam sẽ toát mồ hôi đi tìm hiểu về số chân của con chuột)
Vậy đó, mình nêu sơ qua để thấy, một ngữ liệu thôi nhưng sẽ dạy con được về khoa học, về tiếng Việt và về Toán. Bài học có thể được dạy trong nhiều ngày, mỗi ngày một nội dung. Thông thường, mỗi ngày học mình thường có một ghi nhớ để viết lên trên bảng, ví dụ là:
Ghi nhớ 1: Động vật có thể sống trong nhiều môi trường khác nhau. Có động vật sống trên cạn, có động vật biết bay, có động vật sống dưới nước và có cả các loài lưỡng cư, vừa sống trên cạn vừa sống dưới nước.
Ghi nhớ 2: Chúng ta cần yêu quý các loài động vật
Ghi nhớ 3: Các con vật cũng có tình cảm như người.
Mỗi ngày mình đều đọc các Ghi nhớ đó cho Nam để con hiểu và biết cách thực hành trong đời sống.
Những ghi nhớ này được chị Điệp đọc hàng ngày cho Đỗ Nhật Nam để em hiểu và biết cách thực hành trong đời sống. Từ đó, khi lớn lên, Đỗ Nhật Nam không chỉ được đánh giá cao về tiếng Anh mà còn bao gồm nhiều lĩnh vực khác. Đầu năm 2015, chàng trai Việt Nam đứng thứ nhất trong đội tuyển Toán của trường Saint Paul The Apostle ở bang Texas, Mỹ, được 169/200 điểm.
Huyền Anh (Năng lượng Mới)
-
Thiết kế nội thất Nhà ga hành khách sân bay Long Thành thể hiện tính dân tộc, văn hóa, truyền thống
-
Bộ GD&ĐT công bố đề tham khảo kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025
-
[Video] Cảnh sát biển Việt Nam - Indonesia luyện tập chung trên biển
-
Tử vi ngày 18/10/2024: Tuổi Mão mở rộng ngoại giao, tuổi Ngọ nắm bắt cơ hội
-
Nam Phi đối mặt cuộc khủng hoảng lương thực tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ
- Tử vi ngày 18/10/2024: Tuổi Mão mở rộng ngoại giao, tuổi Ngọ nắm bắt cơ hội
- Tử vi ngày 17/10/2024: Tuổi Tý công danh thăng tiến, tuổi Thìn rắc rối bất ngờ
- Tử vi ngày 16/10/2024: Tuổi Tỵ may mắn bất ngờ, tuổi Mùi cơ hội đầu tư
- Tử vi ngày 15/10/2024: Tuổi Dậu vận may tài chính, tuổi Dần ý tưởng thú vị
- Tử vi ngày 14/10/2024: Tuổi Sửu mở rộng quan hệ, tuổi Tuất quý nhân hậu thuẫn
- Tử vi ngày 12/10/2024: Tuổi Mão phúc lộc dồi dào, tuổi Hợi tinh thần lạc quan
- Tử vi ngày 11/10/2024: Tuổi Tý đạt được mục tiêu, tuổi Thân tia sáng hy vọng
- Tử vi ngày 10/10/2024: Tuổi Dần tài lộc hanh thông, tuổi Dậu nhìn xa trông rộng