Ma chài…!
Bản thân tôi từng lang thang nhiều miền rừng Tây Bắc, ăn ở, tiếp xúc với rất nhiều tộc người thiểu số vùng cao. Những bản làng ở trên tít tận núi cao, nóc nhà chạm vào mây, đời đời kiếp kiếp mịt mờ giữa bốn bề đá núi. Họ thật thà như đất, nhưng cũng dễ nổi sóng thậm chí hung hãn khi bị chạm vào lòng tự ái. Người hiểu về vùng cao thường truyền tai nhau một câu như cửa miệng là: “Cái lý của người Mông” khi nói về cách luận giải vấn đề một cách thẳng thật, giản đơn đến tận cùng của đồng bào dân tộc thiểu số. Họ ít học, ít có thông tin nên một khi đã tin điều gì thì niềm tin ấy gần như vĩnh cửu, kể cả niềm tin ấy là mù quáng.
Thế nên mới có chuyện người Mông tin vào con ma lá ngón; người Thái tin vào ma chài, ma chó; người Mường tin vào bùa ngải… Chả phải kể đến đồng bào dân tộc thiểu số, kể cả ở những nơi dư thừa ánh sáng văn minh vẫn có nguyên lý sơ khai là: cái gì không lý giải được thì cho rằng, đó là do tác động của thế lực siêu nhiên, là của thần thánh, ma mãnh. Những câu chuyện rùng rợn về ma chài mà chúng tôi chúng tôi sắp kể ra đây cũng từ lối nghĩ ấy mà ra cả.
Tôi từng nghe một số những vụ án giết người nghiêm trọng mà anh em công an vùng cao kể lại. Tất cả cũng chỉ vì nỗi ám ảnh mù quáng về thứ gọi là ma chài huyễn hoặc và rùng rợn. Có rất nhiều cái chết tức tưởi liên quan đến ma chài trong thời gian qua và thực tế, vùng núi rừng Tây Bắc lại sôi lên như chảo lửa vì ma chài.
“Giết ma chài, cứu dân bản”
Căn nhà sàn của anh Tòng Văn Loan ở bản Lìm Thái, xã Khau Phạ, huyện Mù Cang Chải, Yên Bái nằm cheo leo trên lưng chừng núi giữa bốn bề là cây sa mộc đang mùa lên lá non xanh mởn. Cả một quả đồi ấy chỉ có mỗi căn nhà của anh, từ nhà anh tới nhà hàng xóm gần nhất cũng phải leo qua một quả đồi khác, đi nhanh cũng phải mất nửa tiếng đồng hồ. Thi thoảng mới có một người khách ghé thăm, hãn hữu lắm hoặc có việc gì quan trọng thì hàng xóm mới đến chơi. Tất cả chỉ cũng vì vợ anh, chị Lò Thị Chềm bị cả bản nghi ngờ là ma chài.
Nhiều đứa trẻ ở bản Lìm Thái luôn sợ sệt vì sợ ma chài ám vào mình
Theo quan niệm của đồng bào dân tộc thiểu số, ma chài thường là những người biết cúng lễ, điều khiển được âm binh… mà đối tượng thường bị ma chài là những nam, nữ thanh niên đang độ tuổi dậy thì. Ngay cả những người phụ nữ đã có chồng vẫn có thể bị ma chài.
Biểu hiện của người bị ma chài là ốm đau quặt quẹo, rất khó chữa khỏi và thường bị chết sau thời gian ốm, đau lâu ngày. Nếu không chết thì cũng lơ ngơ như người bị mất hồn, sống vất vưởng, khác người, làm theo ý người khác như có ma xui, quỷ khiến. Nguyên nhân dẫn đến “ma chài” là bị người khác chài, yểm ma vào người để giải quyết tư thù cá nhân hoặc chài để người khác phải lệ thuộc, làm theo ý người biết chài.
Muốn biết người nào là ma chài, người Mông thử bằng cách để quả trứng gà lên ngưỡng cửa, trên cái chai hoặc để trên sống dao sau đó gọi tên người cần thử, tên người nào khi được gọi lên mà quả trứng rơi thì người đó không phải là ma chài, người nào khi gọi tên, quả trứng vẫn đứng im thì đó chính là ma chài.
Ma chài đã ám ảnh bà con dân tộc hàng nghìn năm nay và đến giờ, nỗi ám ảnh ấy đang có nguy cơ trỗi dậy, mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Tôi gặng hỏi anh Loan: “Tại sao người ta lại đồn đại ác nghiệt về vợ anh đến như vậy?”. Anh Loan như đổ gục người xuống, trong tiếng nấc nghèn nghẹn, anh nói: “Mình có biết gì đâu, ma chài, ma chó cũng chỉ nghe người ta đồn đại thôi. Cách đây mấy năm vợ mình có tự lập bàn thờ cúng cho đứa con nhỏ bị ốm và may thay con mình khỏi bệnh. Có người biết chuyện và thế là tin đồn lan đi. Dân bản nói vợ mình cúng cho con khỏi bệnh thì đích thị là ma chài rồi. Mình đã cố gắng giải thích với mọi người nhưng chẳng ai chịu tin, họ cứ xa lánh gia đình mình, gặp trên nương cũng tránh mặt”.
Việc chị Chềm bị nghi là ma chài khiến cho cả gia đình bị cô lập. Có lần, chị Chềm xuống chợ mua ngô giống, cả chợ trông thấy chị liền lảng ngay đi chỗ khác. Chị đi mua thịt trâu, miếng thịt nào chị động vào là nhất định không bán nổi. Đến nỗi, có đám cưới của người em họ ở bản bên, chị Chềm sang ăn cỗ cưới, chị ngồi xuống mâm nào là cả mâm ấy nhất loạt đứng dậy, ngồi năm bảy mâm đều như thế nên tủi thân quá chị đành ra về trong nước mắt.
Cái khổ nhất là mấy đứa con nhỏ của chị Chềm đi học bị các bạn xa lánh hắt hủi. Đã mấy tháng nay, cháu Tòng Thị Hương đi học cứ thui thủi ngồi một mình ở bàn cuối vì không ai dám ngồi cùng. Các bạn cùng lớp bảo mẹ Hương là ma chài, ngồi cạnh Hương sẽ bị ma chài ám sang người, về là ốm chết. Phải khó khăn lắm Hương mới dám đi học, nhưng cũng buổi đực buổi cái, cháu đã nhiều lần định bỏ học.
Bi kịch của gia đình anh Loan, chị Chềm xảy ra đúng vào ngày mùng 1 tết năm 2013. Lúc giao thừa xong, anh Loan say rượu, đang lơ mơ ngủ trên giường, các con ở giường bên cạnh đều đã ngủ cả, chỉ còn chị Chềm ngồi xem tivi. Bên vách gỗ thò ra một họng súng kíp. Đạn nổ chát chúa găm đúng vào thái dương chị Chềm. Chị bắn từ trên giường xuống và đổ gục dưới đất, máu trên đầu chảy ra xối xả. Chị chết ngay tại chỗ.
Bố con anh Tòng Văn Loan vẫn chưa hết bàng hoàng sau cái chết của vợ là chị Lò Thị Chềm
Anh Loan choàng tỉnh, bế thốc chị chạy bộ ra trạm y tế xã nhưng không còn kịp nữa.
Cái chết của chị Chềm gây chấn động cả bản. Có người thì thương xót chị nhưng cũng có người ác khẩu thì hả hê bảo rằng: “Ma chài đã bị giết chết, thế là đáng đời lắm, cả bản sẽ được bình yên”.
Vụ án giết người này đã được Công an tỉnh Yên Bái liệt vào dạng đặc biệt nghiêm trọng. Rà soát tất cả các mối quan hệ của chị Chềm, người ta thấy chị Chềm không thù oán với ai. Chính anh Loan cũng bị tạm giữ tại trụ sở công an huyện vì bị tình nghi là giết vợ. Mãi mấy ngày sau, lực lượng cảnh sát điều tra Công an tỉnh Yên Bái mới phát hiện một người đàn ông tên là Phương, cũng ở bản Lìm Thái được tôn là “người hùng” của bản. Phương lập tức bị đưa đến cơ quan điều tra. Không khó để cơ quan điều tra buộc Phương thú nhận, hắn chính là thủ phạm ra tay giết chết chị Chềm. Nguyên nhân rất đơn giản: Phương ra tay giết người để diệt ma chài cho cả bản.
Điều đau lòng nhất là, Phương vốn tương đối thân thiết với gia đình anh Loan. Trước đây, Phương thường xuống nhà anh Loan uống rượu. Hắn vốn nghèo nên thỉnh thoảng còn xin gạo, xin gà về ăn uống. Anh Loan làm sao mà ngờ được hắn lại nhẫn tâm đến như vậy.
Chết thảm vì tự nhận là ma chài
Người bị nghi là ma chài, bị cả bản làng cô lập, ghẻ lạnh vốn là một chuyện dễ hiểu nhưng có nhiều người tự rêu rao mình là ma chài để dọa nạt người khác. Chính Thượng tá Nguyễn Văn Thông, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an tỉnh Hà Giang là người từng có nhiều năm tiếp xúc với nhiều vụ trọng án nghiêm trọng còn phải thốt lên rằng: “Nhiều vụ án rùng rợn liên quan đến ma chài mà mức độ manh động của nó thì thật khó tưởng tượng”.
Thượng tá Nguyễn Văn Thông đã kể cho chúng tôi nghe về trường hợp tự mạo nhận là ma chài của tên Lý Kháy Sài, 40 tuổi ở thôn Cốc Đông, xã Cốc Rế, huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang. Ban đầu, chẳng hiểu vì sao, lời đồn về Sài loan đi rằng: Cứ mỗi lần Sài đến nhà ai đó chơi thì vài ngay sau, trâu bò, lợn gà gia chủ đồng loạt lăn ra chết. Có người còn bảo rằng, sau khi Sài đến chơi, người lớn thấy mệt mỏi, trẻ nhỏ thì ốm o, bệnh tật nên rất hãi. Dù đó chỉ là tin đồn, chưa ai kiểm chứng được nhưng cả bản Cốc Đông đều co rúm người sợ hãi khi trông thấy Sài.
Tuy nhiên, thay vì giải thích rõ cho dân bản hiểu, Sài liền biến sức mạnh huyễn hoặc của ma chài thành sức mạnh của chính mình. Hắn dương dương tự đắc và nghĩ rằng, cả bản sẽ phải phục tùng hắn, không hắn sẽ hại chết. Không dừng lại ở đó, Sài vạ vật lang thang uống rượu khắp bản, khật khưỡng đi đến từng nhà dọa dẫm rằng, nếu không nộp tiền, nộp rượu cho Sài, hắn sẽ chài chết cả nhà. Thế mà cũng có nhiều người vì sợ quá mà cống nộp cho Sài rất đều đặn.
Anh Loan chỉ cho phóng viên xem khu vực tên Lò Văn Phương đã thò súng vào bắn chết chị Chềm
Nhiều người sợ nhưng cũng nhiều người căm ghét Sài tận xương tủy, nhất là đám thanh niên trong bản. Và họ đã lập mưu giết Sài.
Buổi tối hôm ấy, có 3 thanh niên là Cháng Văn Đương (SN 1983), Cháng Văn Chương (SN 1974), Cháng Văn Kim (SN 1984) bàn nhau rằng, sẽ rủ Sài đi uống rượu cho say rồi lấy mạng Sài. Thế nhưng, do họ sợ “phép thần” của Sài nên phải gọi thêm lực lượng là Hoàng Văn Chỉ và Hoàng Văn Thành (SN 1987) tham gia cho chắc chắn.
Lý Kháy Sài thản nhiên ngồi tu rượu ừng ực, miệng thì huyên thuyên về khả năng của mình. Gần 12 giờ đêm, cả bọn mới kéo nhau về. Sài đã ngật ngưỡng say nhưng cả 5 thanh niên to khỏe kia vẫn sợ không dám ra tay giết “ma chài” vì sợ phép thuật. Cả bọn lại rủ Sài về nhà Chương uống rượu tiếp.
Họ uống rượu đến 3 giờ sáng ngày hôm sau. Chỉ đến khi Sài ngấm men say, mò mẫm ra ngoài và bị ngã úp sấp mặt xuống đất thì cả bọn mới dám hành động. Họ dùng dây thừng buộc vào cổ Sài kéo hất xuống hố vôi, sau đó bẩy đá tảng ném xuống cho đến khi Sài tắt thở thì họ mới thôi.
Mối nguy hại về ma chài không chỉ nằm ở địa phương nào đó mà nó lan rộng khắp các vùng miền núi Tây Bắc và tai hại nhất là cả người Mông, người Thái, người Mường đều tin vào thứ tà ma này.
Gần đây, ở bản Trạm Púng, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên có nhiều trẻ em bị chết không rõ nguyên nhân. Có trẻ vừa chào đời đã tím tái, đưa đi cấp cứu thì không qua khỏi. Có đứa trẻ ngã xuống hố nước nông cũng tử vong.
Đứa con trai nhỏ của Vàng A Sinh cũng chết vì bệnh tật. Con trai Sinh bị ho kéo dài, đã mời thầy cúng về giải bệnh nhưng không khỏi. Bệnh ngày càng nặng, Sinh phải đưa con tới Trung tâm Y tế huyện nhưng vừa tới nơi thì cháu bé đã chết. Thương con, Sinh lú lẫn cho rằng con mình bị ma chài bắt phải chết nên đâm ra thù hận và một mực đi tìm ma chài để giết, báo thù cho con. Người đầu tiên Sinh nghĩ tới chính là Vàng A Páo, 42 tuổi, người cùng bản. Hai người vốn đã có mối thâm thù với nhau vì ngày trước, cả hai cùng yêu một người con gái bản bên và người con gái ấy giờ là vợ Páo.
Câu chuyện có lẽ cũng dừng lại ở đó nếu vợ Sinh không đột ngột qua đời vì bạo bệnh, còn Sinh phải đi tù về tội tàng trữ ma túy. Khi vừa mãn hạn tù trở về, thấy Páo lù lù sống cùng bản nên Sinh quyết tâm giết Páo cho bằng được.
Tối đó, ăn cơm xong, Sinh lạnh lùng cầm khẩu súng kíp sang giữa nhà Páo và nhả đạn. Páo chết ngay tại chỗ, viên đạn găm giữa ngực.
Phải trừ con ma trong đầu dân bản
Suy cho cùng, chuyện ma mãnh và cả những chuyện bệnh tật liên quan đến tâm linh vốn là chuyện không lạ ở những tỉnh miền núi phía bắc từ nhiều năm qua. Thế nhưng, chuyện ma chài đã đi quá giới hạn và theo thống kê sơ bộ, trong khoảng 2 năm trở lại đây đã có tới gần 20 người chết oan ức vì bị nghi là ma chài. Sự thực là, khi dân bản đã mê muội, đương nhiên họ quyết tâm thực hiện bằng được hành vi giết người của mình với ý nghĩ: Tôi giết ma chài trừ hại chứ không phải giết người. Suy nghĩ ấy mới thực sự tai hại.
Để chứng minh cho bà con hiểu rằng, chẳng có ma chài nào hết, sau khi xảy ra vụ án hãi hùng của Lý Kháy Sài, Công an tỉnh Hà Giang đã vận động các cơ quan, ban, ngành tìm hiểu xem tại sao người lớn, trẻ em ở bản Cốc Đông lại bệnh tật; vật nuôi trong nhà lăn ra chết. Nguyên nhân đã được làm rõ: Do môi trường vệ sinh chuồng trại của vật nuôi quá kém, khí hậu lại khắc nghiệt hơn mọi năm nên vật nuôi chết hàng loạt. Xác động vật bốc mùi xú uế, ảnh hưởng đến môi trường sống xung quanh nên con người cũng mắc bệnh. Chuyện chỉ có thế chứ chẳng có ma chài nào hết.
Thế nên, muốn trừ tận gốc con ma chài là phải trừ được u mê, mù quáng trong chính suy nghĩ của bà con dân bản.
Giáo sư Ngô Đức Thịnh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa dân gian Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam cho biết: Quan niệm về ma chài đã tồn tại hàng trăm năm nay trong đồng bào dân tộc, có cả dư luận về chài yểm để giải quyết mâu thuẫn, làm hại nhau, thậm chí cả để chiếm tình yêu. Có những trường hợp chúng ta chưa giải thích được. Nhưng chủ yếu những vụ việc xảy ra liên quan đến ma chài gây ảnh hưởng tới văn hóa, xã hội ở vùng núi cao là do có người lợi dụng quan niệm ma chài để giải quyết mâu thuẫn, có trường hợp do nhận thức chưa cao, bị tác động bởi những lời đồn đại. Bởi vậy, chúng ta phải nâng cao nhận thức cho bà con. |
Phóng sự của Vũ Minh Tiến