Luật Đầu tư công (sửa đổi): Phải chỉ ra được nguồn vốn của dự án
Khó cân đối đủ nguồn vốn
Theo tờ trình của Chính phủ, tổng số vốn kế hoạch đầu tư từ nguồn ngân sách Trung ương (NSTƯ) được giao trong cả giai đoạn 2016-2020 ước đạt 964,95 nghìn tỉ đồng, bằng 86,16% tổng số vốn NSTƯ dự kiến trong kế hoạch trung hạn (1.120 nghìn tỉ đồng, bao gồm cả dự phòng chung). Để giải quyết phần thiếu hụt 155,05 nghìn tỉ đồng, Chính phủ đang chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh thu ngân sách; chủ động rà soát, sắp xếp, điều chỉnh hợp lý kế hoạch trung hạn...
Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển |
Căn cứ thực tế nền kinh tế, Chính phủ cho rằng, việc phân bổ dự phòng chung tại thời điểm hiện nay là cần thiết, nhằm tạo cơ sở pháp lý quan trọng về vốn để các bộ, ngành, địa phương thực hiện các thủ tục thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn, phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư các dự án mới, phê duyệt quyết định đầu tư điều chỉnh các dự án đã có trong danh mục kế hoạch trung hạn. Nếu không có bước phân bổ này, các dự án sẽ bị tắc do chưa đủ thủ tục đầu tư theo quy định và không thể triển khai được ngay cả khi có vốn.
Do vậy, Chính phủ đề xuất hướng xử lý là trình Quốc hội xem xét, quyết nghị giao Chính phủ triển khai rà soát, hoàn thiện phương án phân bổ nguồn vốn dự phòng chung kế hoạch trung hạn giai đoạn 2016-2020; thông báo phương án phân bổ và yêu cầu các bộ, ngành, địa phương liên quan hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án theo đúng quy định…
Tuy nhiên, báo cáo thẩm tra do Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách (UBTCNS) của Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh quy định tại Nghị quyết 71 của Quốc hội, đó là: “Các dự án được bố trí vốn dự phòng chung nguồn NSTƯ phải bảo đảm nguyên tắc cân đối được nguồn trong dự toán ngân sách Nhà nước hằng năm”. Vì vậy, đa số ý kiến trong UBTCNS cho rằng, với thực tế cân đối nguồn vốn như số liệu Chính phủ trình, việc cân đối đủ nguồn vốn để bố trí cho nhu cầu là rất khó khăn, nếu phân bổ sẽ phải tìm nguồn cân đối bổ sung có tính khả thi để không gây áp lực đến cân đối ngân sách, tránh dàn trải, nhiều công trình dở dang phải chuyển sang giai đoạn sau.
Nhiều đại biểu Quốc hội cũng cho rằng, phương án Chính phủ trình là khó khả thi, khả năng cân đối vốn khó khăn, dẫn đến không phù hợp với Nghị quyết 71.
Cần làm rõ nguồn vốn dự phòng
Phát biểu thảo luận tại phiên họp tổ về việc phân bổ vốn dự phòng của kế hoạch trung hạn, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho hay, trong suốt giai đoạn từ năm 2016 đến nay, việc phân bổ vốn cơ bản vẫn giao cho Chính phủ, với tinh thần phương án phân bổ phải có danh mục, dự kiến phân bổ. Đến nay, khoảng 957.000 tỉ đồng vốn đầu tư từ NSTƯ trong kế hoạch trung hạn đã phân bổ xong.
Mới đây, Chính phủ đề nghị cho phép phân bổ số vốn dự phòng còn lại, tuy nhiên lại phát sinh các danh mục mới, không nằm trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, nên phải trình ra Quốc hội. Theo Phó chủ tịch Quốc hội, quan điểm của Quốc hội là điều chỉnh tăng lên được bao nhiêu thì cho phép xử lý tương ứng. Nhưng đến nay, nguồn dự phòng tăng giảm ra sao vẫn chưa được làm rõ, trong khi dự toán của năm 2020 phải đến cuối năm 2019 mới được Quốc hội quyết định.
“Chúng ta cưỡi con ngựa bất kham, phi không biết đến đâu. Cốt lõi của Luật Đầu tư sửa đổi là quyết định dự án phải chỉ ra được nguồn vốn ở đâu, còn dự án hiệu quả hay không là chuyện khác. Bởi thực tế cứ có danh mục đưa ra dự án rất hoàng tráng, nhưng chẳng chỉ ra tiền ở đâu” - ông Phùng Quốc Hiển nhận xét và cho biết thêm, hiện nay đang có tới 400 dự án khó khăn về vốn, chưa tính các dự án đang xin bổ sung vốn.
Nêu ý kiến về vấn đề này, đại biểu Phan Viết Lượng (Bình Phước) khẳng định, việc phân bổ, sử dụng nguồn dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 được nhiều đại biểu đặc biệt quan tâm. Do hiện còn nhiều ý kiến trái chiều trong việc phân bổ nguồn vốn, vì vậy, đề nghị Chính phủ cần làm rõ, cụ thể hơn theo hướng ưu tiên những dự án cần thiết, tránh dàn trải. Hiện nhiều địa phương phải chịu thiệt hại nặng nề do thiên tai cần được quan tâm đầu tư để thực hiện các dự án di dời dân cư ra khỏi vùng sạt lở, hay hỗ trợ địa phương khắc phục những thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp. Có những địa phương có điều kiện tốt lại được đầu tư, trong khi nhiều địa phương rất khó khăn lại chưa được quan tâm, là không công bằng.
Minh Lê
-
Nhiều đại biểu tán thành áp thuế 5% đối với phân bón
-
Cần sửa đổi Luật Thuế GTGT để giải quyết các bất cập trong thực tiễn
-
Hôm nay, Quốc hội sẽ thảo luận về Dự án Luật Thuế Giá trị gia tăng sửa đổi
-
Giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện các kết luận, kiến nghị kiểm toán
-
Chỉ kiểm toán ở đơn vị chủ đầu tư và ban quản lý dự án
-
Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11
-
“Không có căn cứ để nói áp thuế GTGT 5% sẽ làm tăng giá phân bón”
-
Thủ tướng gặp mặt đại diện các nhà giáo tiêu biểu năm 2024
-
Chiến thắng Bình Giã: Sức mạnh toàn dân làm nên mốc son lịch sử
-
Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam - Những vấn đề lý luận và thực tiễn