Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Lương y như từ mẫu

07:00 | 07/02/2013

|
(Petrotimes) - Bạn đọc: Xin cho biết nghĩa của hai chữ "từ mẫu" và tại sao nói "lương y như từ mẫu"?

Học giả An Chi: Về hình thức cú pháp thì từ mẫu là danh ngữ; chỉ xin chú ý rằng, hiện nay, tiếng Hán có hai danh ngữ từ mẫu đồng âm, tạm ghi là từ mẫu 1 và từ mẫu 2. Cách đây 17 năm, trên Kiến thức Ngày nay số 128 (1/1/1994), trả lời câu hỏi về “tam phụ bát mẫu”, chúng tôi đã viết:

Bát mẫu (tám mẹ) là: đích mẫu (mẹ ruột), kế mẫu (mẹ ghẻ), dưỡng mẫu (mẹ nuôi), từ mẫu (mẹ là vợ lẽ của cha nhận nuôi mình như con ruột theo ý của cha; đây không phải là “mẹ hiền”), giá mẫu (mẹ đi lấy chồng khác), xuất mẫu (mẹ bỏ nhà đi hoặc bị đuổi ra khỏi nhà), thứ mẫu (mẹ là vợ lẽ của cha) và nhũ mẫu (mẹ cho bú = vú nuôi).

Luật nhà Thanh đã phân biệt (tam phụ) bát mẫu như trên để quy định tang phục cho người con hoặc người được coi là con. Chú ý: Xét theo từ nguyên thì kế mẫu là mẹ kế sau khi mẹ ruột đã chết hoặc không còn ở với cha, còn thứ mẫu là vợ lẽ của cha ngay cả khi mẹ ruột còn sống hoặc còn ở với cha. Ngày nay người ta vẫn nói kế mẫu thay vì thứ mẫu”.

Khái niệm “mẹ” mà chúng tôi nói đến trong câu trả lời trên đây là từ mẫu 1. Câu trả lời này phụ thuộc vào câu hỏi chung về tam phụ bát mẫu nên chúng tôi mới liên hệ đến luật nhà Thanh chứ thực ra thì từ mẫu 1 là một danh ngữ đã có từ rất lâu đời, như sẽ thấy bên dưới. Cách hiểu theo từ nguyên dân gian đã sản sinh thêm từ mẫu 2 là một danh ngữ được hiểu chung chung là mẹ, dĩ nhiên là mẹ ruột. Người ta cứ ngỡ rằng, từ trong từ mẫu 1 cũng chính là chữ từ trong thành ngữ phụ nghiêm mẫu từ (cha gắt mẹ hiền) nên cứ nghĩ rằng từ mẫu có nghĩa là “mẹ hiền”. Chính vì lối hiểu dân dã, thông tục này mà nhiều khi ta gặp những cách giảng rất đơn giản: “Cổ vị phụ nghiêm mẫu từ, cố xưng mẫu vi từ mẫu” (xưa nói cha gắt mẹ hiền, do đó gọi mẹ là từ mẫu), hoặc “Từ mẫu tựu thị từ tường đích mẫu thân” (từ mẫu chính là người mẹ hiền lành [của mình]). Sự mở rộng nghĩa này làm cho danh ngữ từ mẫu 1 đi rất xa với nghĩa gốc của nó mà trở thành từ mẫu 2. Hiện tượng này đã là đề tài cho một bài viết rất thú vị của Quách Xán Kim (郭灿金) trên Báo “Trung Quốc Giáo dục” nhan đề “Hán ngữ trung ngộ dụng suất tối cao đích từ: từ mẫu bất thị sinh mẫu, thị dưỡng mẫu” (từ dùng sai có tần suất cao nhất trong tiếng Hán: Từ mẫu không phải mẹ ruột [mà] là mẹ nuôi).

Quách Xán Kim cho biết sách Nghi lễ đã giảng như sau: “Cái (khái niệm) gọi là “từ mẫu” là gì? Dạy rằng: Người thiếp không có con, con của (một) người thiếp không (còn) mẹ, người chồng dặn người thiếp (rằng) nàng hãy nhận đứa bé này làm con, lại dặn đứa con (rằng) mày hãy nhận (người [thiếp] đó) làm mẹ”.

Rồi tác giả viết tiếp: “Do đó mà biết rằng, không phải bất cứ người đàn bà nào cũng có thể trở thành từ mẫu, cũng như không phải bất cứ đứa trẻ nào cũng đều có thể có từ mẫu. Để trở thành từ mẫu, phải có những điều kiện sau đây, thiếu một cũng không được: – phải có người chịu thân phận làm thiếp; – (người thiếp này) không có con hoặc không có khả năng sinh sản (ít nhất cũng là không sinh được con trai); – quan trọng hơn nữa là người chồng còn phải có một người thiếp khác mà người thiếp này khi qua đời có để lại một đứa con trai. Khi đã đủ những điều kiện đó rồi, lại còn cần người chồng dặn dò (người thiếp kia): “Này cưng, nàng hãy nhận đứa trẻ chết mẹ này làm con của chính mình mà nuôi dạy đi!”.

Thế là ta có hai danh ngữ từ mẫu: từ mẫu 1 từ mẫu 2, mà từ mẫu 2 thì bắt nguồn từ từ mẫu 1. Tuy vẫn còn được bảo lưu, nhất là trong thư tịch, nhưng cái nghĩa của từ mẫu 1 cũng có phai mờ dần theo thời gian, đặc biệt là từ đời Đường trở đi. Vì vậy cho nên trong bài thơ “Du tử ngâm” của Mạnh Giao đời Đường, trong hồi thứ 12 của Nhi nữ anh hùng truyện, hoặc trong bài “Đáp Vương Thập Nhị “Hàn dạ độc chước hữu hoài”” của Lý Bạch, v.v…, thì danh ngữ từ mẫu chỉ còn là từ mẫu 2 mà thôi. Danh ngữ từ mẫu 2 đồng nghĩa với danh từ mẫu (= mẹ [ruột]), có khi còn nói tắt thành từ như trong bài thơ “Ký Kiền Châu, Giang Âm nhị muội” của Vương An Thạch đời Tống hoặc bài “Thân ngâm sàng đệ văn gia từ bệnh” của Chu Lượng Công đời Thanh, v.v... Cái xu hướng này đã chiếm ưu thế từ lâu và cái bằng chứng thuộc loại mới nhất mà chúng tôi lấy được ở trên mạng là vụ án gây xôn xao tại huyện Đông Quán, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc với hàng tít “Từ mẫu nịch tử án” (Vụ án mẹ ruột dìm [chết] con đẻ) trên các tờ báo (tin ngày 3/6/2011).

Vậy thì từ mẫu trong câu “Lương y như từ mẫu” là từ mẫu 1 hay từ mẫu 2. Chúng tôi cho rằng, đây là từ mẫu 2 vì cái lý do chủ yếu là không thấy nó được dẫn ra từ một tác phẩm kinh điển nào cả, đồng thời vì lý do nó ra đời sau khi từ mẫu 1 đã lui vào hậu trường để nhường sân khấu cho từ mẫu 2. Đây là “Thầy thuốc như mẹ hiền (= ruột)”, một phương châm để khuyến cáo và khích lệ người thầy thuốc chăm sóc người bệnh với một tinh thần tận tụy như của một người mẹ ruột chăm lo cho con cái của mình. Chúng tôi tin ở cách hiểu này còn vì một lý do nữa: Câu “Lương y như từ mẫu” cũng gần nghĩa với câu “Y giả phụ mẫu tâm” (thầy thuốc [có] tấm lòng của cha mẹ), đều có ý so sánh sự quan tâm của người thầy thuốc với người bệnh như tình thương yêu của cha mẹ đối với con cái.

A.C